A+ A A- Kiểu đọc sách

Hà Nội thông tin chi tiết về 6 nhóm đối tượng dự kiến được cấp giấy đi đường

19:17 03/09/2021
loading...

(Thethaovanhoa.vn)- Ngày 3/9, tại cuộc họp thông tin về các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 do Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội tổ chức, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, Công an thành phố Hà Nội được giao nhiệm vụ cấp phát, quản lý, kiểm tra, kiểm soát xử lý về cấp giấy đi đường cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố.

Dịch Covid-19 tối 3/9: Thêm 14.922 ca mắc, riêng TP.HCM có đến 8.499 ca

Dịch Covid-19 tối 3/9: Thêm 14.922 ca mắc, riêng TP.HCM có đến 8.499 ca

Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước. Mời quý vị độc giả chú ý theo dõi.

Về việc cấp giấy đi đường, Công an thành phố đã báo cáo UBND thành phố Hà Nội phê duyệt kế hoạch tổng thể, khi được phê duyệt sẽ phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông công khai cụ thể, chi tiết. Trung tướng Nguyễn Hải Trung cho biết thêm: Dự kiến sẽ có 6 nhóm đối tượng được cấp giấy đi đường.

Chú thích ảnh
Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: TTXVN

Cụ thể, nhóm 1 là các cá nhân thực hiện nhiệm vụ chính trị, công vụ, ngoại giao gồm: Cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại cơ quan Đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị xã hội các cấp; cá nhân thực hiện công tác quản lý, thực hiện nhiệm vụ công vụ, trực chiến đấu, trực cơ quan, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác được được quy định tại Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nhóm này còn bao gồm cá nhân làm việc tại cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, theo thông lệ quốc tế, thông lệ ngoại giao.

Chú thích ảnh
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: TTXVN

Nhóm 2 là các cá nhân thực hiện nhiệm vụ công tác, công vụ, dịch vụ công ích thiết yếu, bao gồm cán bộ, công nhân viên, người lao động làm việc trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ công thiết yếu.

Nhóm 3 là các cá nhân trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch, bao gồm cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp tham gia phòng, chống dịch; cá nhân khác được huy động tham gia hỗ trợ chống dịch tại các quận, huyện, thị xã.

Chú thích ảnh
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: TTXVN

Nhóm 4 là phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên các cơ quan báo chí, truyền thông phục vụ các nhiệm vụ chính trị, công vụ, ngoại giao; phục vụ đưa tin hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thành phố; phóng viên, biên tập viên trực tiếp thực hiện tuyên truyền công tác phòng, chống dịch; cán bộ thực hiện trực cơ quan.

Chú thích ảnh
Họp báo thông tin về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Nhóm 5 là các trường hợp: Người thực hiện các dịch vụ y tế bắt buộc như đi cấp cứu, khám chữa bệnh và mua thuốc định kỳ, tiêm vaccine và xét nghiệm COVID-19, người chăm sóc người bệnh và người xuất viện. Đối tượng này chỉ cần giấy chứng minh và chứng minh thư/căn cước công dân.

Bên cạnh đó là người đi mua lương thực thực phẩm, yêu cầu bắt buộc là phải có thời gian đi mua cụ thể, giấy đi chợ; thẩm quyền cấp là công an phường, xã, thị trấn. Cá nhân đi sân bay có vé, cá nhân đi đến cơ quan ngoại giao có giấy hẹn của cơ quan ngoại giao, cá nhân đến Tòa án theo giấy triệu tập của Tòa án chỉ cần có chứng minh thư/căn cước công dân và xét nghiệm âm tính trong vòng 72h. Nhóm 6 là các tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ công vụ, công ích thiết yếu.

Chú thích ảnh
Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chỉ huy trưởng Thường trực Sở Chỉ huy công tác phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội chủ trì cuộc họp. Ảnh: TTXVN

Về quy trình, có 2 loại quy trình gắn với từng nhóm đối tượng. Đối với nhóm 1, 3, 4, 5 sẽ có 4 bước.

Bước 1, tổ chức, cá nhân liên hệ trực tiếp công an xã, phường, thị trấn hoặc qua cảnh sát khu vực.

Bước 2, công an xã, phường, thị trấn hướng dẫn tổ chức, cá nhân hướng dẫn thủ tục hồ sơ, tổ chức, cá nhân gửi văn bản đề nghị cấp giấy đi đường qua địa chỉ được cung cấp.

Bước 3, công an xã, phường, thị trấn căn cứ hồ sơ của tổ chức, cá nhân gửi để xét duyệt đồng ý hoặc không đồng ý và gửi mail thông báo cho tổ chức, cá nhân.

Bước 4, Trưởng công an xã, phường, thị trấn duyệt, đóng dấu và trả kết quả thông qua cảnh sát khu vực hoặc công an xã, phường, thị trấn.

Đối với nhóm 2, 6 cũng có 4 bước gồm:

Bước 1, các tổ chức, cá nhân liên hệ gửi hồ sơ cấp Giấy đi đường về cơ quan chủ quản có liên quan (Sở Công Thương, Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng...).

Bước 2, cơ quan chủ quan căn cứ đối tượng được quy định đồng ý hoặc không đồng ý, gửi email cho tổ chức cá nhân, gửi hồ sơ về Công an thành phố Hà Nội.

Bước 3, Công an thành phố Hà Nội chuyển giấy đi đường về cơ quan chủ quản.

Bước 4, cơ quan chủ quản chuyển giấy đi đường cho tổ chức, cá nhân.

Nguyễn Thắng/TTXVN

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...