A+ A A- Kiểu đọc sách

Không ghi nhận ca mắc mới Covid-19, gần 20.700 người được tiêm vaccine

07:49 17/03/2021
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Thông tin từ Bộ Y tế cho biết: Tính đến 6 giờ ngày 17/3, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 1.597 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước. Số ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 904 ca.

6 tình nguyện viên đầu tiên tiêm thử nghiệm vaccine Covid-19 COVIVAC

6 tình nguyện viên đầu tiên tiêm thử nghiệm vaccine Covid-19 COVIVAC

Ngày 15/3, tại Trường Đại học Y Hà Nội, 6/120 tình nguyện viên đã tham gia thử nghiệm tiêm vaccine COVIVAC phòng COVID-19. Đây là dấu mốc quan trọng trong chương trình nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vaccine COVIVAC do Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) trực thuộc Bộ Y tế nghiên cứu và sản xuất.

Tính từ 18 giờ  ngày 16/3 đến 6 giờ ngày 17/3, nước ta không ghi nhận thêm  ca mắc mới COVID-19.

Đến thời điểm này, nước ta còn 36.923 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly). Trong đó có 496 người cách ly tập trung tại bệnh viện; 17.396 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 19.031 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này nước ta đã chữa khỏi 2.158 bệnh nhân COVID-19.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine AstraZeneca phòng COVID-19 cho nhân viên y tế. Ảnh: Phan Sáu - TTXVN

Trong số các bệnh nhân đang điều trị tại cơ sở y tế, có 40 trường hợp đã âm tính lần 1 với SARS-CoV-2; có 22 người âm tính lần 2 và 82 người âm tính lần 3. Hiện các y bác sĩ vẫn luôn nỗ lực, cố gắng để điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.

Theo thông tin từ Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, đã có thêm 4.260 người được tiêm chủng an toàn vaccine COVID-19 trong ngày 16/3.

Đến cuối ngày 16/3, đã có tổng cộng 20.695 người đã được tiêm vaccine phòng COVID-19. Đó là các cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19; nhân viên y tế thực hiện nhiệm lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết; thành viên các tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch.

Trong ngày 16/3, Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia cũng ghi nhận các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng thông thường với các dấu hiệu như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, đau đầu, phát ban, đau cơ, buồn nôn, tiêu chảy…

Nếu người được tiêm xuất hiện dấu hiệu mẩn ngứa lan rộng, mạch nhanh, huyết áp tăng cao hoặc tụt, tức ngực khó thở, chân tay lạnh… hoặc có diễn biến nặng lên thì cần đến ngay bệnh viện để được xử trí kịp thời.

Chương trình Tiêm chủng mở rộng đã tổ chức kiểm tra giám sát tại một số tỉnh/thành phố cho thấy công tác an toàn tiêm chủng và tư vấn trước tiêm chủng được tất cả các địa phương thực hiện đầy đủ. Người đến tiêm được thông báo số điện thoại của các cơ sở y tế trong trường hợp khẩn cấp để được hỗ trợ kịp thời. Các điểm tiêm còn bố trí phòng theo quy tắc một chiều, giãn cách giữa các bàn, các phòng để phòng chống lây nhiễm SARS-CoV-2.

Để sống chung an toàn với đại dịch COVID-19, người dân cần tuân thủ thực hiện nguyên tắc 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang -Khử khuẩn -Khoảng cách –Không tập trung - Khai báo y tế.

TTXVN

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...