(Thethaovanhoa.vn) - Trong tuần qua, Trung tâm Nghiên cứu Stimson tại thủ đô Washington DC (Mỹ) đã tổ chức hội thảo với tiêu đề “Biến đổi khí hậu và hạn hán tại Việt Nam”, thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, học giả hàng đầu của Mỹ.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, cuộc hội thảo là dịp để các chuyên gia hàng đầu trao đổi quan điểm về một trong những thách thức lớn nhất mà khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt trong thời gian qua, đó là quản lý nguồn nước, xử lý hạn hạn, ứng phó với những ảnh hưởng của tình trạng
biến đổi khí hậu và những căng thẳng leo thang trong khu vực liên quan tới nguồn nước.
Tham gia hội thảo có Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson, Tiến sĩ Richard Cronin, Điều phối viên Đặc biệt về quản lý nguồn nước của Cục Khoa học Môi trường và Đại dương thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Aaron Salzberg, Cố vấn cấp cao về rừng và biến đổi khí hậu của Văn phòng châu Á thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) Todd Johnson.
Các học giả cho rằng có 3 nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất trong 100 năm qua tại đồng bằng sông Cửu Long. Thứ nhất, đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất của hiện tượng khí hậu El Nino.
Các học giả trình bày tham luận tại cuộc hội thảo. Ảnh: Thanh Tuấn – Phóng viên TTXVN tại Mỹ Việc phải hứng chịu El Nino, hệ quả tất yếu của biến đổi khí hậu, trong một thời gian dài đã khiến lượng mưa tại khu vực này sụt giảm đáng kể và dẫn tới khô hạn. Nguyên nhân thứ 2 bắt nguồn từ tình trạng quản lý thiếu hiệu quả nguồn nước.
Theo các chuyên gia, hệ thống thủy lợi và thủy điện tại khu vực này không hoạt động hiệu quả. Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên, hai khu vực đóng vai trò là hệ thống trữ nước tự nhiên từ mùa mưa cho đến mùa khô, đã cạn nguồn nước do bị sử dụng quá mức cho hoạt động trồng lúa gạo.
Nguyên nhân thứ 3 là việc Trung Quốc xây dựng hàng loạt đập thủy điện lớn tại thượng nguồn sông Mekong. Tiến sĩ Richard Cronin cho rằng Trung Quốc “coi Mekong là dòng sông của riêng nước này. Và ở vị trí thượng nguồn, Trung Quốc đang được hưởng lợi nhiều nhất từ việc khai thác sông Mekong, trong khi các quốc gia ở hạ nguồn đang phải gánh chịu hệ quả của hành động này”.
Không chỉ ảnh hưởng đến mực nước của sông Mekong, các đập thủy điện còn giữ lại một lượng phù sa rất lớn khiến đất canh tác tại đồng bằng sông Cửu Long trở nên ít dinh dưỡng.
Về giải pháp cho thách thức mà Việt Nam cũng như các nước ở hạ nguồn sông Mekong đang phải đối mặt, giới học giả Mỹ cho rằng các quốc gia ở hạ nguồn nên đề nghị Trung Quốc thông báo kế hoạch xả nước cụ thể để có thể chủ động điều tiết nguồn nước.
Bên cạnh đó, đồng bằng Sông Cửu Long phải cải thiện vai trò trữ nước tự nhiên của hai khu vực Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên bằng cách loại bỏ hệ thống đê bao ngăn lũ, qua đó giúp hai khu vực trữ nước này có đủ lượng nước ngọt sử dụng cho hoạt động tưới tiêu vào mùa khô và đẩy lùi nước mặn xâm nhập.
Ngoài ra, các học giả cũng khuyến cáo đồng bằng Sông Cửu Long đưa vào khai thác các loại giống cây trồng có khả năng chống chọi với điều kiện nước nhiễm mặn và đất ít dinh dưỡng kết hợp với nuôi trồng thủy sản.
Kết thúc cuộc hội thảo, các chuyên gia và học giả Mỹ đánh giá biến đổi khí hậu, quản lý nguồn nước và ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đang trở thành những vấn đề an ninh quốc gia không chỉ của Việt Nam mà còn đối với nhiều quốc gia trong khu vực.
Và đây cũng là một không gian hợp tác, mở ra những cơ hội mới cho Mỹ trong bối cảnh nước này đang đẩy mạnh chiến lược “tái cân bằng” sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
TTXVN