loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Tính đến sáng 25/7, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 94.913 ca mắc COVID-19, trong đó có 2.178 ca nhập cảnh và 92.735 ca mắc trong nước. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 91.165 ca, trong đó có 14.809 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước. Mời quý vị độc giả chú ý theo dõi.
Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là địa phương có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất, lên tới 57.917, tính từ 9 giờ 30 phút ngày 24/7 đến 6 giờ ngày 25/7, địa phương này ghi nhận 2. 328 ca mắc mới. Theo thống kê của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến 14 giờ ngày 24/7, thành phố đang điều trị cho hơn 37.400 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 619 bệnh nhân nặng đang thở máy và 12 bệnh nhân can thiệp ECMO...
Theo Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, cùng với sự chung tay của lực lượng cán bộ y tế trên cả nước, ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã rất nỗ lực kiểm soát, khống chế dịch COVID-19. Tuy nhiên, sự phát tán nhanh của SARS-CoV-2 với biến chủng Delta khiến công tác phòng, chống dịch gặp khó khăn, trong đó hệ thống điều trị bị quá tải.
Trước tình hình đó, UBND Thành phố đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ điều động 5.000 nhân sự hỗ trợ cho Thành phố, gồm: 927 bác sỹ (150 bác sỹ hồi sức, 777 bác sỹ khám và điều trị); 4.137 điều dưỡng, kỹ thuật viên (400 điều dưỡng hồi sức, 50 kỹ thuật viên xét nghiệm, 50 kỹ thuật viên X-quang và 3.637 điều dưỡng chăm sóc người bệnh). Ngoài ra, UBND Thành phố cũng đề nghị được hỗ trợ thêm 2.000 nhân viên có chuyên môn y tế tham gia lấy mẫu xét nghiệm.
Ngày 24/7, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có thư ngỏ gửi các đồng nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh gần, xa để kêu gọi chung tay cùng nhau hỗ trợ công tác chống dịch, tư vấn và trực tiếp chăm sóc, điều trị cho người bệnh. "Với trách nhiệm nghề nghiệp, tinh thần tương thân tương ái và tấm lòng thương yêu đồng bào, chúng ta hãy cùng chung tay hỗ trợ công tác chống dịch, tư vấn và trực tiếp chăm sóc, điều trị cho người bệnh", Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kêu gọi.
Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế và Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng khẩn thiết kêu gọi toàn bộ hệ thống y tế công, tư, Hội Y học thành phố, các hội nghề nghiệp thuộc lĩnh vực y tế, các chuyên gia, nhân viên y tế đang làm việc và đã nghỉ hưu, các lương y, giảng viên, sinh viên tại các trường đào tạo, dạy nghề thuộc khối ngành chăm sóc sức khỏe tham gia vào các hoạt động phòng, chống dịch của Thành phố Hồ Chí Minh.
Trước đó, theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến ngày 15/7, đã có 24 đoàn công tác đến từ Sở Y tế các tỉnh, bệnh viện đa khoa tỉnh, bệnh viện Bộ, ngành và 11 trường cao đẳng, đại học với tổng cộng 4.473 người trong đó có 535 bác sĩ, 1.222 điều dưỡng, 53 kỹ thuật viên, 8 giảng viên và 2.655 sinh viên tham gia hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp...Trong đó, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương thành phố Hồ Chí Minh tham gia tổng cộng 95 người, bao gồm 30 bác sĩ, 65 điều dưỡng; Bệnh viện Đa khoa Bưu điện tham gia tổng cộng 75 người, bao gồm 25 bác sĩ, 50 điều dưỡng; Bệnh viện Quân y 7A tham gia tổng cộng 40 người, bao gồm 10 bác sĩ, 24 điều dưỡng, 6 kỹ thuật viên; Bệnh viện Quân y 175 tham gia tổng cộng 75 người, bao gồm 25 bác sĩ, 48 điều dưỡng, 2 kỹ thuật viên; Bệnh viện 74 Trung ương tham gia tổng cộng 30 người, bao gồm 10 bác sĩ, 20 điều dưỡng; Bệnh viện 71 Trung ương tham gia tổng cộng 30 người, bao gồm 10 bác sĩ, 18 điều dưỡng, 2 kỹ thuật viên; Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh tham gia tổng cộng 70 người, bao gồm 10 bác sĩ, 60 điều dưỡng...
Ngoài ra, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh còn tiếp nhận 2.663 cán bộ giảng viên, sinh viên từ các Trường Đại học trên khắp cả nước gồm Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương (320 giảng viên, sinh viên), Trường Đại học Y dược Thái Bình (350 sinh viên), Trường Đại học Y tế công cộng (103 sinh viên), Trường Đại học Huế (95 sinh viên), Trường Đại học Y dược TPHCM, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Khoa Y Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Cao đẳng Viễn Đông, Trường Cao đẳng Quân Y 2 (Quân khu 7) tình nguyện tham gia truy vết phòng chống dịch COVID-19.
Ngày 8/7, Bộ Y tế đã có Quyết định số 3338/QĐ-BYT, điều động 10.000 nhân lực y tế của các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ và các đơn vị địa phương khu vực miền Bắc và miền Trung để hỗ trợ lực lượng y tế Thành phố Hồ Chí Minh trong việc phòng, chống dịch COVID-19. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cử 25 lãnh đạo các Vụ/Cục/Văn phòng Bộ Y/ Viện/Trường trực thuộc Bộ Y tế tới Thành phố Hồ Chí Minh tham gia công tác chống dịch theo sự phân công của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn - để trực tiếp hướng dẫn, chỉ đạo các hoạt động phòng chống dịch tại thành phố Thủ Đức và các quận, huyện của Thành phố Hồ Chí Minh.
Đối với các địa phương đang là điểm nóng dịch bệnh như Đồng Nai, Bình Dương, Quảng Ngãi, Phú Yên, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang.., Bộ Y tế đã thành lập đoàn công tác của Bộ đến hỗ trợ chống dịch tại các địa phương này. Ngày 24/7, Trường Đại học An ninh nhân dân cũng tổ chức lễ xuất quân cho 150 học viên Khóa D28, chi viện thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự và phòng, chống dịch COVID-19 tại Bình Dương và Long An. Đây là lần thứ 5 nhà trường chi viện tuyến đầu chống dịch.
TTXVN
loading...