GS Hoàng Tụy, một trí thức lớn, cây đại thụ ngành Toán học Việt Nam qua đời ở tuổi 92
(Thethaovanhoa.vn) - GS Hoàng Tụy, nhà toán học tiêu biểu của Việt Nam, vừa qua đời chiều nay 14/7 ở tuổi 92.
Ông sinh ngày 17/12/1927, tại làng Xuân Đài, Điện Bàn, Quảng Nam, là cháu nội em ruột cụ Hoàng Diệu, nhà yêu nước chống thực dân Pháp xâm lược nửa cuối thế kỷ XIX.
Mồ côi cha khi mới lên bốn, gia đình túng bấn lại đông anh em nên tuổi thơ của ông rất vất vả. Giỏi văn học Pháp, nhưng ngay từ thời trung học, Hoàng Tụy đã bộc lộ thiên hướng toán học. "Nhảy cóc" hai lớp, là thí sinh tự do, ông vẫn đỗ đầu kỳ thi tú tài phần một vào tháng 5/1946 và sau đó 4 tháng, đỗ đầu tú tài toàn phần ban toán ở Huế.
Năm 1951, nghe tin TS Lê Văn Thiêm chuẩn bị mở Trường Khoa học cơ bản, Hoàng Tụy liền xin phép Sở Giáo dục Liên khu V cho ra Việt Bắc theo học thầy Thiêm. Chuyến đi "Tầm sư học đạo" ấy kéo dài gần 6 tháng. Trong ba lô chỉ có gạo, muối và dăm ba cuốn sách toán tiếng Pháp đã được gỡ bỏ hết bìa cứng và xén hết lề cho nhẹ bớt... Đến nơi thì Hoàng Tụy mới biết, chương trình này ông đã tự học xong cả rồi.
Trường Khoa học cơ bản chuyển sang khu Học xá ở Nam Ninh (Trung Quốc). Các hiệu sách ở đây có bán sách toán tiếng Nga. Hoàng Tụy liền học tiếng Nga qua tiếng Anh, với cuốn sách mỏng Russian in three Months (Tiếng Nga trong 3 tháng). Chỉ sau chưa đầy 3 tháng, ông bắt đầu đọc được cuốn Lý thuyết hàm biến số thực của I.P.Natanson, vừa đọc vừa luôn tay tra từ điển Nga - Anh, Nga - Hán...
Thủ đô giải phóng, ông bắt tay vào việc dạy toán tại Trường ĐH Khoa học, về sau là Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội.
Tháng 3/1959, Hoàng Tụy trở thành một trong hai người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ khoa học toán - lý tại Trường Lomonosov, Moskva. Lĩnh vực nghiên cứu của ông là Giải tích thực, nhưng chẳng bao lâu sau, ông nhận thấy tuy đây là lý thuyết hay và quan trọng nhưng khó có ứng dụng thực tế ở Việt Nam, ít nhất là vào thời điểm ấy. Năm 1961, ông bắt đầu chuyển sang nghiên cứu Vận trù học. Sau một thời gian tìm hiểu, ông bắt đầu có công trình nghiên cứu về lĩnh vực mới này, và sau khi gặp và trao đổi ý kiến với nhà toán học Nga nổi tiếng L.V.Kantorovich (chuyên gia hàng đầu thế giới về ứng dụng toán học vào kinh tế, đã được giải thưởng Nobel năm 1974), ông dứt khoát chuyển sang Lý thuyết tối ưu - một ngành Toán học có nhiều ứng dụng trong Vận trù học và nhiều ngành kinh tế, công nghệ.
Đầu năm 1961, ông khởi xướng và hướng dẫn phong trào ứng dụng vận trù học ở miền Bắc, bắt đầu từ ngành giao thông vận tải rồi dần dần mở rộng sang nhiều ngành kinh tế khác. Lúc bấy giờ trên thế giới, vận trù học hãy còn rất mới mẻ, nên một số phóng viên nước ngoài (như Le Monde) rất ngạc nhiên, khi biết có những thành tựu vừa mới ra đời ở Mỹ cách đó chỉ mấy năm (như phương pháp "đường găng" hay PERT) mà đã được nghiên cứu ứng dụng ở Việt Nam ngay trong hoàn cảnh chiến tranh.
Ít năm sau, năm 1964 ông có công trình thực sự gây tiếng vang quốc tế. Công trình ấy không phải là một luận án tiến sĩ dài nhiều trăm trang, mà chỉ là một bài báo ngắn, vẻn vẹn 4 trang khổ nhỡ, đăng trên Báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Kết quả đáng quý nhất của bài báo là đưa ra được một lát cắt độc đáo, có khả năng ứng dụng rất đa dạng, không những để giải nhiều bài toán tối ưu toàn cục (những bài toán "khó về bản chất", trước đó chưa ai giải được), mà còn để giải những bài toán quy hoạch tổ hợp. Phương pháp do Hoàng Tụy đề xuất về sau được giới toán học quốc tế gọi là "lát cắt Tụy" (Tuy's cut) và được coi là cột mốc đầu tiên đánh dấu sự ra đời của một chuyên ngành toán học mới: Lý thuyết Tối ưu toàn cục.
Năm 1988 tại Ðại hội quốc tế về quy hoạch toán học lần thứ 13 tại Tokyo, các nhà toán học thành lập Tạp chí Global Optimization (Tối ưu Toàn cục) mời ông làm Tổng biên tập nhưng ông từ chối, với lý do Việt Nam lúc đó liên hệ với nước ngoài còn nhiều khó khăn, chưa có điều kiện thuận lợi cho việc biên tập một tạp chí khoa học quốc tế. Ông là ủy viên sáng lập của tạp chí này và là ủy viên Ban biên tập nhiều tạp chí quốc tế nổi tiếng khác như Mathematical Programming, Optimization.
Kể từ khi công trình khai phá của Hoàng Tụy được công bố (1964), lý thuyết tối ưu toàn cục ngày càng phát triển mạnh mẽ và có nhiều ứng dụng trong kinh tế, công nghệ. Trong sự phát triển toàn cầu ấy, "Trường phái Hà Nội" (Ha Noi school) giữ vai trò nổi bật. Một số nhà toán học nước ngoài coi Hà Nội là "địa danh nổi tiếng thế giới về tối ưu hóa" với nhiều phát minh đặc sắc, về sau được giới toán học quốc tế gọi là Thuật toán kiểu Tụy, Điều kiện không tương thích Tụy...
GS. Hoàng Tụy là tác giả của gần 150 công trình khoa học đăng trên các tạp chí Toán học quốc tế có uy tín. GS đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (1996) cho những kết quả sáng tạo không ngừng của ông. Hoàng Tụy cùng với GS Lê Văn Thiêm đã có đóng góp lớn trong việc thành lập Viện Toán học và Hội Toán học Việt Nam. Viện Toán học Việt Nam hiện nay được Viện hàn lâm khoa học thế giới thứ ba công nhận là một trong 10 trung tâm toán học xuất sắc của các nước đang phát triển.
Các giải thưởng mà Giáo sư Hoàng Tụy đã nhận được là Tiến sĩ danh dự trường Đại học Linköping, Thụy Điển (1995); Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (1996); Giải thưởng Phan Châu Trinh (2010); Là người đầu tiên trên thế giới được Hiệp hội Quốc tế về Tối ưu toàn cục trao Giải thưởng cao quý mang tên nhà toán học xuất sắc người Hy Lạp Constantin Caratheodory (1873-1950), do những đóng góp tiên phong và nền tảng của ông trong lĩnh vực này.
GS Hoàng Tụy cũng đã vinh dự được Đảng, nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật đợt I năm 1996.
PV (tổng hợp)