(Thethaovanhoa.vn) - Thay đổi phương pháp dạy học, khơi gợi sự tìm tòi, học hỏi, sáng tạo trong học tập, đặc biệt là môn lịch sử cho học sinh qua fanpage “Lịch sử Việt Nam qua ảnh và thơ” là ý tưởng của các thầy cô giáo trường Trung học cơ sở Trương Hán Siêu, thành phố Ninh Bình. Phương pháp sáng tạo này góp phần giúp học sinh tiếp cận các kiến thức lịch sử một cách sinh động, nhẹ nhàng, đầy cảm hứng, bồi đắp tình yêu và niềm tự hào của học trò đối với lịch sử dân tộc.
Sản phẩm “Lịch sử Việt Nam qua ảnh và thơ” là ý tưởng của 5 thầy cô giáo: Hoàng Văn Thiêm, Đinh Thị Quý Ngọc, Thái Mạnh Lâm, Trần Minh Tú và Vũ Ngọc Lan Anh đang công tác tại trường Trung học cơ sở Trương Hán Siêu.
Thạc sỹ, giáo viên dạy lịch sử Vũ Ngọc Lan Anh cho biết, lịch sử là môn học mang tính nhân văn và phát triển con người. Môn học này không chỉ hướng con người biết về những mối quan hệ hiện tại, kết nối hiện tại với quá khứ, mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, qua tìm hiểu và điều tra khảo sát gần 4.000 học sinh tại các trường học tại thành phố Ninh Bình và các huyện Nho Quan, Yên Khánh, kết quả, trung bình có 75% số học sinh chưa có hứng thú học môn lịch sử, có sự hiểu biết về lịch sử dân tộc hạn chế.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, một phần do các thầy cô không thường xuyên thay đổi phương pháp dạy học mà vẫn theo cách truyền thống "cô giảng, trò ghi”, học sinh phải học thuộc lòng những trang sử dài, nhiều số liệu về thời gian dễ gây nhàm chán, các em thường không hiểu sâu sắc và cách nhớ kiểu học thuộc lòng như vậy không quá hiệu quả đối với học sinh.
Chính vì vậy, năm 2015, các thầy cô trường Trung học cơ sở Trương Hán Siêu đã nảy ra ý tưởng và xây dựng fanpage “Lịch sử Việt Nam qua ảnh và thơ”, tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhằm nâng cao hứng thú học tập môn lịch sử.
Ảnh minh họa
Thầy giáo Thái Mạnh Lâm chia sẻ, các trang mạng có nội dung về lịch sử Việt Nam còn hạn chế, một số trang chứa đựng nhiều kiến thức về lịch sử dân tộc nhưng lại dành cho nhiều lứa tuổi, nhiều trang chưa được kiểm duyệt và có nội dung, bình luận, bài viết không phù hợp với lứa tuổi của các em. Vì vậy, fanpage “Lịch sử Việt Nam qua ảnh và thơ” được các thầy cô rất chú trọng về nội dung và kiểm soát chặt chẽ về bình luận. Nội dung fanpage “Lịch sử Việt Nam qua ảnh và thơ” được lấy từ nguồn tư liệu trong sách giáo khoa và các nguồn trên mạng nhưng được các thầy cô kiểm duyệt và đăng lên trang sao cho phù hợp với chương trình học. Đồng thời, các thầy cô giáo cũng đưa lên fanpage những đề cương ôn tập lịch sử giúp học sinh nắm bắt môn học một cách dễ dàng hơn.
Đặc biệt, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm tìm hiểu lịch sử, văn hóa địa phương; kết hợp fanpage với tổ chức tìm hiểu các sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước; kết hợp sử dụng fanpage trong các giờ dạy lịch sử và sinh hoạt ngoại khóa.
“Việc học lịch sử qua trang facebook đòi hỏi học sinh phải có tinh thần tự giác học tập nếu không các em sẽ lạm dụng việc dùng facebook vào các mục đích khác. Vì vậy, nhà trường thường xuyên tuyên truyền cho các em học sinh nhiều hơn về ý thức học tập; đồng thời liên hệ và có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường trong quản lí việc sử dụng facebook của học sinh”, thầy Lâm nói.
Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Trương Hán Siêu Hoàng Văn Thiêm cho biết, trang fanpage này của trường hoạt động hiệu quả trong 2 năm qua nhờ sự đóng góp nhiệt tình của các thầy cô. Nhiều thầy cô các bộ môn toán, lý cũng trăn trở về việc học bộ môn này của các em nên đã đóng góp không ít sáng kiến cho sản phẩm "Lịch sử Việt Nam qua ảnh và thơ". Nhiều thầy giáo còn sáng tác thơ về các sự kiện lịch sử dân tộc giúp học sinh ghi nhớ bài nhanh và lâu. Sau 2 năm hoạt động, hiệu quả học tập của các em học sinh trong trường có kết quả được nâng cao rõ rệt. Đặc biệt, vừa qua, trường có 6 học sinh đạt giải cao trong kì thi học sinh giỏi môn lịch sử.
Qua 2 năm hoạt động, fanpage đã cập nhật 608 ảnh và các kiến thức lịch sử có liên quan tới các bức ảnh đó (trong đó có album ảnh về lịch sử địa phương Ninh Bình); 49 video phim tài liệu lịch sử; 24 video phim hoạt hình lịch sử; đố vui lịch sử; thơ lịch sử gồm cả sưu tầm và tự sáng tác và 35 audio đã thu hút rất nhiều lượt theo dõi, không chỉ của các em học sinh trong trường mà của các em học sinh trong toàn tỉnh. Học sinh của trường từ đang có xu hướng quay lưng với môn lịch sử nay càng yêu thích môn học này hơn.
Thời gian tới, các thầy cô đang lên kế hoạch để sắp xếp các nội dung trên trang fanpage theo danh mục, bài giảng để học sinh dễ dàng tìm kiếm, theo dõi và trong tương lai sẽ dịch trang fanpage “Lịch sử Việt Nam qua ảnh và thơ” sang một ngôn ngữ khác như tiếng anh để các em vừa có thể học tập môn lịch sử lại vừa có thể nâng cao khả năng tiếng Anh của bản thân. Các thầy cô cũng đang lên kế hoạch lập ra nhiều trang Fanpage cho các bộ môn khác như tiếng Anh, vật lý, hóa học... để các em thuận tiện hơn trong việc học tập.
Em Nguyễn Thị Huyền Anh, học sinh lớp 9A chia sẻ, các hình ảnh, video, thơ phù hợp với bài học trên fanpage "Lịch sử Việt Nam qua ảnh và thơ" làm cho em dễ nhớ và học thuộc bài dễ hơn. Đặc biệt, một số bài thơ do các thầy cô sáng tác khiến chúng em rất ấn tượng và ghi nhớ lâu như bài thơ "Một hai tám bốn (1284) Diên Hồng/Thượng hoàng mới hỏi đánh không hay hòa/Bô lão trong khắp nước ta/Đồng thời hô lớn đánh và đánh thôi", từ đó làm cho em ngày càng yêu thích học môn lịch sử hơn.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Ninh Bình Đinh Quang Vinh nhận xét, đây là ý tưởng sáng tạo góp phần khơi dậy hứng thú cho học sinh đối với môn học lịch sử. Ngành Giáo dục Ninh Bình khuyến khích các trường có những sáng tạo trong đổi mới phương pháp dạy và học, giúp các em học sinh hứng thú với các môn học, phấn đấu đạt thành tích cao trong học tập.
Năm 2016, sản phẩm "Lịch sử Việt Nam qua ảnh và thơ" của các thầy, cô giáo trường Trung học cơ sở Trương Hán Siêu đã đoạt giải nhì trong Cuộc thi Khoa học kỹ thuật năm học 2015- 2016 của tỉnh Ninh Bình; giải ba lĩnh vực trong Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học phổ thông năm học 2015- 2016; Giấy khen, giấy chứng nhận và phần thưởng của Nhà Xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội. Nhưng có lẽ phần thưởng cao quý nhất đối với các thầy cô là tâm huyết trong giảng dạy đã được các em học sinh đón nhận, hứng thú, say mê học tập.
Hải Yến - TTXVN