Kinh doanh online: 7 điều cần tránh
(Thethaovanhoa.vn) - Để công việc làm ăn có thể phát triển trên kênh online, bạn cần tránh tuyệt đối 7 điều sau:
Không có một kế hoạch tấn công
Nếu ai đó nói rằng kinh doanh trực tuyến không cần 1 kế hoạch chỉn chu thì thật là nhầm to. “Mọi người coi các kế hoạch kinh doanh như bài tập về nhà và không muốn làm nhưng việc lập kế hoạch đã giúp tôi có được thành công như hôm nay”, Tim Berry, Chủ tịch Công ty phần mềm Palo Alto và tác giả một cuốn sách về hướng dẫn lập kế hoạch kinh doanh chia sẻ.
Yếu tố quan trọng nhất trong kế hoạch tấn công này là nhận diện đối thủ và khách hàng mục tiêu cũng như cần lý giải tại sao người mua lại lựa chọn sản phẩm của bạn mà không phải là của những nhà cung cấp đã có tên tuổi trên thị trường.
Ngoài ra, bạn cần phải xác định cần bao nhiêu vốn và khi nào có thể hoàn lại.
Tập trung quá nhiều vào những thứ nhỏ
Nhiều người khi bắt đầu kinh doanh thường mất nhiều thời gian, tiền bạc để sa đà vào những thứ tiểu tiết như: danh thiếp, logo của công ty… Thực tế, việc này có thể làm sau. Còn trước mắt, hãy chú tâm đến việc làm thế nào để đưa sản phẩm đến với khách hàng một cách nhanh nhất.
Không lo lắng về tiền bạc
Nhiều người cho rằng, trong giai đoạn đầu, việc cần làm là xây dựng thương hiệu và hoàn toàn quên mất mảng doanh thu. Gây dựng thương hiệu cũng đúng, nhưng ngựa chỉ có thể đi đường dài khi có nhiều lương thực, công việc kinh doanh của bạn chỉ có thể phát triển được nếu doanh thu ở mức tạm chấp nhận trong giai đoạn đầu.
Hãy lấy câu chuyện của Lingo làm bài học. Doanh nghiệp này đã mải mê xây dựng thương hiệu trong 3 năm để rồi nhận ra rằng mình “cụt” vốn từ lúc nào không biết. Thế nên, đừng xem thường vấn đề tiền bạc trong giai đoạn khởi đầu nhé, ít nhất thì cũng phải biết lỗ bao nhiêu là có thể chấp nhận được.
Bỏ qua dịch vụ khách hàng
Khi giao dịch trên internet, nhiều người đã quá xem nhẹ dịch vụ khách hàng. Việc chăm sóc khách tốt sẽ giúp họ quay lại với web của bạn nhiều lần nữa, thế nên, đừng quên gửi email về các chương trình khuyến mại hay hỏi ý kiến, đánh giá của họ sau khi họ đã sử dụng sản phẩm…
Ngoài ra, hãy giám sát các trang truyền thông xã hội để có thể biết được khách hàng đang nói gì về dịch vụ của bạn để phát huy điểm mạnh cũng như khắc phục điểm yếu.
Không có những chương trình ưu đãi
Với những website mới thành lập, việc giảm giá hay có quà tặng ưu đãi sẽ giúp khách hàng cân nhắc sử dụng sản phẩm của bạn khi so sánh nó với các đơn vị kinh doanh khác. Và khi khách hàng đã mua một lần, cơ hội họ trở lại với bạn là khá cao, tất nhiên là trong trường hợp mặt hàng bạn bán thực sự có chất lượng.
Không đầu tư nhiều vào truyền thông xã hội
Khi bắt đầu xây dựng thương hiệu, hãy thử quảng cáo dịch vụ/sản phẩm của bạn trên một hoặc 2 trang mạng xã hội phổ biến – nơi tập trung nhiều khách hàng mục tiêu của bạn. Tuy nhiên, bạn cần thời gian cần kiểm chứng hiệu quả của các kênh truyền thông, trước khi quyết định dốc ngân sách vào đó.
Nghĩ rằng một công thức có thể áp dụng với tất cả
Sản phẩm hay chiến lược thích hợp với một công ty không có nghĩa là nó có thể áp dụng vào việc kinh doanh của bạn. Hãy đặt ra câu hỏi về những gì bạn đọc và thấy thành công của người khác.
Nguyễn Minh Anh
Tổng hợp