loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Tại các vùng ngoại thành Hà Nội, nhà văn hóa thôn góp phần không nhỏ trong việc phục vụ các nhiệm vụ của địa phương, nâng cao đời sống tinh thần người dân. Tuy vậy, tình trạng thiếu nhà văn hóa thôn đang xảy ra ở 15 huyện ngoại thành, với tổng số 187 thôn, chiếm 7,8% số thôn trên toàn thành phố. Để 100% thôn có nhà văn hóa trong năm 2020, đảm bảo chỉ tiêu của thành phố Hà Nội đề ra, ngành Văn hóa cùng các địa phương đang gấp rút tìm cách “phủ kín” thiết chế văn hóa này.
Vừa khai trương tại Hà Nội, không gian văn hóa Việt Xưa House đã lên kế hoạch tổ chức hàng loạt chương trình nghệ thuật: “Đến hẹn lại lên” – giao lưu với nghệ nhân làng quan họ; “Diễm xưa” với nhạc phẩm Trịnh Công Sơn…
Hợp tác xã, đường xá trở thành điểm sinh hoạt văn hóa
Nhiều năm nay, cứ mỗi dịp hội họp, người dân thôn Quảng Phúc, xã Yên Bài, huyện Ba Vì lại sang nhờ địa điểm tại Nông trường hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ. Lý do là, thôn chưa có nhà văn hóa, mọi người đành sinh hoạt tạm bên nông trường và đã được đơn vị tạo điều kiện cho mượn phòng họp.
Theo chia sẻ của nhiều người trong thôn, vì không có nhà văn hóa, mọi hoạt động bị hạn chế. Trong khi đó, nhiều nơi có nhà văn hóa, địa phương còn tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, vui chơi – giải trí, thành lập các câu lạc bộ, thu hút rất đông người lớn, trẻ nhỏ tham gia. Mong muốn của người dân trong thôn Quảng Phúc là sớm xây dựng được nhà văn hóa thôn, trước mắt không phải đi sinh hoạt nhờ.
Tình trạng này không chỉ xảy ra ở thôn Quảng Phúc. Theo ông Nguyễn Việt Giao, Phó Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Ba Vì, toàn huyện có tới 18 thôn thiếu nhà văn hóa, trong đó một thôn đang xây dựng. Đa phần, người dân các thôn này phải sinh hoạt tạm tại di tích, trường học, trụ sở hợp tác xã hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng của xã. Ông Nguyễn Việt Giao cho biết, tình trạng này diễn ra tập trung trong 3- 4 năm nay, do việc chia tách thôn trên toàn huyện. Ví như, thôn Phú Xuyên, xã Phú Châu chia thành 4 thôn: Phú Xuyên 1, Phú Xuyên 2, Phú Xuyên 3, Phú Xuyên 4; thôn Tân Phong, xã Phong Vân chia thành thôn Tân Phong 1, Tân Phong 2... Vì vậy, việc thiếu nhà sinh hoạt văn hóa thôn là không tránh khỏi. Hiện nay, huyện Ba Vì chưa bố trí kịp thời nguồn kinh phí xây dựng.
Khác với các xã ngoại thành khác, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm không thiếu kinh phí xây dựng nhà văn hóa thôn, mà cái khó ở đây là vướng quy hoạch làng cổ Bát Tràng phục vụ phát triển thương mại, du lịch. Vấn đề này sau khi được giải quyết xong, lại tiếp tục vướng đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố toàn thành phố Hà Nội. Trong tổng số 10 thôn (từ thôn 1 đến thôn 5 của làng Giang Cao và từ thôn 1 đến thôn 5 của làng Bát Tràng), thành phố có chủ trương rút xuống còn 5 thôn và sẽ tiến hành trong năm 2020. Do chưa có nhà văn hóa, mọi sinh hoạt chung của người dân đa phần tổ chức ở tổ dân phòng hoặc bắc rạp ở… ngoài đường.
Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi cho biết, Bát Tràng là làng nghề truyền thống được quy hoạch thành điểm du lịch làng nghề trọng điểm của Hà Nội. Do vậy, việc xây dựng các nhà văn hóa thôn sẽ được thiết kế đặc thù. Mỗi nhà văn hóa thôn có diện tích khoảng 200 m2, vừa phục vụ phát triển du lịch, vừa là nơi sinh hoạt văn hóa của người dân. Tầng 1 sẽ là nơi trưng bày, giới thiệu sản phẩm gốm, là nơi nghỉ chân của du khách sau khi tham quan làng cổ; tầng 2 là hội trường văn hóa. Mẫu thiết kế cũng mang đặc trưng văn hóa làng gốm cổ Bát Tràng. Sau khi hoàn thành việc sáp nhập thôn, xã Bát Tràng sẽ tiến hành xây dựng các nhà văn hóa phục vụ các nhiệm vụ của xã và đời sống tinh thần bà con.
Trong tổng số 187 thôn chưa có nhà văn hóa trên toàn địa bàn thành phố Hà Nội, hiện có 7 thôn đã khởi công xây dựng nhà văn hóa trong năm 2020. Toàn thành phố có 12 thôn đã được bố trí ngân sách huyện, 6 thôn chưa có quỹ đất và kinh phí, 3 thôn đã được bố trí kinh phí nhưng chưa có quỹ đất, một thôn có kinh phí và có quỹ đất nhưng vướng quy hoạch. Các địa phương có nhiều thôn chưa có nhà văn hóa gồm các huyện: Phúc Thọ, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Ba Vì, Gia Lâm, Thạch Thất, Phú Xuyên, Thanh Oai. Bên cạnh đó, nhà văn hóa của 40 thôn tại 4 huyện: Ứng Hòa, Thường Tín, Phú Xuyên, Mỹ Đức cần nâng cấp sửa chữa do đã xuống cấp, không đảm bảo sinh hoạt.
Gấp rút “phủ kín”
Cách đây vài năm, các quận nội thành Hà Nội có nguồn thu ngân sách lớn thường hỗ trợ các huyện ngoại thành xây dựng nhà văn hóa thôn, xã. Một mặt, việc huy động nguồn xã hội hóa xây dựng nhà văn hóa giúp nhiều thôn làng có nơi sinh hoạt, hội họp. Huyện Ba Vì có tới 40 – 50 nhà văn hóa của 7 xã miền núi được xây dựng theo phương thức này. Tuy vậy, khoảng 2 năm trở lại đây, do những quy định về sử dụng nguồn ngân sách hỗ trợ của địa phương này sang địa phương khác, việc xây dựng nhà văn hóa theo phương thức này bị hạn chế. Hiện, đa phần các địa phương xây dựng nhà văn hóa đang phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn xây dựng nông thôn mới.
Vì vậy, việc đảm bảo 100% số thôn trong toàn thành phố có nhà văn hóa vào năm 2020 đặt ra bài toán tương đối nan giải cho thành phố Hà Nội. Bởi không chỉ phụ thuộc vào nguồn kinh phí, việc xây dựng nhà văn hóa còn phụ thuộc vào quỹ đất và quy hoạch tại một số địa phương. Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thạch Thất Nguyễn Trường Giang đề xuất, với các thôn khó khăn về việc bố trí quỹ đất xây dựng nhà văn hóa, có thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ các khu xen kẹt, các công trình sử dụng không hiệu quả để xây dựng.
Tuy vậy, việc chuyển đổi cũng không thể thực hiện sớm do phải thực hiện nhiều thủ tục nhưng đó cũng là hướng đi được mở ra để giải quyết tình trạng thiếu đất. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đang đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các ngành liên quan hướng dẫn, đề xuất giải pháp đối với các thôn khó khăn về quỹ đất do vướng quy hoạch, thiếu kinh phí giải phóng mặt bằng. Đồng thời, UBND thành phố chỉ đạo UBND các huyện chủ động bố trí kinh phí hoàn thiện trong năm 2020.
Ngoài các thôn đã khởi công, đã bố trí ngân sách và các thôn đang bị vướng quỹ đất và quy hoạch, 158 thôn còn lại đang cần hỗ trợ kinh phí để hoàn thiện trong năm nay. Theo ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, đối với các thôn không có nhà văn hóa do thiếu kinh phí, Sở đề xuất UBND thành phố Hà Nội hỗ trợ 100% vốn từ nguồn ngân sách thành phố để các địa phương xây dựng trong năm 2020.
Trong bối cảnh nhiều nhà văn hóa xây dựng từ lâu, diện tích nhỏ, nhiều hạng mục bị xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu thực tế của nhân dân địa phương, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề nghị thành phố quan tâm, hỗ trợ đầu tư trong giai đoạn tiếp theo.
Đinh Thuận
loading...