(Thethaovanhoa.vn) - Lạm dụng rượu bia trở thành ám ảnh từ người dân tới các doanh nghiệp và cả hệ thống công quyền. Dùng rượu bia mọi lúc, mọi nơi khiến xã hội rệu rã, ì ạch và trật tự xã hội cũng trở nên ngả nghiêng theo những cuộc vui vô tội vạ.
Đó là quan điểm của TS. Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và phát triển.
TS. Nguyễn Văn Vịnh chia sẻ: Tất cả các tộc người trong lịch sử đều dùng bia rượu theo một cách nào đó và đều có cách để chế ra rượu. Nhiều quốc gia đã nâng “quốc tửu” của mình lên thành một “đặc sản” thúc đẩy kinh tế, văn hóa, du lịch của đất nước. Nhiều nước Á Đông coi rượu là phần không thể thiếu trong các nghi lễ thiêng liêng.
“Vì thế, thẳng thắn nhìn nhận, rượu bia không phản văn hóa hay đi ngược phát triển xã hội. Mọi điều trở lên tệ hại với xã hội là do con người lạm dụng rượu bia, mượn rượu bia để thỏa mãn các nhu cầu, mục đích của bản thân”.
Không rượu, không xong việc
Theo TS. Nguyễn Văn Vịnh, sau thời gian mở cửa, các dấu hiệu phát triển kinh tế của đất nước tương đối khả quan và nhanh chóng. Mọi người dần thoát khỏi cảnh chỉ cần cơm no áo ấm để tìm đến sự hưởng thụ. Rượu bia là một trong những thứ người ta tìm tới đầu tiên vì nhiều nhẽ.
“Dễ thấy nhất, trong xã hội người Việt xưa, khi cộng đồng tập trung như giỗ chạp, cưới xin, ma chay, hội hè…, rượu là một phần không thể thiếu”- TS Vịnh nói - “ Song hồi đó, cộng đồng ràng buộc nhau rất chặt, một người thường xuyên say xỉn, chống phá trật tự xã hội sẽ bị cô lập. Và, người xưa chỉ uống rượu nhiều một chút khi có dịp đặc biệt”.
Còn nay, mọi thứ khác hẳn. Vui uống, buồn uống, không vui không buồn cũng uống. Quán bia rượu ở thành phố mọc lên như nấm mà quán nào cũng đông, giờ nào cũng đông. Việc uống rượu phổ biến tới mức người không uống được rượu bị cô lập còn người thích uống được coi là “hòa đồng”.
Cụ thể, TS Vịnh có chia sẻ trải nghiệm của cá nhân ông trong một lần đi công tác. Khi đối tác địa phương ép rượu, ông Vịnh từ chối. Sau đó, đối tác đã tuyên bố thẳng thừng: “Vậy ông hãy tìm người nào không biết uống rượu mà làm việc”.
“Giá trị xã hội bị đảo lộn tới đáng sợ! Lạm dụng rượu bia trở thành nỗi ám ảnh tới các doanh nghiệp, các cơ quan công quyền. Không rượu, miễn làm việc. Mà đã uống là phải uống tới say, uống tới nát mèm mới “hiểu nhau”, mới là “đối tác tốt”. Còn tỉnh táo thì chúng ta không thể chia sẻ thẳng thắn và chân tình được với nhau?”- Ông Vịnh nói.
Nhiều vụ tai nạn xảy ra do say rượu bia. Ảnh: TTXVN Cần mạnh tay với thuế bia rượu
Ngoài việc ảnh hưởng tới các tầng lớp công quyền, những người trung lưu và thu nhập dưới trung bình và cả những người yếu thế trong xã hội hiện tại cũng có nhiều dấu hiệu lạm dụng rượu bia. Theo ông Vịnh, những tầng lớp này tìm đến rượu bia để giải tỏa những bức bối. Song, họ đang đi từ thái cực này sang thái cực khác tệ hại hơn.
Cái vòng luẩn quẩn: nghèo, bức bối, uống rượu, càng nghèo, lại uống để quên thực tại trở nên phổ biến. Thực tế này cần can thiệp bằng những chiến dịch truyền thông, giáo dục để những người nghèo, những người yếu thế thoát khỏi việc lạm dụng bia rượu và hướng tới lao động cải thiện cuộc sống.
TS. Vịnh chia sẻ: “Thêm nữa, nhiều người Việt coi rượu bia như cách để thể hiện đẳng cấp. Tôi uống nhiều để thể hiện sức mạnh đàn ông. Tôi uống rượu đắt tiền để thể hiện năng lực tài chính dồi dào. Tôi mời mà anh không uống tức là anh khinh tôi…”
Nhậu đâu cũng là uống rượu, song ở Hà Nội, uống rượu mà “đối ẩm” với Ô Quan Chưởng vẫn được coi là “đặc sản” với nhiều người sành nhậu.
Hệ lụy là vô vàn điều tệ hại xảy ra quanh bàn nhậu. Nó thể hiện ở những tít báo ngày ngày đập vào mắt cộng đồng: “Không uống rượu, bị bạn nhậu đâm chết”; “Bị bạn nhậu đâm chết vì không chịu “boa” tiếp viên”; “Bị đâm chết khi sau khi chê bạn nhậu uống rượu yếu”; “Bị bạn nhậu đâm chết vì hát quá to”…
“Tức là, lạm dụng rượu bia khiến hệ thần kinh bị ảnh hưởng, con người trở nên manh động hơn, coi thường những giá trị xã hội hơn. Đi kèm với bạo lực, vô vàn vụ tai nạn giao thông do bia rượu cũng là những hệ lụy khủng khiếp của lạm dụng bia rượu”.- Ông Vịnh nói.
Theo nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và phát triển, biện pháp ngăn thảm trạng lạm dụng rượu bia lớn nhất là tuyên truyền và giáo dục. Đi kèm là việc thay đổi chính sách liên quan tới rượu bia. “Không ở đâu mua rượu bia dễ và rẻ như Việt Nam. Tôi nghĩ, các nhà lập pháp cần xem lại chính sách thuế đối với rượu bia để hạn chế những bi kịch vẫn diễn ra hằng ngày, dai dẳng trong xã hội như hiện nay”- ông Vịnh khẳng định.
Mỹ Mỹ (Ghi)
Thể thao & Văn hóa