Thực hiện yêu cầu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam tại các di tích, cơ quan, công sở, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố triển khai, vận động di dời dứt điểm các hiện vật không đúng quy định ra khỏi các di tích, các cơ quan, công sở trước 30/11.
Thời hạn trên đã gần kề nhưng qua đợt thanh tra của Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội thực hiện ngày từ ngày 19 - 26/11 cho thấy, mặc dù nhiều địa phương nghiêm túc thực hiện nhưng vẫn còn lúng túng trong việc di dời hiện vật lạ ra khỏi di tích.
Nhiều sư tử đá ngoại lai đã ra khỏi di tích
Trong số các hiện vật lạ xâm lấn di tích trong thời gian qua, sư tử đá kiểu Trung Quốc có số lượng lớn nhất. Trong cuộc bài trừ biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam tại di tích thì sư tử đá là tâm điểm chú ý của các cơ quan chức năng và người dân. Không chỉ vì nó chiếm số lượng lớn, có nguồn gốc ngoại lai mà theo nghiên cứu, ở Trung Quốc thường được dùng canh lăng mộ. Còn ở Việt Nam, do thiếu hiểu biết, người ta lại cung tiến cho các di tích, đặt ở các cơ quan công sở.
Sau công văn chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội và công văn yêu cầu của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, các địa phương gấp rút vào cuộc, nhờ đó nhiều sư tử đá ngoại lai được đưa ra khỏi di tích. Theo thống kê của Phòng Văn hóa quận Bắc Từ Liêm, trên địa bàn quận có 29 hiện vật lạ tại 11 di tích thì có 16 sư tử đá được đặt ở 5 di tích. Những ngày qua, Phòng Văn hóa phối hợp các các phường trên địa bàn đưa gần hết hiện vật lạ ra khỏi di tích, sư tử đá ngoại lai đã sạch bóng. Tại chùa Đình Quán, phường Phúc Diễn, 4 con sư tử đá đặt tại hiên nhà Tam Bảo, chân tượng Quan thế âm đã di dời, dấu vết còn lại là những vết hằn đen dưới đế.
Tại thời điểm kiểm tra, tại chùa Bộc phường Quang Trung, quận Đống Đa, 2 sư tử đá ở di tích này đã di dời. Bà Nguyễn Thị Hồng Tuyến, Phó trưởng Phòng Văn hóa quận cho biết: Để xử lý tốt việc di dời hiện vật lạ ra khỏi di tích, chúng tôi đã xuống từng di tích để thống kê, rà soát, vận động các ban quản lý, sư trụ trì, người trông nom di tích di dời các hiện vật không đúng quy định, không phù hợp với thuần phong mỹ tục ra khỏi khuôn viên di tích. Theo đó, tuyệt đối không tự ý tiếp nhận sử dụng các hiện vật mới không đúng quy định, phải xin phép và được sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền trước khi tiếp nhận. Đối với các hiện vật lạ đã có trong di tích, Phòng Văn hóa đề nghị Ban quản lý di tích tạm cất vào kho, mời các tổ chức, cá nhân đã công đức đến chuyển đi.
Quận Long Biên cũng là nơi thực hiện tốt việc di dời sư tử đá ra khỏi di tích. Phòng Văn hóa quận tích cực vận động, tuyên truyền, di dời 28/30 sư tử đá; 2 con còn lại tại chùa Vo Trung (phường Phúc Lợi), nhà chùa và Ban quản lý di tích cam kết sẽ di dời trong thời gian tới.
Vẫn còn lúng túng trong di dời các hiện vật lạ
Mặc dù một số quận, huyện đã thực hiện di dời hiện vật lạ ra khỏi di tích nhưng vẫn còn nhiều địa phương chưa có hướng xử lý thỏa đáng, nhất là những hiện vật liên quan đến tâm linh. Ngay tại chùa Đình Quán (quận Bắc Từ Liêm), mặc dù 4 sư tử đá đã được di dời nhưng trong khuôn viên chùa còn tồn tại tượng Quan thế âm bạch y, 6 cây đèn đá kiểu Nhật Bản.
Đáng nói, tượng Quan thế âm tại đây có kích thước lớn, đặt trên một chân đế rất cao quay lưng vào Tam Bảo ảnh hưởng tới cảnh quan chung của chùa. Đại diện chính quyền phường Phúc Diễn cho biết, tượng Quan thế âm đã đặt từ lâu nhưng việc di dời rất khó khăn do liên quan đến vấn đề tâm linh. Tượng không thể đập thông thường, cũng không thể mang ra nghĩa địa để do vậy phường còn lúng túng trong xử lý. Tại chùa Chèm trên địa bàn quận cũng tồn tại tượng Quan âm bạch y. Quận Bắc Từ Liêm xin lùi lại thời gian xử lý hai hiện vật trên.
Cũng với tình trạng trên, tại chùa Mỹ Quang (phường Trung Phụng, quận Đống Đa) còn tồn tại một tượng Quan âm bạch y lớn. Phòng Văn hóa quận đề xuất lùi thời hạn xử lý hiện vật này do liên quan đến tâm linh, chưa thể xử lý ngay được. Hay tại quận Long Biên còn nhiều di tích có tượng Quan âm bạch y nhưng cũng chưa đưa ra hướng xử lý thỏa đáng. Quận mong muốn Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội có hướng dẫn về hướng xử lý.
Tại thời điểm kiểm tra, chùa Long Khánh (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì), di tích này vẫn tồn tại nhiều hiện vật lạ. Tại Tam bảo có hai tượng bằng giấy bồi, khu nhà Tổ có 18 tượng La hán bằng sứ, sân trước Tam bảo có 2 đèn đá, 2 tượng Quan âm Bạch y. Bà Phạm Thị Thanh Nhàn - cán bộ văn hóa xã Duyên Hà cho biết, xã chưa thể xử lý đưa hiện vật lạ ra khỏi di tích vì hiện vật mang vào di tích thì dễ nhưng khó mang ra. Đại diện chính quyền địa phương đề xuất ngành văn hóa cần phối hợp với bên Phật giáo để việc vận động, di dời hiện vật lạ ra khỏi di tích đạt hiệu quả.
Qua thống kê, toàn huyện Đông Anh có 127 hiện vật lạ, trong đó 28 sư tử đá kiểu Trung Quốc, 60 cây đèn đá kiểu Nhật Bản, 39 tượng Quan âm bạch y. Số hiện vật này chưa được di dời vì theo địa phương, do chưa có hướng dẫn cụ thể nên huyện chưa biết sẽ di dời hiện vật về đâu, xử lý như thế nào. Trước tình hình đó, huyện Đông Anh kiến nghị các cơ quan chức năng sớm có hướng dẫn để huyện có căn cứ xử lý dứt điểm.
Trước thực tế trên, ông Phạm Đức Chính - Phó Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đề nghị chính quyền địa phương cần xử lý dứt điểm, đưa hiện vật lạ ra khỏi di tích, thực hiện tốt Luật di sản. Trong quá trình di dời hiện vật lạ, nếu có vướng mắc cần báo cáo cơ quan quản lý văn hóa để có hướng giải quyết. Vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tập huấn về vấn đề việc tiếp nhận, sử dụng đồ thờ tự và sẽ tiếp tục tổ chức buổi tập huấn để các địa phương thực hiện tốt công tác quản lý di tích trên địa bàn.
Đinh Thị Thuận - TTXVN