loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Theo Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm, mặc dù không phải là điểm "nóng" của bệnh sốt xuất huyết, nhưng từ đầu năm đến nay trên địa bàn Hà Nội đã có 470 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm 5 trường hợp so với cùng kỳ năm 2015. Bệnh nhân sốt xuất huyết phân bố rải rác trên địa bàn nhiều xã, phường nhưng chưa xuất hiện ổ dịch lớn và chưa có bệnh nhân tử vong.
Ông Nguyễn Nhật Cảm cho biết thêm, sốt xuất huyết thường xuất hiện trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 11 hàng năm, đặc biệt gia tăng trong mùa mưa lũ, từ tháng 9 - 10. Để chủ động phòng chống bệnh, ngay từ đầu năm, Sở Y tế Hà Nội đã lên kế hoạch và triển khai đợt 1 chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, diệt muỗi trưởng thành tại các xã, phường nguy cơ cao và sẽ triển khai đợt 2 vào tháng 8 - 9; đồng thời giám sát chặt chẽ tình hình dịch nhằm phát hiện sớm ca bệnh, không để bệnh bùng phát.
Để phòng bệnh trong mùa mưa lũ, mới đây, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị trong ngành triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh và đảm bảo an toàn thực phẩm mùa mưa lũ với 3 tình huống cụ thể. Theo đó, trước khi xảy ra bão lụt, các đơn vị tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân tại các vùng có nguy cơ xảy ra bão lụt chủ động dự trữ các loại lương thực, thực phẩm, nước uống đóng chai, các loại vitamin... Các đơn vị thành lập đội cơ động phòng chống dịch và phòng chống thiên tai, thảm họa; chuẩn bị thuốc, hóa chất, trang thiết bị phòng chống dịch; có kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm, khắc phục nhanh chóng, hiệu quả ngộ độc thực phẩm xảy ra.
Khi có bão lụt xảy ra, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra để các cơ sở không sử dụng gia súc, gia cầm, thủy cầm chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân để chế biến thực phẩm; xử lý nghiêm tập thể, cá nhân lợi dụng tình trạng khan hiếm thực phẩm để đưa ra thị trường các loại thực phẩm không an toàn. Các đơn vị cử cán bộ y tế xuống vùng lũ lụt để chỉ đạo toàn diện công tác vệ sinh phòng dịch bệnh; duy trì lực lượng y tế tăng cường thường trực tại các địa phương bị ảnh hưởng nặng do lũ lụt cho đến khi tình hình ổn định. Các cơ sở điều trị chuẩn bị sẵn sàng cho cấp cứu, điều trị khi xảy ra ngộ độc thực phẩm hàng loạt, dịch bệnh bùng phát trên địa bàn.
Sau bão lụt là lúc dịch bệnh dễ phát sinh và bùng phát, do vậy bên cạnh công tác tuyên truyền, các cơ sở y tế tăng cường các biện pháp phòng các bệnh thường gặp sau mưa lũ như tiêu chảy, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, tả, lỵ, thương hàn…; tiếp tục thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm, giám sát chất lượng nước dùng cho ăn uống, sinh hoạt từ các nhà máy nước, trạm cấp nước và ngay tại hộ gia đình; chủ động xử lý triệt để khi có ngộ độc thực phẩm, xử lý ổ dịch phát sinh sau bão lụt, không để dịch bệnh lan rộng.
Tuyết Mai (TTXVN)
loading...