Kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh từ huyền thoại đến tương lai: Con đường chiến lược thời đại mới
(Thethaovanhoa.vn) - Những lợi thế không chỉ "theo" Đường Hồ Chí Minh đến với người dân, mà cấp ủy, chính quyền các địa phương, đặc biệt là vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, đã rất nỗ lực phát huy, tận dụng trục dọc xuyên Việt thứ 2 này để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế vùng, kết nối và mở rộng quan hệ quốc tế.
Tiềm năng từ trục dọc thứ 2 đất nước được nhìn nhận còn rộng mở hơn nữa, bởi đến năm 2020 mới hoàn thành giai đoạn 2, gồm các dự án thành phần để nối thông toàn tuyến với quy mô 2 làn xe. Và sau năm 2020, các đoạn tuyến được nâng cấp theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020...
Sáng đầu tuần tháng 5 năm 2019, tại bến số 1, Cảng Vũng Áng Việt Lào (Khu Kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh), hàng trăm công nhân đang hối hả điều khiển các thiết bị máy móc, cần cẩu hiện đại bốc dỡ hàng siêu trường, siêu trọng, hàng contenner từ những tàu có trọng tải hàng chục ngàn tấn, thuộc đủ các quốc tịch. Năm 2018, trong khi nhiều cảng biển trong nước lượng hàng hóa sụt giảm khá mạnh, tại hải cảng này, lượng hàng hóa thông qua cảng vẫn đạt 3 triệu tấn, vượt gấp đôi công suất thiết kế của bến số 1 và bến số 2.
Lợi thế cảng biển nước sâu là yếu tố quan trọng đối với Cảng Vũng Áng Việt Lào, thế nhưng những tiềm năng về đường bộ, mà nổi bật là đường Hồ Chí Minh lại góp phần tạo sức bật cho một trong những hải cảng quan trọng trên bản đồ Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Hàng hóa từ đây qua nước bạn Lào hay vùng Đông – Bắc Thái Lan hoặc ngược lại, theo đường này và Quốc lộ 12A với khoảng 400 - 500 km là quãng đường ngắn nhất so với các tuyến đường bộ khác.
Nhìn nhận sự ảnh hưởng sâu sắc này, ông Trần Thế Định, Trưởng phòng Thương mại dịch vụ Công ty Cổ phần Cảng Vũng Áng Việt Lào cho biết, đường Hồ Chí Minh có vai trò vô cùng quan trọng, thuận lợi về giao thông và là hành lang giúp doanh nghiệp lưu thông hàng hóa, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Tại khu vực miền Trung, hàng hóa từ Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh), Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị) và Cửa khẩu quốc tế Cha Lo (Quảng Bình), nếu muốn về cảng biển ở miền Trung này, các doanh nghiệp đều lựa chọn đi qua đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 12 A.
“Đối với hàng hóa quá cảnh từ các tỉnh phía Tây của Lào như Savannakhet, Bolikhamxay, Khăm Muộn, thủ đô Viêng Chăn và khu vực đông, bắc Thái Lan qua Vũng Áng, hoặc các trang thiết bị xây dựng, máy móc từ nước thứ ba qua Vũng Áng về Lào, trước đây đi lại, vận chuyển khó khăn, nhưng từ khi đường Hồ Chí Minh mở ra, khoảng cách được rút ngắn đi rất nhiều”, ông Định cho hay.
Từ Hà Tĩnh xuôi gần 1.000 km trục xuyên Việt mới này, qua những địa danh huyền thoại như đèo Đá Đẽo, U Bò, A Đớt - A Tép, đèo Lò Xo…, tới huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Giữa núi rừng bắc Tây Nguyên, Khu Kinh tế cửa khẩu Quốc tế Bờ Y trở nên nổi bật. Sau khi đường Hồ Chí Minh đi qua, mảnh đất ngã ba biên giới đã phá được thế ngõ cụt. Ngọc Hồi cũng khai mở tiềm năng phát triển kinh tế khi Chính phủ quyết định mở cửa khẩu, xây dựng Khu Kinh tế Bờ Y, có những cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt nhằm thu hút đầu tư, đưa nơi đây thành cửa ngõ giao thương của tam giác phát triển Việt Nam - Lào – Campuchia, là điểm nhấn trong chiến lược liên kết phát triển giữa các nước ASEAN và tiểu vùng sông Mê Kông, đáp ứng yêu cầu phát triển Hành lang kinh tế Đông Tây.
Và một trong tám khu kinh tế trọng điểm của cả nước đang hứa hẹn những lạc quan khi tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua đây sẽ từ con số hàng trăm triệu USD mỗi năm lên đến khoảng 1 tỷ USD vào năm 2020, còn thu ngân sách sẽ đạt 1.000 tỷ đồng.
Lắng nghe những chia sẻ việc địa phương tận dụng cơ hội, lợi thế từ trục dọc xuyên Việt thứ 2, chúng tôi lại biết thêm những trường hợp di dân đến Ngọc Hồi để tìm kiếm cơ hội phát triển kinh tế sau khi huyền thoại năm xưa hồi sinh. Như trường hợp gia đình anh Lương Văn Nghị, dân tộc Thái, thôn Đắk Mế, xã Bờ Y, rời quê hương Bá Thước, Thanh Hóa vào đây định cư năm 2004. Qua câu chuyện của anh, có thể hình dung những ngày đầu sống ở vùng đất mới là khoảng thời gian gian vất vả, bỡ ngỡ, thiếu thốn. Hiện nay, cây bời lời, cà phê đã giúp gia đình anh đủ xây dựng được ngôi nhà mới khang trang trên diện tích 48m2, trị giá gần 100 triệu đồng.
Đường Hồ Chí Minh đi đến đâu cuộc sống của hàng chục triệu đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng trước đây, đổi thay đến đó, rút ngắn khoảng cách giữa miền núi với đồng bằng, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên: Đường chưa thông tuyến toàn bộ, chưa hoàn chỉnh các đường ngang nối tuyến đường này với các quốc lộ, tỉnh lộ, khu cửa khẩu, cảng biển, hệ thống điểm dừng, điểm nghỉ, các cửa hàng xăng dầu dọc tuyến. Do đó, dự án chưa thực sự phát huy hết hiệu quả, chưa tạo được sự kết nối liên vùng, tạo tiền đề tăng trưởng mạnh về mọi mặt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Hiệu quả khai thác chưa tương xứng tiềm năng khiến đường Hồ Chí Minh đến thời điểm hiện nay vẫn chưa hoàn thành trọn vẹn sứ mệnh là con đường huyền thoại trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa như kỳ vọng.
Điều đáng lưu tâm là đến năm 2020, dự án mới hoàn thành giai đoạn 2 và sau năm 2020 mới nâng cấp các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020. Ông Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh chia sẻ: Dự án là một thử thách rất lớn không chỉ của ngành Giao thông, bởi địa hình hiểm trở, núi cao, vực sâu, địa chất phức tạp cùng hàng nghìn tấn bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Để có thể khởi công tuyến đường 19 năm về trước, các kỹ sư, chiến sĩ đã dầm mưa dãi nắng, khảo sát địa hình, vạch tuyến cũng như tiến hành rà soát, xử lý bom mìn.
Để tương xứng với tầm vóc và ý nghĩa của nó, Bộ Giao thông Vận tải đang tiếp tục đề xuất và kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội quan tâm, bổ sung nguồn vốn Nhà nước để triển khai các dự án thành phần trong danh mục nối thông tuyến, đồng thời triển khai phương án huy động nguồn vốn xã hội hóa đối với các đoạn có khả năng thu hút đầu tư… “Trong tương lai không xa, chúng ta sẽ hoàn thành đầu tư xây dựng hoàn chỉnh con đường chiến lược thời đại mới này”, ông Lâm Văn Hoàng tin tưởng.
Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh, Tư lệnh Binh đoàn 12 chia sẻ: Ngày nay, đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh tiếp tục được Đảng, Nhà nước đầu tư xây dựng rất lớn, một công trình xuyên Việt. Đó là con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, khơi dậy tiềm năng và phát triển kinh tế - xã hội. Tầm vóc của nó sẽ tạo điều kiện cho kinh tế đất nước phát triển bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh.
- Kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh: Từ huyền thoại đến tương lai: Mạch máu đất nước
- Kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh: Từ huyền thoại đến tương lai: Ước vọng cháy bỏng
- Kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh: Từ huyền thoại đến tương lai
Hạnh Quỳnh/TTXVN