A+ A A- Kiểu đọc sách

Giáo dục trực tuyến: Giải pháp dạy và học ưu việt trong mùa dịch COVID-19

22:08 17/03/2020
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Với diễn biến ngày càng phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, cùng với việc tiệm cận xu thế chung của thế giới trong thời đại 4.0, việc dạy và học trực tuyến là một phương thức mà nhiều người lựa chọn.

Từ 19/3 bắt đầu chương trình dạy học trên truyền hình cho học sinh Hà Nội

Từ 19/3 bắt đầu chương trình dạy học trên truyền hình cho học sinh Hà Nội

Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, để giúp học sinh ôn luyện và học tập, củng cố kiến thức, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội thực hiện chương trình Dạy học trên truyền hình. Chương trình sẽ được phát sóng bắt đầu từ thứ Năm ngày 19/3 tới.

Theo ý kiến của các chuyên gia, ứng dụng dạy và học trực tuyến trong giai đoạn này, vừa có thể đáp ứng được nhu cầu dạy và học của cả giáo viên và học sinh, đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch và kế hoạch năm học, vừa là điều kiện để Việt Nam áp dụng đồng loạt một mô hình giáo dục hiện đại đã được ứng dụng thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Mô hình giáo dục hiện đại

 Khái niệm học trực tuyến được dùng như một thuật ngữ chỉ môi trường học tập mà trong đó, người học có thể tương tác với môi trường học tập thông qua internet hoặc các phương tiện truyền thông điện tử khác.

Đây là môi trường có khả năng chia sẻ cao, vận hành không phụ thuộc vào không gian, thời gian, tạo điều kiện để mọi người trao đổi, tìm kiếm, học tập một cách dễ dàng. Việc học không chỉ bó hẹp cho học sinh, sinh viên ở các trường mà dành cho tất cả mọi người, không kể tuổi tác, hoàn cảnh sống…

Học trực tuyến có nhiều ưu việt như chi phí cho cơ sở vật chất học tập giảm, qua đó góp phần bình đẳng trong giáo dục. Hơn nữa với các thiết bị thông minh, học viên học được ở bất cứ đâu, giúp họ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và tiền bạc cho việc di chuyển.

Chú thích ảnh
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội sản xuất và phát sóng chương trình học trên truyền hình 

Đặc biệt, kể từ khi dịch COVID-19 xảy ra, hầu hết học sinh trên cả nước phải nghỉ học. Nhằm giúp các em học sinh có thời gian ôn tập, duy trì thói quen học tập trong thời gian này, nhiều trường đã quyết định chọn phương án đào tạo từ xa, dạy học trực tuyến để đảm bảo ôn luyện, bổ sung kiến thức cho học sinh.

Mô hình học tập này không chỉ giúp thầy và trò tiếp tục học tập, bồi dưỡng kiến thức, mà còn nâng cao tính tự học và động lực học tập của học sinh, kể cả tính trách nhiệm lẫn kỷ luật tự giác trong học tập.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, phương thức học này vẫn còn khá mới mẻ và đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với cả người dạy và học, do chưa được triển khai đồng đều, cơ sở hạ tầng của nhiều trường chưa thể đáp ứng tốt yêu cầu của đào tạo từ xa, cách thực hiện của mỗi trường rất khác nhau. Ngoài thiếu trang thiết bị, các trường cũng đang rất thiếu nguồn học liệu có thể đáp ứng được nhu cầu giảng dạy và học tập. Bên cạnh đó, phương thức này chưa có sự hướng dẫn từ các cơ quan quản lý giáo dục, nên khiến nhiều trường lúng túng trong triển khai.

Chú thích ảnh
Thầy trò trao đổi kiến thức qua mạng xã hội

Thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong giáo dục đào tạo

Ngay từ đầu tháng 2, khi học sinh các cấp nhận quyết định nghỉ học để phòng tránh dịch COVID-19, nhiều trường học trên cả nước đã bắt đầu triển khai dạy và học trực tuyến cho học sinh.  Với sự phối hợp của Cục Công nghệ thông tin- Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tổ chức thử nghiệm Hệ thống học tập trực tuyến tại địa chỉ study.hanoi.edu.vn dành cho học sinh khối 8,9 và khối 11, 12 trên địa bàn. Trước đó, một số trường đã chủ động dạy và học trực tuyến với các hình thức khác nhau.

Sau hơn 1 tháng triển khai, hệ thống học tập của Sở đã có 120.000 học sinh tham gia ôn tập trực tuyến (chiếm tỷ lệ 55% tổng số học sinh lớp 8 và lớp 9 trên toàn thành phố, với tổng số lượt ôn tập đạt 1,2 triệu lượt. Đây được đánh giá là một giải pháp kịp thời và phù hợp của Sở Giáo dục và đạo tào Hà Nội trong bối cảnh hiện nay.

Mới đây, Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC Group) cũng đã ra mắt và cung cấp miễn phí ứng dụng Giáo dục “AIC Education” cho Cục Ứng dụng Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) và Báo Dân trí vận hành. AIC Education hỗ trợ việc dạy và học trên nền tảng di động với tính năng phòng học trực tuyến (dạy và học trên lớp học ảo); tại đây cô và trò các lớp học thông dụng có thể khai báo một phòng học chung, rồi cô giáo giảng dạy, học sinh có thể trao đổi trực tuyến.

Tại đây còn có kho bài giảng ôn tập theo giáo trình từng địa phương; kho học liệu; các video về học tập được dựng sẵn cho học sinh tham khảo; thông báo các tình huống khẩn cấp của ngành giáo dục; cập nhật các thông tin kinh tế, xã hội trong và ngoài nước.

Ngoài ra, trên Smart Education cũng tích hợp đầy đủ kiến thức giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 và nhiều nội dung kiến thức tham khảo để giáo dục sớm lứa tuổi mẫu giáo và các nội dung tham khảo khác. Đây là một tiện ích tương tác hai chiều, khác biệt với giảng dạy trên truyền hình chỉ có đối tượng nói và đối tượng nghe.

Chú thích ảnh
Trong thời gian nghỉ học, thầy cô vẫn đến trường soạn giáo án 

Công nhận kết quả giáo dục từ xa

Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, kỳ nghỉ của hầu hết học sinh các cấp học trên toàn quốc đã kéo dài trên 2 tháng, phương án học trực tuyến đã được tính đến là một giải pháp hiệu quả để vừa bồi dưỡng kiến thức cho học sinh, vừa đảm bảo được kế hoạch giáo dục của ngành.

Ngày 13-3, Bộ Giáo dục Đào tạo đã quyết định công nhận kết quả giáo dục từ xa và có văn bản gửi các Sở Giáo dục Đào tạo về việc tăng cường dạy học qua internet, trên truyền hình trong thời gian học sinh phải nghỉ học để phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, Bộ Giáo dục Đào tạo yêu cầu các Sở chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường rà soát, tinh giản nội dung dạy học, xây dựng kế hoạch dạy học để tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình, một cách phù hợp. Để khi học sinh đi học trở lại, các nhà trường tổ chức rà soát, đánh giá kết quả học tập từ xa. Từ đó rà soát, tinh giản nội dung dạy học và điều chỉnh kế hoạch dạy học, theo hướng kế thừa những nội dung kiến thức đã học, nhằm tối ưu thời gian và nội dung kiến thức cần tiếp tục dạy học trong chương trình theo quy định.

Cùng với quyết định mới của Bộ Giáo dục Đào tạo chấp nhận kết quả học trực tuyến của các trường trong thời gian nghỉ học để phòng dịch COVID-19, Bộ cũng đang xây dựng dự thảo thông tư để tạo điều kiện cho các trường kết hợp đào tạo truyền thống với trực tuyến và ghi nhận kết quả học tập, tạo ra những hành lang pháp lý cho giáo dục từ xa, đưa thế mạnh của công nghệ vào giáo dục, tạo động lực cho cả người dạy, người học lẫn các cơ sở giáo dục có được điều kiện tốt nhất để phát huy tối đa tiềm năng con người trong thời đại mới.

Thu Hạnh - TTXVN

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...