loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà đã thông tin về 1 ca dương tính với SARS-CoV-2 mới ghi nhận trên địa bàn. Đó là một bác sỹ ở bệnh viện Trung ương đóng trên địa bàn.
Ngày 3/5, UBND TP Hà Nội ra công điện số 06/CĐ-UBND về tạm dừng các hoạt động không thiết yếu để phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hà Nội.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội chiều 4/5, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà đã thông tin về 1 ca dương tính với SARS-CoV-2 mới ghi nhận trên địa bàn. Đó là một bác sỹ ở bệnh viện Trung ương đóng trên địa bàn.
Trường hợp này sinh sống trên địa bàn quận Ba Đình, có đi hát tại quán karaoke 54 Chùa Láng trên địa bàn quận Đống Đa, lúc 22 giờ ngày 28/4 đến 0 giờ ngày 29/4. Đây là ca khá phức tạp, có nhiều trường hợp F1, liên quan đến nhiều quận, huyện như: Đông Anh, Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ, Hoàng Mai. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề nghị Chủ tịch các quận, huyện khẩn trương chỉ đạo, truy vết các trường hợp liên quan. Ngay trong tối 4/5, Sở Y tế sẽ họp khẩn để tìm ra các phương án tối ưu nhất để xử lý dịch COVID-19 trên địa bàn.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng nhấn mạnh, tình hình dịch bệnh trên địa bàn đang rất phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, khẩn trương, hiệu quả hơn nữa.
Để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, từ 0 giờ ngày 5/5/2021, thành phố tạm dừng hoạt động tại các rạp chiếu phim, trung tâm chiếu phim, cơ sở massage, spa, phòng tập gym, sân vận động và các sự kiện tập trung đông người không cần thiết. Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 thành phố đề nghị Sở Giao thông vận tải thực hiện giãn cách trên các phương tiện vận tải, người với người cách nhau 1m, phương tiện sử dụng không quá 50% số ghế..
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thành phố Hà Nội, từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội ghi nhận 5 ca mắc ngoài cộng đồng (bệnh nhân số 2.911, 2.927, 2.928, 2.985, 2.986). Ngoài ra, các trường hợp bệnh nhân số 2.960, 2.957 và 2.979, liên quan đến quán bar - karaoke Sunny (Vĩnh Phúc), cư trú tại Hà Nội đã được Bộ Y tế ghi nhận thuộc số bệnh nhân COVID-19 của tỉnh Vĩnh Phúc.
Ngành y tế Hà Nội đã tiến hành khoanh vùng, xử lý dịch các khu vực liên quan tới ca mắc tại 5 quận, huyện: Đông Anh; Hai Bà Trưng; Hoàng Mai; Bắc Từ Liêm và Mê Linh; lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc 2.427 trường hợp; hiện đã có 204 trường hợp âm tính với SARS-CoV-2, số còn lại chưa có kết quả.
Đáng lưu ý, từ ngày 2-3/5, Hà Nội phát hiện 52 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép trên địa bàn, quận Nam Từ Liêm (47 người) và quận Cầu Giấy (5 người). Tất cả các trường hợp này được chuyển cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Kết quả 52/52 mẫu âm tính với SARS-CoV-2. Như vậy đến thời điểm này, Hà Nội đã ghi nhận 209 trường hợp nhập cảnh trái phép, đều được cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm (chưa ghi nhận trường hợp dương tính). Hiện còn 69 trường hợp đang được cách ly, dự kiến đến ngày 17/5, toàn bộ 69 người sẽ hoàn thành cách ly.
Đánh giá nguy cơ dịch bệnh trên địa bàn đang ở mức rất cao, thành phố Hà Nội đề nghị, thời gian tới, các địa phương, đơn vị và người dân tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Bộ Y tế, Thành ủy, UBND thành phố; tạm dừng các cơ sở massage, spa...; hạn chế tối đa các sự kiện tập trung đông người không cần thiết, các bữa liên hoan ăn uống đông người (đám cưới, đám giỗ, sinh nhật, khai trương...). Trường hợp để xảy ra lây nhiễm dịch ngoài cộng đồng trên địa bàn thì tuỳ mức độ sẽ bị xem xét, xử lý trách nhiệm theo đúng quy định.
Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị tăng cường giám sát, chủ động phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại cộng đồng; thực hiện khoanh vùng, cách ly kịp thời, thần tốc truy vết và xử lý dịch kịp thời, triệt để, không để lây lan bùng phát dịch bệnh. Sở chỉ đạo mở rộng xét nghiệm trên diện rộng đối với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, hoặc các biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19, các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng.
Các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường phân luồng, khám sàng lọc, chủ động rà soát các trường hợp bệnh nhân đến khám có biểu hiện sốt, ho, khó thở... và tổ chức xét nghiệm để phát hiện kịp thời ca bệnh. Các nhà thuốc khi thấy người có biểu hiện sốt, ho, khó thở... đến mua thuốc cần báo ngay cho trạm y tế trên địa bàn để được hướng dẫn xử trí kịp thời.
Công an thành phố chỉ đạo Công an các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn thường xuyên rà soát, nắm bắt địa bàn xử lý nghiêm các đối tượng nhập cảnh trái phép và chủ các cơ sở lưu trú có chứa người nhập cảnh trái phép. Công an cơ sở chủ trì, phối hợp tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng lập danh sách người dân quay trở lại sau kỳ nghỉ lễ để giám sát, quản lý và tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng dịch; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân không khai báo y tế hoặc khai báo y tế không trung thực.
Các quận, huyện, thị xã khẩn trương khoanh vùng, thần tốc truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, thực hiện cách ly tập trung tất cả các ca F1; rà soát các trường hợp F2, yêu cầu cách ly tại nhà theo quy định... Đối với các khu vực đã phong tỏa cần kiểm soát chặt chẽ, không để người dân ra, vào theo đúng tinh thần “nội bất xuất – ngoại bất nhập”.
Ngành chức năng quản lý chặt chẽ việc nhập cảnh, cách ly, theo dõi y tế sau cách ly đối với người nhập cảnh trên địa bàn; quản lý, giám sát chặt chẽ các cơ sở cách ly người nhập cảnh, phòng ngừa lây chéo và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng; tăng cường quản lý các đối tượng đã hoàn thành cách ly tập trung trở về địa phương cư trú.
Để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 thành phố đề nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia xem xét việc nhập cảnh từ các quốc gia đang bùng phát dịch; siết chặt việc cách ly và theo dõi sức khỏe sau cách ly ở các địa phương trên cả nước; sớm có chỉ đạo về thời gian cách ly tập trung./.
Tuyết Mai
loading...