loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Hà Nội đang trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg trên toàn thành phố, yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết.
Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước. Mời quý vị độc giả chú ý theo dõi.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên TTXVN trong ngày 13/8, một số tuyến đường của Thủ đô đã trở nên đông bất thường. Điều này đã gây nên sự lo ngại về công tác phòng, chống dịch COVID-19 mà thành phố đang nỗ lực thực hiện.
Trên đường Giải Phóng, sáng 13/8, khá đông người tham gia giao thông, khác hẳn sự vắng vẻ của những ngày trước đó. Một số tuyến đường thuộc quận Hai Bà Trưng như Trần Khát Chân, Phố Huế cũng có tình trạng tương tự.
Lưu thông trên đường Đào Tấn (quận Ba Đình) vào sáng 13/8, anh Phạm Hải Lương (quận Cầu Giấy) cho biết, anh bất ngờ khi thấy lượng người tham gia giao thông quá đông, dường như Hà Nội đã hết thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
"Tôi cũng không hiểu lý do vì sao, có thể mọi người nảy sinh tâm lý chủ quan hoặc có thể việc dừng xác nhận giấy đi đường ở cấp phường, xã khiến người dân ra đường dễ dàng hơn", anh Phạm Hải Lương băn khoăn.
Có chung nỗi lo lắng, anh Vũ Ngọc Phan (quận Tây Hồ) cho biết, thời gian này, số ca dương tính với SARS-CoV-2 ở Hà Nội vẫn còn cao, chưa đoán định được những ngày tiếp theo sẽ như thế nào. Vì vậy, việc người dân có tâm lý chủ quan, ý thức chấp hành kém khiến công cuộc phòng, chống dịch của thành phố trở nên khó khăn hơn.
"Tôi cảm thấy thực sự lo lắng khi nhìn dòng người đông như vậy, đặc biệt là trên tuyến đường Nguyễn Trãi - Hà Đông vào sáng 13/8. Có vẻ ai cũng nghĩ, SARS-CoV-2 sẽ chừa mình ra. Đây là thời điểm rất cần ý thức của người dân mỗi khi quyết định ra đường", anh Vũ Ngọc Phan chia sẻ.
Hà Nội đang trong tuần thứ ba thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, trong ngày 13/8, đường phố Hà Nội đông phương tiện lưu thông, thậm chí tại các ngã tư, ngã bảy còn xuất hiện tình trạng chen chúc. Không ít hàng quán đã mở cửa bán hàng trở lại. Xung quanh khu vực các công viên, vườn hoa vẫn có nhiều người dân đến tập thể dục. Điều này cho thấy một số người dân còn chủ quan, lơ là, xem nhẹ việc thực hiện quy định phòng, chống dịch trong thời điểm hiện nay.
Các trục đường giao thông tại cửa ngõ thành phố, các tuyến đường gom ven vành đai 3 như: Đường 32, Hồ Tùng Mậu - Xuân Thủy - Cầu Giấy, Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển, Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh - Văn Cao... đã tấp nập người, xe qua lại. Lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông trên đường đông không kém những ngày chưa có "lệnh" giãn cách xã hội. Tại các nút giao thông, người tham gia giao thông đều đeo khẩu trang nhưng khi đứng dừng, chờ đèn tín hiệu giao thông đều không bảo đảm khoảng cách an toàn 2 m.
Đợt dịch thứ tư từ cuối tháng 4/2021 đến nay diễn biến rất phức tạp trên cả nước, trong đó có Hà Nội với nhiều trường hợp chưa xác định được nguồn lây, nhiều ca F0 tiềm ẩn trong cộng đồng.
Trước diễn biến phức tạp của dịch, Hà Nội đã triển khai các biện pháp quyết liệt, kịp thời, linh hoạt. Trong đó, từ 6 giờ ngày 24/7, toàn thành phố bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Tiếp đó, tại Công điện số 18 của UBND thành phố, Hà Nội tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội đến 6 giờ ngày 23/8 trên phạm vi toàn thành phố.
Cùng với việc yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tiếp tục thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch, thành phố đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt như tiêm vaccine, xét nghiệm diện rộng, triệt để khai báo y tế… để quyết tâm kiềm chế đà lây lan của dịch, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã khẳng định, công tác phòng, chống dịch thành công là kết quả chung nhờ nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở và sự chung sức, đồng lòng của nhân dân. Đặc biệt, các lực lượng tuyến đầu với vai trò nòng cốt trên các “mặt trận” có đóng góp rất lớn.
Do đó, trước tình trạng người dân có tâm lý chủ quan trong phòng, chống dịch COVID-19, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch, nhiều ý kiến cho rằng các lực lượng chức năng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm với trường hợp vi phạm.
Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức hơn nữa, sớm đẩy lùi dịch COVID-19, trở lại cuộc sống bình thường.
Nguyễn Cúc/TTXVN
loading...