A+ A A- Kiểu đọc sách

Hà Nội tuyên dương người có uy tín, trưởng thôn, người dân tộc thiểu số

13:19 02/12/2017
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 2/12, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị tuyên dương người có uy tín, trưởng thôn, người dân tộc thiểu số Thủ đô Hà Nội có thành tích xuất sắc năm 2017. Đến dự có Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội; Phó Trưởng Ban thường trực Ban Dân vận Trung ương Thào Xuân Sùng cùng lãnh đạo các bộ, ngành và thành phố Hà Nội. 

Năm 2017, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen cho 42 người, trong đó 14 người có uy tín, 14 trưởng thôn và 14 người dân tộc thiểu số tiêu biểu, xuất sắc đại diện cho 14 xã vùng dân tộc thiểu số. Ban Dân tộc thành phố Hà Nội tặng Giấy khen cho 40 người có uy tín có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ. 

Những người có uy tín, trưởng thôn, người dân tộc thiểu số Thủ đô Hà Nội được tuyên dương đều có nhiều đóng góp tích cực trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh trật tự tại địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi Thủ đô. Bằng uy tín của mình, họ đã tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nông thôn mới, sản xuất kinh doanh, xóa đói giảm nghèo, vận động đồng bào dân tộc xóa bỏ tập tục mê tín dị đoan, không theo đạo trái quy định, hiến đất, đấu tranh phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội. 

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ trao quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: An Đăng – TTXVN

Phát biểu tại đây, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ biểu dương những thành tích Thủ đô đã đạt được trong công tác phát triển kinh tế - xã hội, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chúc mừng những người có uy tín, trưởng thôn, người dân tộc thiểu số và các đại biểu được tuyên dương. Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, trong thành quả phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô có sự đóng góp không nhỏ của người có uy tín, trưởng thôn, người dân tộc thiểu số. Đây chính là “cánh tay nối dài”, là cầu nối của chính quyền các cấp, đặc biệt là chính quyền cấp cơ sở trong việc thực hiện tuyên truyền, vận động người thân và cộng đồng tích cực thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo. 

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị thành phố Hà Nội tiếp tục quán triệt và triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, công tác đối với đồng bào dân tộc thiểu số; Thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc của Trung ương, đồng thời bám sát đặc thù, phát huy kinh nghiệm của thành phố, hỗ trợ phát triển sản xuất để đồng bào tự vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. 

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thời gian tới thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, bổ sung các chính sách để cải thiện đời sống tinh thần, vật chất của đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt quan tâm thực hiện các chế độ chính sách, khen thưởng kịp thời nhằm động viên người dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. 

Hiện trên địa bàn Hà Nội, đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã với trên 92.000 người thuộc 50 thành phần dân tộc, chiếm 1,2% dân số toàn thành phố, trong đó chủ yếu là dân tộc Mường, Tày, Dao và một số dân tộc thiểu số khác. 

Trong nhiều năm gần đây, các chính sách dân tộc của thành phố Hà Nội đã được cả hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở thực hiện, tạo nên bước chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, cải thiện và nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số của Thủ đô. Tốc độ phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng dân tộc thiểu số bình quân hàng năm đạt trên 12%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 25 triệu đồng/năm, có xã đạt 35 triệu đồng/người/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; 100% số xã có đường ô tô đến trụ sở UBND xã, trên 60% đường trục thôn được bê tông hóa… 

Tỷ lệ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số miền núi đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” hàng năm ngày càng tăng. Đến nay có 97/154 (63%) thôn đạt danh hiệu “Làng văn hóa” và gần 84% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc ngày càng được chú trọng. Các lĩnh vực khác như giáo dục - đào tạo, y tế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm luôn được các cấp, các ngành thành phố Hà Nội quan tâm, đầu tư, tạo điều kiện, đảm bảo nhu cầu đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Thủ đô.

Mai Linh - Nguyễn Cúc

Hà Nội tổ chức dâng hương, cầu truyền hình... kỷ niệm Chiến thắng 'Điện Biên Phủ trên không'

Hà Nội tổ chức dâng hương, cầu truyền hình... kỷ niệm Chiến thắng 'Điện Biên Phủ trên không'

Nhân kỷ niệm 45 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12/1972 - 12/2017), thành phố Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm nhằm ôn lại truyền thống anh hùng cách mạng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc của quân và dân Hà Nội trong 12 ngày đêm hào hùng chống trả máy bay B52 của Quân đội Mỹ. 

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...