GS Tô Ngọc Thanh: Bà bán rau viết thư cho chúng tôi mong đừng cấm chọi trâu
(Thethaovanhoa.vn) - Đó là phát biểu của GS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian tại tọa đàm khoa học về giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và tổ chức Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng sáng nay (7/9) tại Hà Nội.
- Bộ VH,TT&DL 'quản chặt' các lễ hội chọi trâu
- Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn có thể bị loại khỏi di sản phi vật thể quốc gia
- Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn: Đề nghị bỏ vòng loại, chỉ tổ chức chung kết vào 9/8 AL
- Đi tìm lễ hội chọi trâu 'nguyên bản' tại Đồ Sơn
Phát biểu tại buổi tọa đàm, GS Tô Ngọc Thanh nhấn mạnh: “Cả Hội chúng tôi ủng hộ tiệp tục chọi trâu từ đời nay sang đời khác” vì “không có lý gì mà chung ta không ủng hộ lễ hội chọi trâu cả”. Bởi “văn hóa vốn có tính chất vùng miền, mang tính tự do và chấp nhận sự khác biệt”.
Có hay không việc cấm chọi trâu, đâm trâu?
“Trong mấy năm gần đây Hội bảo vệ động vật hoang dã đã can thiệp vào cuộc sống của chúng ta rất nhiều, muốn chúng ta cấm cả đâm trâu, tôi rất buồn vì cấm đâm trâu là đánh mất luôn cả nét văn hóa Tây Nguyên”- GS Tô Ngọc Thanh nói.
Ở tuổi ngoài 80, nhưng GS Tô Ngọc Thanh vẫn miệt mài làm việc, cống hiến liên tục cho Hội Văn nghệ dân gian. Ông chia sẻ thẳng thắn rằng: "Ai cho Hội bảo vệ động vật hoang dã quyền can thiệp vào nội bộ của chúng ta. Xin đừng vì ý kiến của họ mà cấm đâm trâu, mà phải xem lại, bởi như ở Tây Ban Nha thi đấu bò tót chết người đâu có cấm?"
GS Ngọc Thanh còn cho biết: “Hội tôi còn nhận được nhiều lá thư, trong đó có lá thư của bà bán rau ở chợ viết nghệch ngoạc rằng: các ông làm ơn nói với Nhà nước rằng chọi trâu là của chúng tôi, mong đừng cấm...”.
Tiếp tục ý kiến của GS Tô Ngọc Thanh, TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian cũng lên tiếng cho rằng, văn hóa, phong tục tập quán bắt nguồn từ nhân dân, từ cộng đồng, phải do người dân quyết định.
Tuy nhiên, theo TS Trần Hữu Sơn, do cơ chế thì trường việc quản lý còn yếu đôi khi đã đánh mất vai trò của lễ hội, dẫn đến việc tận thu quá nhiều. “Còn hòn ngọc lớn nhất lại không phát huy là thương hiệu chọi trâu thành sản phẩm du lịch, chúng ta lại không làm. Do vậy hãy tận dụng lễ hội thành sản phẩm du lịch, đừng nghĩ chọi trâu là cốt lõi” – ông Sơn chia sẻ.
“Không có văn bảo nào đưa ra cấm đâm trâu ở Tây Nguyên cả. Còn các lễ hội chọi trâu biến tướng dưới dạng tổ chức sự kiện ở các tỉnh thì Bộ VHTT&DL kiên quyết đề nghị các Sở Văn hóa không đồng ý cấp phép” - đại diện lãnh đạo Cục di sản Văn hóa cho hay.
GS TS Nguyễn Chí Bền nhấn mạnh thêm: "Công ước quốc tế Việt Nam tham gia là bảo vệ động vật hoang dã chứ không phải bảo vệ động vật nuôi. Việc cấm, muốn cấm hay không cấm phải dựa vào luật, chọi trâu không vi phạm thì cấm cái gì? Không thể cấm các di sản văn hóa phi vật thể theo tư duy như thời chiến tranh được”.
Muốn dẹp chọi trâu cần trưng cầu ý kiến nhân dân Đồ Sơn
Tại tọa đàm, PGS TS Vũ Minh Giang cũng bày tỏ, lễ hội chọi trâu là di sản văn hóa. Đã là di sản văn hóa thì đừng so bè cao thấp, vì văn hóa có tính vùng miền, cần chấp nhận sự khác biệt.
“Văn hóa thuộc về nhân dân chứ không phải bây giờ chúng ta mới nghĩ ra lễ hội chọi trâu. Chọi trâu Đồ Sơn là sáng tạo của nhân dân Đồ Sơn, muốn dẹp bỏ cần tôn trọng quyết định và trưng cầu ý kiến nhân dân Đồ Sơn, chúng ta không nhân danh gì mà dẹp bỏ hay đồng tình. Và tôi tin rằng hỏi nhân dân Đồ Sơn, không ai bảo bỏ lễ hội chọi trâu cả. Gặp người dân Đồ Sơn, ai người ta cũng chỉ sợ các vị quyền cao, các vị quan phương nào đó muốn dẹp bỏ lễ hội này. Theo tôi, nếu dẹp bỏ, hãy kỷ luật những người đề xuất công nhận nó là di sản văn hóa...”
Theo PGS TS Vũ Minh Giang, ở Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn có hai việc cần mang ra bàn là việc đảm bảo an toàn trong lễ hội có mức độ nguy hiểm để cách ly người xem cho tốt và giảm những hành vi tiêu cực trong lễ hội.
Ông Hoàng Xuân Minh, Chủ tịch quận Đồ Sơn, Hải Phòng phát biểu: “Nhân dân Đồ Sơn trông chờ tọa đàm hôm nay. Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn có nguồn gốc từ lâu đời và đã ăn sâu vào máu của người dân Đồ Sơn. Việc tạm dừng lễ hội chọi trâu vừa qua có cháu thiếu nhi ôm mặt khóc. Quận Đồ Sơn chúng tôi cũng đã có buổi tiếp xúc cử tri, tọa đàm và nguyện vọng thiết tha của nhân dân Đồ Sơn là lễ hội chọi trâu tiếp tục tổ chức. Sau sự cố hi hữu vừa qua, chúng tôi cũng nhận thấy những bất cập và sẽ tập trung vào công tác quản lý để phát huy giá trị lễ hội như sửa quy chế cho phù hợp với tình hình thực tế và lựa chọn trong việc huấn luyện chăm sóc trâu”
Ông Hoàng Xuân Minh chia sẻ thêm, sau sự cố trâu số 18 húc chủ, dư luận từng lo lắng có chất kích thích với trâu chọi. Nhưng qua kiểu tra trâu số 18 và 19 con trâu còn lại hoàn toàn không có chất kịch thích nào. Chủ tịch quận Đồ Sơn, Hải Phòng mong muốn giảm quy mô trâu tham gia trong các năm sau, từ 32 xuống 16 con và đề xuất chỉ tổ chức vòng chung kết Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn vào đúng ngày 9/8 âm lịch. Ngoài ra, Đồ Sơn cũng sẽ lấy ý kiến của cồng đồng cư dân về quy định hiến sinh trâu là nghi lễ quan trọng.
Kết luận tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy cho biết: "16 ý kiến đều thống nhất tiếp tục lễ hội chọi trâu tại Đồ Sơn, đây là tin vui, điều đáng mừng cho người dân Đồ Sơn nói riêng và thành phố Hải Phòng nói chung. Tuy nhiên các ý kiến đều đưa ra cơ quan quản lý địa phương cần xem xét giải pháp đổi mới tổ chức lễ hội chọi trâu. Quy mô, quy trình tổ chức lễ hội. Cần phải điều chỉnh quy mô lễ hội theo hướng thu gọn quy mô".
Ngọc Tường (ghi)