loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 10/10, Hà Nội dịu dàng trong tiết trời Thu, đường phố ngập sắc cờ hoa. Cũng vào thời khắc này, 65 năm trước, các đoàn quân từ năm cửa ô tiến vào giải phóng Thủ đô trong tiếng reo hò và sự hân hoan chào đón của người dân Hà Nội.
Những ngày này, Hà Nội đang tưng bừng kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2019), đường phố rợp cờ hoa, lòng người rộn ràng niềm vui.
“Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng/ Cờ ngày nào tung bay trên phố…”, lời ca khúc Tiến về Hà Nội của cố nhạc sỹ Văn Cao rộn rã vang lên, đưa mọi người trở lại ký ức của hơn nửa thế kỷ trước. Những hình ảnh hào hùng, niềm vui lại vọng về. Những nụ cười, cái bắt tay nồng hậu gửi theo bao niềm hy vọng lại hiện ra. Dù 65 năm đã trôi qua, song cứ đến ngày này, những người Hà Nội cao niên lại xúc động nhớ về những giây phút thiêng liêng đó. Họ trân trọng quá khứ để thấy yêu hơn cuộc sống hiện tại và nhắc nhở con cháu ghi nhớ công lao của các thế hệ đi trước.
Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, chia sẻ: Vào thời điểm ấy người Hà Nội chào đón ngày giải phóng với một niềm khát khao và hy vọng. Người dân khu phố của ông mang vải ra chùa Cầu Đông (quận Hoàn Kiếm) may cờ, còn trẻ nhỏ, trong đó có ông, thì học hát. Sáng sớm 10/10/1954, khi ông và nhiều người vẫn chưa ra khỏi nhà thì đã nghe thấy tiếng ồn ào ngoài phố. Ông mở cửa ra xem và thấy bóng dáng các chiến sĩ giải phóng quân thay cho quân Pháp như mọi khi. Thế là ông cùng mọi người ùa ra chào đón, phố nọ lan truyền sang phố kia. Trong buổi lễ chào cờ đầu tiên ông không được vào trong thành mà đứng ở khu nhà thờ Cửa Bắc gần đó lắng nghe tiếng hát, tiếng nhạc.
Ông tâm sự: Sức mạnh lớn nhất của chúng ta lòng tin. Khi các chiến sĩ Thủ đô rời Hà Nội ra đi vào đầu năm 1947, họ hẹn ngày trở về như một điều rất đỗi thiêng liêng và đầy quyết tâm. Cuối cùng họ đã trở về trong chiến thắng.
Trong buổi sáng mùa Thu trong lành này dường như mọi người không tất bật như thường ngày mà sống chậm lại. Dọc các tuyến phố chính - Độc Lập, Điện Biên Phủ, Tràng Tiền, Đinh Tiên Hoàng, Tràng Thi, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt… rực rỡ cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu. Nhiều người muốn ra đường dạo phố để tận hưởng không khí ngày lễ lớn, hòa với niềm vui chung của Thủ đô. Trong đó, khu vực Hồ Hoàn Kiếm là nơi được nhiều người hướng tới. Bởi nơi này không chỉ là không gian văn hóa của Hà Nội mà còn là nơi ghi dấu nhiều chứng tích liên quan đến cuộc chiến đấu bảo vệ Hà Nội thời chống Pháp. Vì thế, trong ngày kỷ niệm Giải phóng Thủ đô, không khí ở đây nhộn nhịp hơn các ngày khác.
Ông Hoàng Đình Lợi (trú tại phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng) cùng hai người bạn thư thả dạo bộ bên hồ Hoàn Kiếm, ngắm nhìn phố phường, ôn lại chuyện cũ. Vào thời điểm Hà Nội còn chìm trong khói lửa của cuộc chiến chống Pháp, ông mới là cậu bé. Tuy nhiên, ông vẫn còn nhớ rõ những sự kiện lịch sử nơi này, nhất là khu vực Bưu điện Hà Nội - nơi diễn ra cuộc giao chiến ác liệt giữa lực lượng của ta và quân Pháp vào cuối tháng 12/1946. Dù sau đó, địch chiếm được Bưu điện Hà Nội nhưng nhiều lính Pháp bị thiệt mạng, cả sĩ quan Pháp cũng chịu chung số phận. Ông Hoàng Đình Lợi chia sẻ, có trải qua những năm tháng chiến tranh mới thấy ý nghĩa của hòa bình hôm nay.
Những ngày này, trong không khí của tháng 10 lịch sử, khắp Hà Nội tưng bừng diễn ra các hoạt động kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô. Đặc biệt, chương trình “Ký ức Hà Nội - 65 năm” tại không gian bích họa Phùng Hưng tái hiện lại không gian Hà Nội năm 1954 với hình ảnh cổng chào, cờ, hoa, băng rôn, khẩu hiệu mô phỏng ngày tiếp quản Thủ đô 10/10/1954. Chương trình “Ký ức mùa Thu” diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long với hoạt động trưng bày “Hà Nội mùa Thu năm ấy”, tái hiện lễ chào cờ lịch sử và chương trình nghệ thuật “Khúc tráng ca giữa mùa Thu Hà Nội” cùng không gian trưng bày của ngày chiến thắng.
Tại di tích Nhà tù Hỏa Lò có chương trình giao lưu nhân chứng lịch sử “Ký ức ngày trở về” với sự hiện diện của những người trực tiếp tham gia bảo vệ Thủ đô mùa Đông 1946 và trở về tiếp quản Thủ đô năm 1954.
Mỗi ngày có hàng nghìn người dân và du khách đến các điểm diễn ra sự kiện văn hóa này để tìm hiểu về một Hà Nội chìm trong lửa đạn, trong ngày vui chiến thắng và trong công cuộc xây dựng đất nước. Được chứng kiến Hà Nội thay đổi, ngày càng hiện đại hơn, nhiều người phấn khởi, tin tưởng vào sự phát triển của thành phố.
65 năm qua, Hà Nội trải qua nhiều giai đoạn lịch sử nhưng ở bất kỳ thời điểm nào, Thủ đô vẫn giữ vững khí chất, khẳng định bản lĩnh, vị trí là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học của cả nước. Kinh tế của thành phố liên tục có mức tăng trưởng khá, giai đoạn 2016 - 2018 tăng 7,19%, 9 tháng năm 2019 tăng 7,35%; thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn 2016 - 2018 đạt 14,05 tỷ USD, gấp 2,25 lần giai đoạn 2011 - 2015 và bằng 51,54% của cả 30 năm từ 1986 - 2015.
Hà Nội trở thành điểm đến được lựa chọn của nhiều khách du lịch quốc tế, năm 2018, Thủ đô đón 6 triệu lượt khách, 9 tháng năm 2019 đón 4,7 triệu lượt khách. Đến tháng 9/2019, Hà Nội có 6 huyện: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm, Quốc Oai và 325/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thành phố cũng đi đầu trong phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục trung học phổ thông và dẫn đầu về số lượng, chất lượng trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế...
Là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, Hà Nội luôn coi trọng giá trị truyền thống và là nền tảng cho sự phát triển bền vững của Thủ đô. Trong tâm thế, dáng vóc của “Thành phố Rồng bay” hôm nay, người ta luôn nhìn thấy một Hà Nội hào hoa, sâu lắng, đầy quả cảm. Trong đó, có bóng dáng của những đoàn quân lớp lớp tiến về Hà Nội và niềm vui của người dân Thủ đô trong mùa Thu lịch sử từ hơn nửa thế kỷ trước.
Đinh Thuận/TTXVN
loading...