loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 15/10, tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội thường kỳ, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, liên quan đến việc nguồn nước sinh hoạt của người dân tại các khu vực Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai… có mùi khét nồng nặc, có váng dầu, UBND thành phố Hà Nội đã đưa ra khuyến cáo.
Theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, dầu thải là nguyên nhân ban đầu gây ra tình trạng nước sinh hoạt phía Tây Nam Hà Nội có mùi lạ.
Theo đó, trong thời gian Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà chưa súc xả, thau được toàn bộ hệ thống nước tại các bể của gia đình, khu chung cư, các bể tăng áp, người dân khi sử dụng nước thuộc vùng do Công ty Cổ phần Viwaco, Công ty TNHH Một thành viên nước sạch Hà Đông cung cấp thì chỉ nên dùng nước này để tắm giặt, không sử dụng để nấu ăn, uống; tạm thời người dân nên dùng nước chai, bình do các đơn vị khác cung cấp khi nấu ăn, uống.
Để cung cấp kịp thời nước sạch cho người dân vùng bị ảnh hưởng, UBND thành phố Hà Nội sẽ bố trí các xe téc của Công ty Nước sạch Hà Nội túc trực để sẵn sàng chở nước đến cung cấp cho người dân theo nhu cầu.
Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn nguồn nước sông Đà, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà tổ chức khắc phục ngay các chất dầu thải tại khu vực đầu nguồn tại khe núi tại xã Phú Minh, Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình cũng như vùng dầu hiện còn trên hồ Đầm Bài; thực hiện ngay việc súc xả toàn bộ hệ thống nước sạch sông Đà từ nhà máy, bể chứa, các tuyến đường ống truyền dẫn, phân phối, kể cả các bể chứa khu chung cư, toàn bộ tại các địa bàn người dân sử dụng nước do công ty cung cấp.
Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà cần khẩn trương kiểm tra, rà soát lại quy trình quản lý vận hành nhà máy, làm rõ nguyên nhân các khâu, các bộ phận giám sát chất lượng nguồn nước, nếu các thiết bị này không đạt yêu cầu, cần có kế hoạch thay thế ngay; có kế hoạch rà soát, đánh giá lại toàn bộ trang thiết bị đã đầu tư; có kế hoạch đánh giá chính xác chất lượng, tổ chức thay thế đảm bảo nâng cao chất lượng nước, đảm bảo tiêu chuẩn nước uống được tại vòi; xây dựng kế hoạch bảo vệ nguồn nước, lắp đặt hệ thống camera giám sát, theo dõi, phát hiện và xử lý kịp thời những tác động gây ảnh hưởng đến nguồn nước cấp cho Nhà máy nước mặt sông Đà.
UBND thành phố Hà Nội cũng giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở Y tế, chính quyền địa phương giám sát chặt chẽ việc khắc phục hậu quả của Công ty Cổ phần Viwaco, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên nước sạch Hà Đông và lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà; xây dựng phương án vận hành điều tiết bổ sung nguồn nước từ các nguồn tập trung của thành phố đảm bảo cấp nước an toàn như: nguồn nước mặt sông Đuống, nhà máy Bắc Thăng Long…
Trả lời báo chí về kết quả mẫu xét nghiệm nước có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe người dân, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết: Sau khi nắm được thông tin về nước sinh hoạt của cư dân có mùi lạ, Sở Y tế Hà Nội đã chủ động giám sát mẫu nước của Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà, lấy 8 mẫu nước ở nhà máy, hộ dân và kết quả nước có hàm lượng chất styren vượt ngưỡng, hàm lượng cao dần ở phía nhà máy, thấp dần ở hộ dân. Nước sinh hoạt như vậy hoàn toàn không đảm bảo chất lượng.
Về ảnh hưởng của chất styren đến sức khỏe, theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, hiện chưa có tài liệu chính thống nói rõ chất styren ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào. Theo quy chuẩn Việt Nam 01:2009/Bộ Y tế, tất cả có 109 chỉ tiêu, trong đó 14 chỉ tiêu A, 17 chỉ tiêu B, 78 chỉ tiêu C.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh thông tin thêm, chỉ tiêu A là nhà máy thực hiện nội kiểm 1 tuần/lần, cơ quan giám sát ngoại kiểm kiểm tra 1 tháng/lần; với chỉ tiêu B, kiểm tra 6 tháng/lần kể cả nội và ngoại kiểm; về chỉ tiêu C, hai năm mới kiểm tra 1 lần. Khi nhà máy nước bắt đầu đưa vào khai thác sẽ kiểm tra cả chỉ tiêu A, B, C. Kiểm tra nội kiểm do Nhà máy nước thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả, ngoại kiểm là do cơ quan quản lý nhà nước thực hiện. Hằng tháng và hằng năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố vẫn tiến hành ngoại kiểm và báo cáo Sở Xây dựng. Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng có khuyến cáo kịp thời.
Cũng tại buổi họp báo, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) Nguyễn Văn Tốn đã giải trình nhiều lý do vì sao sau sự việc nguồn nước bị nhiễm dầu đã không báo cáo các cơ quan chức năng Hà Nội và tiếp tục cung cấp nước cho người dân. Sự việc được đội vớt rong rêu của nhà máy phát hiện từ 9 giờ ngày 9/10 nhưng báo cáo được lập ngày 10/10.
Lý giải điều này, ông Nguyễn Văn Tốn cho biết: “ngay khi phát hiện Công ty tập trung mọi cán bộ nhân viên tập trung xử lý sự cố, ngay cả nhân viên văn thư, kế toán cũng phải ra vớt dầu, có sự chứng kiến của người dân”. Ngoài ra, đại diện công ty có gọi điện cho chính quyền địa phương ra lập biên bản nhưng chính quyền địa phương và Công an tỉnh Hòa bình sáng 10/10 mới có mặt để lập biên bản.
Lý giải vì sao công ty không dừng cấp nước, ông Nguyễn Văn Tốn cho biết: Thực ra, với thâm tâm của tôi, 80% là tôi đề nghị cho dừng cấp nước vì nghĩ chất lượng nước có vấn đề. Từ đáy lòng tôi nghĩ không gì đánh đổi được tính mạng của người dân. Nhà tôi cũng dùng nguồn nước này. Công ty cũng tham khảo một số chuyên gia nhưng được phản biện nếu cắt nước phải có nguyên do, nếu nói ô nhiễm thì chứng cứ đâu? Trong khi kết quả kiểm tra vẫn bảo đảm.
Đặc biệt, trước câu hỏi của nhiều phóng viên về việc lãnh đạo Công ty phải nhận trách nhiệm về mình, ông Nguyễn Văn Tốn cho rằng: Công ty đã có lỗi với khách hàng (những người dân mua nước của công ty). Còn việc có nhận trách nhiệm hay không, ông Nguyễn Văn Tốn chỉ trả lời rằng công ty có họp rút kinh nghiệm! Hiện công ty đang thúc giục các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình tìm ngay ra thủ phạm đổ trộm dầu thải vì ở khía cạnh nào đó, công ty cũng là một nạn nhân.
Hiện UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo thành lập tổ công tác kiểm tra, xác minh nguồn nước cung cấp cho Nhà máy nước mặt sông Đà. Kết quả kiểm tra xác minh bước đầu cho thấy, tại khu vực đầu nguồn có xe tải chở dầu nhớt thải đổ trộm vào khe núi xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình, sau đó dầu lan ra suối và vào hồ Đầm Bài (hồ cấp nước cho nhà máy). Hiện tượng mặt nước hồ có váng là có thật và xâm nhập vào nguồn nước của Nhà máy nước mặt sông Đà. Đây chính là nguyên nhân gây ra tình trạng nước cấp cho người dân khu vực phía Tây thành phố Hà Nội có mùi khét, nồng nặc, có váng dầu. Toàn bộ nhà máy và lưu vực nguồn nước thô cung cấp cho nhà máy thuộc địa phận tỉnh Hòa Bình.
Do đó, UBND thành phố Hà Nội đã có công văn đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo Công cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà và các sở, ngành liên quan của tỉnh Hòa Bình khoanh vùng bảo vệ nguồn nước sạch cung cấp cho nhà máy nước sạch sông Đà, trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm việc xả thải gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là khu vực bảo vệ nguồn nước sạch của Nhà máy nước mặt sông Đà; Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình tổ chức điều tra làm rõ hành vi đổ trộm chất dầu thải tại khe núi tại xã Phú Minh, Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình, cũng như hành vi thiếu trách nhiệm của cán bộ, lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà khi biết rõ có sự ô nhiễm từ nguồn dầu thải đã không có hành vi ngăn chặn kịp thời dẫn đến sự cố ô nhiễm toàn bộ hệ thống cung cấp nước cung cấp cho người dân để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Nguyễn Thắng/TTXVN
loading...