Giãn cách xã hội toàn thành phố Phan Thiết theo Chỉ thị 16 từ 00 giờ ngày 2/8
(Thethaovanhoa.vn) - Trước tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, UBND huyện Mê Linh (Hà Nội) đã và đang triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 17/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 05-CT/TU ngày 30/7/2021 của Thành ủy Hà Nội về tăng cường trách nhiệm của hệ thống chính trị và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.
Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết, ngay trong sáng 31/7, huyện đã tổ chức cuộc họp giao ban với các xã, thị trấn để quán triệt Chỉ thị 05-CT/TU của Thành ủy Hà Nội, đồng thời, yêu cầu các xã, thị trấn triển khai mạnh mẽ hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Huyện huy động tối đa sự tham gia của lực lượng dân quân tự vệ, dân phòng, đội tự quản, các đoàn viên, hội viên, nhất là đoàn thanh niên tình nguyện, cựu chiến binh…, đặc biệt sự tự nguyện tham gia của nhân dân trong việc kiểm soát, giám sát người dân trong ngõ, xóm; qua đó, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, vừa giảm tải cho lực lượng chính quy, lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Theo lãnh đạo huyện Mê Linh, để thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội trong thời gian 15 ngày, từ ngày 24/7, UBND huyện chỉ đạo thành lập các chốt kiểm soát để quản lý chặt người ra, vào địa bàn. Ngoài các chốt do Công an Thành phố lập tại điểm tiếp giáp với tỉnh Vĩnh Phúc, huyện còn thành lập 3 chốt cấp huyện và 182 chốt tại các xã, thị trấn. Riêng tại 18 xã, thị trấn, hiện đang duy trì 3 loại chốt, gồm chốt cứng kiểm soát người từ xã này sang xã khác, chốt mềm kiểm soát người ra, vào thôn và 1 số chốt "chết" không cho người, phương tiện ra vào các đường ngang, ngõ tắt.
- Cập nhật dịch Covid-19 tối 31/7: Hà Nội ghi nhận 74 ca dương tính với SARS-CoV-2 trong ngày
- Hà Nội xử phạt vi phạm trên 8 tỷ đồng sau hơn một tuần thực hiện giãn cách xã hội
- Cầu thủ HAGL ra Hà Nội tập trung sớm cùng tuyển Việt Nam
Những ngày qua, các lực lượng trực chốt đã duy trì trực 24/24 giờ, kiểm soát chặt chẽ người ra, vào địa bàn và hạn chế người, địa phương ra ngoài khi không thực sự cần thiết. Tất cả các đối tượng tham gia giao thông phải xuất trình giấy tờ đi đường theo đúng chỉ đạo của Trung ương, thành phố và của huyện. Tính đến ngày 30/7, các tổ tuần tra, kiểm tra đã xử phạt khoảng 130 người không đeo khẩu trang, ra ngoài đường không cần thiết với số tiền gần 120 triệu đồng.
Bên cạnh đó, 99 Tổ COVID-19 cộng đồng luôn giám sát chặt chẽ 243.717 người đang có mặt trên địa bàn, đặc biệt có 44.950 người thuộc nhóm nguy cơ cao như: Đang ở địa phương có dịch; công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp; người thường xuyên đi làm ăn, buôn bán ở các địa phương khác; người đang tạm trú trên địa bàn…
Để đảm bảo hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, huyện Mê Linh đã chủ động các phương án dự trữ, huy động nguồn cung, bình ổn thị trường. Tại các chợ, siêu thị trên địa bàn huyện lượng hàng hóa vẫn dồi dào, phong phú đáp ứng đầy đủ các nhu cầu thiết yếu của nhân dân.
Đặc biệt, trước tình hình lây nhiễm dịch COVID-19 tại các khu công nghiệp và chế xuất, UBND huyện Mê Linh đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các doanh nghiệp trong Khu Công nghiệp Quang Minh để triển khai các biện pháp cấp bách về phòng, chống dịch.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết, trong đợt dịch thứ 4 này (tính từ ngày 05/7/2021 đến nay), trên địa bàn huyện đã ghi nhận 4 ca mắc trong cộng đồng. Thời gian qua, huyện ghi nhận, đánh giá cao sự chủ động, quyết liệt và tinh thần phối hợp chặt chẽ của các doanh nghiệp với chính quyền huyện trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Với gần 200 doanh nghiệp hoạt động và hơn 40 nghìn công nhân thường xuyên đi lại giữa các các địa phương khác nhau đến làm việc, huyện nhận định Khu Công nghiệp Quang Minh là địa bàn có nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh COVID-19. Vì vậy, huyện luôn chú trọng và xây dựng các phương án phòng, chống dịch ở các cấp độ cao nhất để tránh bị động.
Huyện đã ưu tiên nguồn lực tổ chức tiêm phòng cho gần 16.000 công nhân thuộc 93 công ty, doanh nghiệp trong khu công nghiệp này; đồng thời đề nghị các doanh nghiệp chủ động xây dựng và sẵn sàng thực hiện phương án "3 tại chỗ" (sản xuất, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ). Kiểm soát chặt chẽ công nhân, người ra vào doanh nghiệp; yêu cầu người lao động ký cam kết với công ty, công ty ký cam kết với huyện về việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Y tế.
Huyện Mê Linh cũng yêu cầu các doanh nghiệp kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của doanh nghiệp do người đứng đầu doanh nghiệp làm Trưởng Ban chỉ đạo; duy trì và tăng cường hiệu quả hoạt động của 851 "Tổ an toàn COVID-19"; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong công tác điều tra, truy vết các trường hợp liên quan đến ca mắc COVID-19; chủ động xét nghiệm thường xuyên cho công nhân để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp nghi ngờ; tiếp tục đồng hành, ủng hộ kinh phí và hỗ trợ nhân lực, vật tư cùng chính quyền và ngành y tế của huyện tổ chức tiêm phòng vaccine cho công nhân, người lao động và nhân dân để huyện Mê Linh sớm đạt được miễn dịch cộng đồng, nhanh chóng ổn định đời sống, ổn định sản xuất.
Ghi nhận thực tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Mê Linh, đa số người dân đều thực hiện khá tốt các biện pháp phòng, chống dịch. Ngay sau khi có Chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu chấp hành nghiêm quy định, tạm ngừng hoạt động. UBND các xã, thị trấn bố trí lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra gắn với tuyên truyền, nhắc nhở, lập biên bản xử lý đối với cơ sở không chấp hành.
Ông Lê Xuân Hùng - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Mê Linh cho biết, để người dân hiểu và thực hiện hiệu quả Chỉ thị 17, Trung tâm đã triển khai đa dạng nhiều hình thức tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, cổng thông tin điện tử, xe ô tô lưu động và phát tờ rơi đến các hộ dân.
Cụ thể, đơn vị bố trí 3 xe ô tô, tập trung tuyên truyền lưu động liên tục trong suốt 15 ngày thực hiện giãn cách, trên khắp trục đường chính của huyện, các tuyến đường liên xã, khu đông dân cư, các chợ dân sinh...Đồng thời, tăng thời lượng phát sóng trên hệ thống truyền thanh từ huyện đến cơ sở (từ 5 - 10 lần/ngày) để cập nhật thường xuyên, liên tục các văn bản chỉ đạo về công tác phòng chống dịch; diễn biến tình hình dịch (thông tin về các trường hợp F0, F1, F2 trên địa bàn để nhân dân biết, quản lý, giám sát); mức xử phạt các hành vi vi phạm quy định về phòng, chống dịch…
Theo ông Lê Đức Tuấn - Trưởng thôn Đường 23 xã Thanh Lâm, thực hiện Chỉ thị 17 của UBND thành phố, từ ngày 24/7, các thành viên trong Tổ COVID cộng đồng thôn Đường 23 đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm việc giãn cách xã hội. Ngoài việc tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, các thành viên trong tổ còn phát tờ rơi đến từng hộ gia đình, kết hợp tuyên truyền qua tin nhắn mạng... Cùng với đó, các thành viên Tổ COVID cộng đồng cũng thường xuyên tuần tra, nhắc nhở các hộ ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết. "Có thể khẳng định, việc chấp hành quy định của thành phố và huyện về giãn cách xã hội đã được cán bộ và nhân dân trong thôn Đường 23 thực hiện nghiêm túc để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng", ông Tuấn cho biết.
* Sáng 1/8, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã có công văn gửi các đơn vị liên quan về việc triển khai thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố Phan Thiết theo Chỉ thị số 16/CT-TTg để phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, tại thành phố Phan Thiết trong những ngày qua đã xuất hiện thêm một số ca nhiễm mới trong cộng đồng, chưa xác định rõ nguồn lây; Do đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố Phan Thiết từ 00 giờ ngày 2/8/2021 theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thời gian giãn cách là 14 ngày; theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; tổ dân phố cách ly với tổ dân phố; khu phố - thôn cách ly với khu phố - thôn; xã - phường cách ly với xã - phường; thành phố Phan Thiết cách ly với các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh.
Nhằm giảm thiếu tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố Phan Thiết tiến hành phong tỏa ngay các khu vực liên quan đến các ca nghi nhiễm có tiếp xúc, có nguy cơ lây lan dịch bệnh cao; đồng thời, khẩn trương xác định nguồn lây, rà soát, truy vết tất cả các trường hợp có tiếp xúc với các ca nghi nhiễm, lấy mẫu xét nghiệm, thực hiện cách ly y tế và quản lý chặt chẽ theo đúng quy định. Tiến hành khử khuẩn các khu vực có liên quan.
Yêu cầu người dân trên địa bàn thành phố Phan Thiết ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp cần thiết như: Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; làm việc tại các cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang...; trường hợp ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét.
Ủy ban nhân dân thành phố Phan Thiết phối hợp với Sở Công Thương, làm việc với các cơ sở cung ứng hàng hóa thiết yếu (siêu thị, cửa hàng tiện ích,..) để đảm bảo nhu yếu phẩm, các điều kiện cần thiết phục vụ người dân, nhất là trong những ngày đầu áp dụng giãn cách xã hội toàn thành phố, không để tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm cung cấp cho người dân. Đối với hoạt động của chợ truyền thống, chợ dân sinh: Phải rà soát toàn bộ chợ hiện có để khẩn trương điều chỉnh phương án tổ chức hoạt động; trong đó chỉ cho phép hoạt động các gian hàng bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, tổ chức lưu thông 1 chiều, hạn chế số lượng người vào chợ, đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt. Tăng cường các điểm bán hàng lưu động, khuyến khích người dân mua hàng trực tuyến hoặc có hình thức “đi chợ thay”.
Trong sáng 1/8, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận có công văn hỏa tốc yêu cầu người về từ tỉnh Đồng Nai nhanh chóng liên hệ trực tiếp cơ quan y tế để khai báo y tế. Công an tỉnh khẩn trương thực hiện trích xuất camera dọc quốc lộ 1A, đoạn qua tỉnh Bình Thuận để đánh giá số lượng người về từng huyện, thành phố, ghi nhận biển số xe của Bình Thuận để cung cấp thông tin cho các huyện, thành phố biết, nhanh chóng truy vết.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong ngày 1/8/2021, huy động cả hệ thống chính trị, Tổ giám sát COVID-19 cộng đồng khẩn trương đi từng ngõ, gõ từng nhà, tập trung rà soát, yêu cầu người về từ tỉnh Đồng Nai khai báo y tế và đưa đi cách ly tập trung theo quy định...
Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế Bình Thuận, tính đến sáng 1/8, toàn tỉnh đã ghi nhận 601 ca mắc COVID-19 và 32 trường hợp nghi mắc; trong đó thị xã La Gi địa phương có số ca mắc nhiều nhất tỉnh với 503 ca mắc và 31 trường hợp nghi mắc. Để đảm bảo tốt nhất công tác phòng, chống dịch COVID-19, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận quyết định giãn cách xã hội toàn thị xã La Gi theo Chỉ thị 16 từ 00 giờ ngày 29/7.
TTXVN