(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều thập niên nay những thành ngữ “đánh trống bỏ dùi’, “ném đá ao bèo”, “đầu voi đuôi chuột” luôn là khúc “vĩ thanh” cho những đợt, những chiến dịch ra quân làm đường thông, hè thoáng, lập lại trật tự đô thị tại các thành phố lớn của nước ta; đặc biệt là tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Vì vậy, năm 2017 này, sau khi quận I (TP.Hồ Chí Minh), tiến hành các biện pháp mạnh tay như lắp đặt barie trên vỉa hè, cưỡng chế phá bỏ các công trình lấn chiếm với quyết tâm đòi lại bằng được vỉa hè cho người đi bộ đã là một dấu hiệu mới với nhiều kỳ vọng thành công.
Việc làm của Quận 1 được dư luận đồng tỉnh, ủng hộ, ngay cả người dân lấn chiếm vỉa hè cũng đồng tình.
Cách làm quyết liệt của quận 1 đã thành xung lực lan sang các quận khác của TP. Hồ Chí Minh. Sau đó là TP. Hà Nội ra quân, tiếp đến là Bộ trưởng Bộ Công an có công điện chỉ đạo công an toàn quốc xử lý nghiêm hành vi lấn chiếm vỉa hè.
Đặc biệt là với phát biểu khai mạc phiên họp thường kỳ Chính phủ sáng ngày 1/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Chúng ta nhận được nhiều tin vui như TP. Hồ Chí Minh ra quân tháo dỡ, trả lại vỉa hè cho người đi bộ, rất quyết liệt. Chúng ta cũng nhận được tin vui Hà Nội có kế hoạch thu hồi, tiêu hủy 2,5 triệu xe gắn máy cũ nát và dẹp bỏ lấn chiếm vỉa hè ở một số khu vực nội đô" thì việc đòi lại vỉa hè cho người đi bộ đã thành một chiến dịch mang tính toàn quốc; giành được sự quan tâm không chỉ của người dân, lãnh đạo các địa phương mà cả của người đứng đầu Chính phủ.
Với quyết tâm cải thiện mỹ quan các tuyến đường trung tâm thành phố, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND Quận 1, đã cho đập, thu giữ hàng loạt hạng mục, quầy hàng, biển quảng cáo, bậc thang lấn chiếm vỉa hè (Nguồn: Zing)
Với sự mở màn quyết liệt của các lực lượng chức năng, chiến dịch đòi lại vỉa hè đã tấn công trực diện vào các hành vi vi phạm pháp luật trong việc bảo đảm an toàn giao thông, trật tự và văn minh đô thị.
Cuộc tiến công toàn diện này có hậu thuẫn sức mạnh của sự đồng thuận xã hội, hệ thống luật pháp của Nhà nước, quyết tâm của chính quyền và cả những bài học thất bại trước đây.
Nhưng chiến dịch sẽ gặp không ít khó khăn một khi ảnh hưởng đến hàng triệu người bởi quyền lợi “sát sườn” của họ. Đòi lại vỉa hè cũng đồng nghĩa là tấn công vào những nhóm lợi ích ở cơ sở, đánh thẳng vào những thói hư tật xấu, vào tình trạng mặc nhiên vi phạm pháp luật, cả sự đồng lõa của không ít cán bộ công chức có liên quan.
Khi chiến dịch được tiến hành, nhiều sai phạm được lộ diện, không chỉ là người dân thiếu am hiểu pháp luật mà còn có cả doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước.
Chính quyền cấp phường cùng hệ thống chính trị cơ sở đã làm ngơ hoặc buông lỏng quản lý, không làm hết trách nhiệm để những sai phạm ngang nhiên tồn tại đến mức trở thành thông lệ. Vì thế vỉa hè ở các đô thị đã không còn là nơi cho người đi bộ, không còn là không gian đô thị mà vỉa hè đã bị các chủ hộ căn nhà mặt tiền, những người thuộc tầng lớp trung lưu và khá giả, biến thành không gian riêng để kinh doanh.
Vỉa hè cũng là nơi bám trụ làm ăn của người bán hàng rong, hình thành nên một “nền kinh tế vỉa hè” với “thượng vàng hạ cám” không thể quản lý nổi. Vì vậy muốn lập lại trật tự đô thị, muốn trở thành đô thị văn minh, hiện đại thì phải bắt đầu từ việc đòi lại vỉa hè, để cho vỉa hè trở lại đúng chức năng của nó.
Đó là một công việc đầy khó khăn và phức tạp, không thể làm trong một thời gian ngắn là xong mà cần có sự hoạch định thật căn cơ, bài bản, phát huy được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và sự đồng thuận xã hội.
Sự vào cuộc của các cơ quan chức năng không chỉ là cưỡng chế, xử phạt mà phải tiến hành một cuộc vận động sâu rộng đối với người dân, đề cao tính tự giác cũng như tinh thần trách nhiệm của những lực lượng chức năng.
Cần phải chuẩn bị nguồn lực để chiến dịch tiến hành lâu dài, không chỉ là phong trào nhất thời mà phải làm liên tục cho tới khi vỉa hè thực sự giành cho người đi bộ, giữ cho hè thoáng phải trở thành ý thức chấp hành luật pháp thường nhật của mỗi người dân.
Trong chiến dịch ra quân đòi lại vỉa hè, một lần nữa lại thấy rõ trách nhiệm rất quan trọng của chính quyền phường, quận trong việc bảo đảm trật tự đô thị.
Do vậy, có thể giao trách nhiệm cho cho Chủ tịch UBND và Bí thư đảng ủy phường, quận trong việc “đòi lại vỉa hè”; xem đó là tiêu chuẩn để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của họ. Đề ra yêu cầu cán bộ, đảng viên, công chức có nhà mặt phố không chiếm dụng vỉa hè để kinh doanh.
Một khi chính quyền cơ sở ý thức được trách nhiệm và có biện pháp xử lý sai phạm công minh, bình đẳng với tinh thần thượng tôn pháp luật thì sẽ lập lại được kỷ cương. Đó là cơ sở để đưa chiến dịch “lấy lại vỉa hẻ” thành công như kỳ vọng.
TTXVN/Nguyễn Quang Vinh