loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Nếu không tiếp tục kéo dài thêm thời gian giãn cách xã hội, thành phố sẽ không thể bảo đảm được thành quả hiện tại, không có đủ điều kiện để tiếp tục kiểm soát và tiến tới khống chế dịch.
Để chủ động khống chế, kiểm soát tình hình dịch bệnh, nhanh chóng đưa thành phố trở lại trạng thái bình thường mới, UBND thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch triển khai xét nghiệm SARS-CoV-2 diện rộng trên địa bàn.
Do đó, lúc này, giãn cách xã hội là biện pháp quan trọng nhất để dập tắt các ổ dịch, bảo vệ sức khỏe an toàn tính mạng nhân dân. Đây là khẳng định của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng về việc thực hiện các giải pháp chống dịch COVID-19 trong tình hình hiện nay.
Giãn cách xã hội là biện pháp quan trọng nhất
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, trong 15 ngày giãn cách đợt đầu, Hà Nội đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng; tận dụng hiệu quả thời gian này để truy vết, khoanh vùng, bóc tách các ca F0 ra khỏi cộng đồng... Số ca mắc mới được phát hiện tăng mạnh, có ngày ghi nhận lên tới hơn 100 người, cho thấy giãn cách là giải pháp đúng và trúng. Đây cũng là giải pháp được dư luận báo chí và nhân dân đồng tình, đánh giá cao.
Tuy nhiên, vẫn còn một số chính quyền cơ sở còn lúng túng, chưa chủ động, chưa quyết liệt và thiếu sáng tạo, nhất là việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc chưa thực chất, chưa hiệu quả. Một số cơ quan, tổ chức, cá nhân còn lơ là, chủ quan, chưa chấp hành nghiêm yêu cầu giãn cách xã hội, vẫn còn tình trạng đông người đi lại trên đường, tại các chợ, siêu thị.
Nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất lớn. Do đó, thành phố quyết định tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố thêm 15 ngày theo Chỉ thị 16. Đây là giải pháp tốt nhất tại thời điểm này.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, nếu không thực hiện kịp thời giãn cách xã hội, Hà Nội có thể đã không giữ được tình hình dịch như hiện nay. Nếu không tiếp tục kéo dài thêm thời gian giãn cách xã hội, thành phố sẽ không thể bảo đảm được thành quả hiện tại, không có đủ điều kiện để tiếp tục kiểm soát và tiến tới khống chế dịch. Do đó, lúc này, giãn cách xã hội là biện pháp quan trọng nhất để dập tắt các ổ dịch, bảo vệ sức khỏe an toàn tính mạng nhân dân.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, 15 ngày đầu giãn cách có ý nghĩa rất quan trọng, nhưng 15 ngày tiếp theo càng có ý nghĩa quan trọng, quyết định hơn. Nhiệm vụ cấp bách của cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở và toàn thể người dân Thủ đô lúc này là chấp hành nghiêm nguyên tắc "người cách ly với người", "gia đình cách ly với gia đình”, kiên quyết yêu cầu người dân “ai ở đâu ở yên đấy”.
Bên cạnh đó, xác định vaccine là biện pháp căn cơ, lâu dài, thành phố, các quận, huyện, thị xã đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine COVID-19, được phân bổ đến đâu tiêm hết đến đó; bảo đảm công khai, minh bạch, đúng nguyên tắc, đúng quy định, an toàn, hiệu quả.
Siết chặt cấp và sử dụng giấy đi đường
Trong 15 ngày giãn cách lần 1, nhiều cá nhân, tổ chức đã thực hiện nghiêm việc hạn chế ra đường trong những ngày đầu; tuy nhiên, những ngày sau, tình trạng người dân ra đường bắt đầu tăng lên, đường ngõ bắt đầu đông đúc trở lại, gây nguy cơ lớn cho việc lây lan dịch bệnh. Do đó, trong đợt giãn cách này, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Văn bản số 2562/UBND-KT về việc siết chặt việc cấp và sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội.
Trong ngày 9/8, các lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm soát, nhắc nhở người dân tuân thủ đúng quy định thực hiện giãn cách toàn xã hội; người dân đã ý thức hơn trong việc chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ cần thiết khi có việc phải ra ngoài. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ quan, đơn vị còn lúng túng trong triển khai thực hiện, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, doanh nghiệp cũng như yêu cầu phòng chống dịch bệnh.
Trên cơ sở thực tiễn triển khai tại các địa bàn và tiếp thu ý kiến phản hồi từ người dân, cộng đồng doanh nghiệp và qua phản ánh của các cơ quan truyền thông, UBND thành phố làm rõ và yêu cầu thực hiện việc cấp và sử dụng Giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội. Cụ thể, người đi đường chỉ cần xuất trình giấy tờ tùy thân (Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu) kèm theo Giấy đi đường (mẫu Giấy đi đường đã được ban hành kèm theo Công văn số 2434/UBND-KT ngày 29/7/2021).
Đối với các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội trung ương trên địa bàn thành phố; cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế trên địa bàn thành phố; các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội thuộc thành phố: Người đứng đầu đơn vị cấp Giấy đi đường và chịu trách nhiệm bảo đảm các yêu cầu, quy định về phòng, chống dịch.
Đối với các tập đoàn, tổng công ty; doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ được phép hoạt động trên địa bàn thành phố đã nêu tại Mục 5 của Công văn số 2562/UBND-KT: Thủ trưởng, người đứng đầu đơn vị cấp Giấy đi đường cho người lao động và chịu trách nhiệm đảm bảo các yêu cầu, quy định về phòng, chống dịch.
Để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về giãn cách của các đơn vị trên địa bàn và tiến hành hậu kiểm khi cần thiết, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm tổng hợp danh sách người lao động của đơn vị cần lưu thông trên đường, kèm theo phương án sản xuất, kinh doanh đảm bảo các yêu cầu và quy định về phòng, chống dịch và gửi đến UBND cấp phường, xã để được xác nhận.
Việc xác nhận của UBND cấp phường, xã cần được thực hiện nhanh chóng, thuận tiện, theo hình thức trực tuyến, thư điện tử hoặc qua đường bưu điện, đảm bảo không tập trung đông người tại trụ sở.
Các lực lượng, các chốt kiểm soát thực hiện nhiệm vụ tăng cường kiểm tra, giám sát và liên thông thông tin để phát hiện, nhắc nhở, kiến nghị xử lý các đơn vị cấp Giấy đi đường không đúng đối tượng, không đúng mục đích trong thời gian giãn cách. Yêu cầu các lực lượng thực hiện tốt, linh hoạt, tránh gây ùn tắc, mất an toàn trong phòng, chống dịch và trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân.
UBND thành phố yêu cầu UBND cấp quận, huyện, cấp phường, xã không được quy định phát sinh thêm các thủ tục, giấy tờ gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân. Trong quá trình tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát và hậu kiểm, trường hợp có khó khăn vướng mắc cần kịp thời báo cáo UBND thành phố để xem xét, chỉ đạo giải quyết.
Bảo đảm an sinh xã hội
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, thành phố luôn đặt nhiệm vụ bảo đảm an sinh, chăm lo sức khỏe, đời sống của người dân là nhiệm vụ quan trọng nhất. Lãnh đạo thành phố đã yêu cầu từng cấp, từng ngành phải quan tâm, chăm lo thật tốt đời sống nhân dân khi thực hiện giãn cách, không để người dân thiếu đói, người khó khăn mà không được giúp đỡ, người ốm, đau mà không được chữa trị kịp thời.
Ngoài 12 nhóm đối tượng được hưởng chính sách theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ, Hà Nội còn có những chính sách riêng để hỗ trợ người dân. Trước mắt, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy triển khai hỗ trợ 3.180 hộ nghèo, mỗi hộ một suất quà trị giá 1 triệu đồng.
Thành phố cũng yêu cầu các địa phương trên cơ sở tự cân đối nguồn lực, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chủ động chăm lo, hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn.
Nhằm tránh bỏ sót, cũng như hỗ trợ đúng đến các đối tượng thực sự cần giúp đỡ, ngày 9/8, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã ra mắt fanpage “Đoàn kết chống dịch” và công bố các số điện thoại hotline nhằm tiếp nhận thông tin những trường hợp cần được giúp đỡ kịp thời, nhanh chóng nhất. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương mong muốn, thông qua chương trình, sẽ kết nối được nhiều hơn các tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm có tấm lòng giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn đến đúng địa chỉ, bảo đảm công tác phòng, chống dịch, nhất là trong những ngày thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội.
Xây dựng phương án để bảo đảm sẵn sàng cho công tác phòng, chống dịch
Để đối phó với dịch bệnh, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị chủ động rà soát các điều kiện, xây dựng phương án để bảo đảm sẵn sàng cho công tác phòng, chống dịch cũng như đời sống nhân dân trong trường hợp dịch bệnh diễn biến xấu và phức tạp hơn.
Cụ thể như: nâng công suất xét nghiệm lên 200.000 mẫu/ngày; nâng công suất cách ly tập trung lên 50.000 chỗ; nâng công suất giường bệnh điều trị lên 40.000 giường bệnh; thành lập các trung tâm hồi sức tích cực, phân luồng để có thể tiếp nhận và điều trị các bệnh nhân nặng và nguy kịch....
Ngày 8/8, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh, Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 thành phố đã ký ban hành Phương án số 182/PA-UBND đáp ứng 8.000 giường điều trị người bệnh COVID-19 mức độ vừa, nặng và nguy kịch trong tình huống có 40.000 người bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Cùng với đó là phương án bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm phục vụ nhân dân, không để đứt gãy chuỗi cung ứng của thành phố, không để khan hàng, thiếu hàng, hàng giả, hàng kém chất lượng, tăng giá, đầu cơ găm hàng gây hoang mang trong dư luận. Đối với các khu vực cách ly y tế, thành phố sẽ làm chặt hơn, đồng thời sẵn sàng phương án vận chuyển, cung cấp hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm vào từng nhà cho dân.
Minh Duyên
loading...