A+ A A- Kiểu đọc sách

Hiệu quả từ các vùng xanh doanh nghiệp tại Thủ đô Hà Nội

21:59 13/09/2021
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Tiếp tục các hoạt động chăm lo cho người lao động khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngày 13/9, lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã tổ chức trao tặng 1.500  "Túi An sinh Công đoàn" và 30 suất quà để hỗ trợ, động viên người lao động tại quận Hai Bà Trưng và Công đoàn ngành Giáo dục Thủ đô.

Vùng xanh Gia Lâm, Hà Nội: Nhanh chóng trở lại 'giai đoạn bình thường mới'

Vùng xanh Gia Lâm, Hà Nội: Nhanh chóng trở lại 'giai đoạn bình thường mới'

19/22 xã thuộc vùng xanh của huyện Gia Lâm, các cửa hàng kinh doanh hàng thiết yếu được phép mở cửa bán hàng mang về từ 6 giờ ngày 6/9.

Tại các điểm đến, lãnh đạo Công đoàn Thủ đô động viên người lao động cố gắng vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch để cùng thành phố sớm đẩy lùi dịch bệnh. Đặc biệt, tại những doanh nghiệp ở "vùng đỏ" nhưng đã được phê duyệt phương án sản xuất an toàn "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường 2 điểm đến", được công nhận "Vùng xanh doanh nghiệp" thì "Tổ An toàn COVID-19" cần phát huy vai trò trong việc bảo vệ người lao động, bảo vệ nhà máy để đảm bảo sản xuất an toàn.

Chia sẻ khó khăn cùng người lao động

Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trên địa bàn Hà Nội hiện có 399 doanh nghiệp dừng hoạt động; 1.723 doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhưng chưa dừng hoạt động; trên 81.000 người lao động thiếu, mất việc làm. 

Chị Lưu Đoan Trang (làm việc tại Spa Amadora - thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiên Thủy Mộc) chia sẻ, gia đình chị có 2 con nhỏ, chồng làm nghề tự do. Do dịch COVID-19, cả hai vợ chồng đều không thể đi làm cho nên hiện tại cả nhà phải sống dựa dẫm hoàn toàn vào ông bà nội, ngoại ở quê. Con còn bé, cần nhiều khoản chi tiêu nên chị phải vay nợ người thân 7 triệu đồng để chăm con trong khoảng thời gian này. Vợ chồng chị Trang không có việc làm 4 tháng nay nên cuộc sống hết sức khó khăn.

Cùng chung cảnh ngộ như chị Trang, chị Nguyễn Thị Như Ngọc (nhân viên tạp vụ Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiên Thủy Mộc, cho biết, bản thân chị sức khỏe yếu do bị ung thư tuyến giáp và đau xương khớp đã nhiều năm nay, từ khi dịch bệnh bùng phát lần thứ 4 tại Thủ đô, gia đình chị sống nhờ vào khoản lương hưu 4 triệu đồng hằng tháng của chồng nên cuộc sống rất thiếu thốn. Chị Ngọc chỉ mong dịch bệnh sớm qua đi để có thể quay trở lại làm việc và được giải quyết các chính sách hỗ trợ. 

Đến thăm người lao động tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn ESOFT Việt Nam (quận Hai Bà Trưng), ông Vũ Nam, Trưởng phòng Phòng Sản xuất, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết, năm nay dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của công ty. Với  800 nhân viên, trong đó có khoảng 90 người lao động khuyết tật, công ty nỗ lực vượt qua tác động của dịch bệnh mang việc về cho nhân viên làm tại nhà và đăng ký tiêm vaccin cho người lao động. Người lao động không có việc song công ty vẫn cố duy trì mức lương 60-70%. 

Chú thích ảnh
Người lao động Công ty ICHI Việt Nam yên tâm làm việc trong môi trường an toàn “vùng xanh doanh nghiệp”

Trước những khó khăn mà người lao động Thủ đô đang phải đối diện, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các cấp công đoàn duy trì và đẩy mạnh công tác chăm lo, hỗ trợ; rà soát, nắm bắt tình hình quan hệ lao động, đời sống, thu nhập, việc làm của người lao động trong các doanh nghiệp để hỗ trợ khẩn cấp.

Ngoài các chuyến "Xe buýt siêu thị 0 đồng" do Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tổ chức, tính đến nay, đã có 33 đơn vị tổ chức các "Chuyến xe Siêu thị 0 đồng", 9 đơn vị đã triển khai mô hình "Siêu thị 0 đồng" và 21 đơn vị triển khai các hình thức hỗ trợ khác để vận chuyển hàng hóa, hỗ trợ khẩn cấp "Túi An sinh Công đoàn" cho 32.728 đoàn viên, người lao động gặp khó khăn ở các doanh nghiệp, khu nhà trọ, khu công nghiệp và chế xuất, với tổng số tiền gần 6,3 tỷ đồng.

Tính từ đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư đến nay, các cấp công đoàn ở Hà Nội đã chi trên 62 tỷ đồng và vận động các nguồn lực xã hội hóa với số tiền trên 103 tỷ đồng để chăm lo, hỗ trợ người lao động, thăm hỏi các lực lượng tuyến đầu và ủng hộ Quỹ Vaccine, Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố…

Hiệu quả từ các "vùng xanh doanh nghiệp" 

Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội thường xuyên chỉ đạo 5 Tổ công tác và "Tổ ứng phó khẩn cấp hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh"; phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện, thị xã, công đoàn ngành, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, đặc biệt là Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội để tiếp tục rà soát, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động "Tổ An toàn COVID-19" tại doanh nghiệp; hướng dẫn các "Tổ An toàn COVID-19" chuyển trọng tâm hoạt động sang công tác chăm lo, hỗ trợ, phối hợp triển khai xây dựng mô hình "Vùng xanh doanh nghiệp" để quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ kép, vừa chống dịch tốt, vừa sản xuất kinh doanh an toàn. Đến nay, đã có 615 điểm "Vùng xanh doanh nghiệp" được chính quyền địa phương phê duyệt phương án hoạt động.

Chú thích ảnh
Doanh nghiệp “vùng xanh” đang nỗ lực phục hồi sản xuất

Đánh giá về  mô hình "Vùng xanh doanh nghiệp" tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn ABB Power Grids Việt Nam (quận Hoàng Mai), ông Chandan Singh, Tổng Giám đốc công ty, cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, công suất hoạt động của công ty giảm từ 20 đến 25%, chi phí sản xuất tăng, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, nhiều người lao động phải tạm nghỉ… Tuy nhiên, công ty vẫn trả lương đầy đủ cho toàn bộ người lao động. 

Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn ABB Power Grids Việt Nam Chandan Singh cũng bày tỏ lời cảm ơn đến tổ chức công đoàn và chính quyền địa phương trong việc thành lập các "Tổ An toàn COVID-19" tại doanh nghiệp, hỗ trợ công ty xây dựng và triển khai phương án sản xuất an toàn "3 tại chỗ", hỗ trợ để công nhân được tiêm vaccine. Đặc biệt, trong thời gian giãn cách, công ty triển khai thực hiện mô hình "Vùng xanh doanh nghiệp". Với mô hình này hiện có 60 người được làm việc "3 tại chỗ"; 100% người lao động được xét nghiệm hàng tuần; 95% người lao động được tiêm vaccine mũi 1 và 5% được tiêm vaccine mũi 2. Nhờ vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục được duy trì mặc dù đang ở trong "vùng đỏ".

Tương tự, tại Công ty ICHI Việt Nam, ông Phạm Hoàng Long, Giám đốc công ty, cho biết, với mô hình "Vùng xanh doanh nghiệp", người lao động của công ty được xét nghiệm hằng tuần. Hằng ngày, các "Tổ An toàn COVID-19" đều có báo cáo tình hình, ai có yếu tố dịch tễ đều được test nhanh SARS-CoV-2/ Công ty yêu cầu người lao động thực hiện nghiêm quy định "1 cung đường 2 điểm đến", chỉ từ nhà đến công ty và ngược lại, tuyệt đối không gặp gỡ, tiếp xúc người khác…Ông Long cũng khẳng định, tổ chức công đoàn là yếu tố quan trọng giúp công ty có được những thành công trong sản xuất kinh doanh. 

Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động Quận Hoàng Mai Bùi Thị Ngọc Thuỷ, quận đang quản lý khoảng 300 công đoàn cơ sở của khối doanh nghiệp ngoài nhà nước. Xác định rằng công đoàn chăm lo cho người lao động một cách tốt nhất là hỗ trợ người lao động vẫn giữ được việc làm trong lúc dịch bệnh, quận xây dựng ‘Vùng xanh doanh nghiệp" và nhân rộng đến các cấp công đoàn. 

Đáng chú ý, từ khi áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại thành phố Hà Nội , chủ doanh nghiệp nâng việc phòng, chống dịch ở doanh nghiệp lên một bước mới và cam kết test nhanh SARS-CoV-2 cho người lao động hằng tuần để bảo vệ người lao động và bảo vệ sản xuất. Từ mô hình "Vùng xanh doanh nghiệp" tại 2 doanh nghiệp trên, quận đã nhân rộng lên 9 doanh nghiệp. Đặc biệt, có 2 doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn nhưng sau khi được tuyên truyền thì đã đăng ký thực hiện "Vùng xanh doanh nghiệp". "Không những thế chúng tôi còn vận động được người lao động gia nhập tổ chức công đoàn và sắp tới sẽ thành lập Công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp", bà Thuỷ cho biết.

Minh Nghĩa

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...