loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Theo kế hoạch, năm 2020, dự án Sây bay Long Thành sẽ khởi công, chậm nhất là năm 2025 đưa vào khai thác. Nhằm hiện thực hóa điều này, ngành chức năng đang tập trung giải quyết các thủ tục, giải phóng mặt bằng.
Ngày 26/9, Hội đồng Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã tổ chức kỳ họp, thông qua các nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính 6 xã gồm Bình Sơn, Suối Trầu, Cẩm Đường, Long An, Long Phước, Bàu Cạn thuộc huyện Long Thành để thực hiện dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Ngoài ra, để tạo sinh kế ổn định cho người dân khi đến nơi ở mới, các cấp, các ngành đã và sẽ triển khai nhiều giải pháp nhằm giúp người dân có việc làm, đảm bảo thu nhập lâu dài.
Sân bay Long Thành có tổng diện tích hơn 5.000 héc ta. Để thực hiện dự án, ngành chức năng phải thu hồi đất của tổ chức, cá nhân tại 6 xã của huyện Long Thành, sẽ có hàng nghìn nhân khẩu phải di dời. Bao năm qua, hầu hết người dân trong vùng dự án sống dựa vào nông nghiệp. Khi rời đi, cơ hội việc làm với người trẻ rộng mở, song với những người lớn tuổi, luôn canh cánh nỗi lo thất nghiệp, cuộc sống khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Bảo, ấp 1, xã Bình Sơn (trước đây là xã Suối Trầu), huyện Long Thành, năm nay đã 45 tuổi. Gia đình ông Bảo hiện có 2 ha đất trồng điều với thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm. Vì đất nhà ông Bảo nằm trong vùng lõi sân bay, nên tới đây gia đình ông sẽ được bố trí vào khu tái định cư.
Ông Bảo chia sẻ: Sân bay Long Thành là dự án lớn của Nhà nước, gia đình tôi đồng thuận với chủ trương của Đảng, Chính phủ. Khi rời đi Nhà nước sẽ đền bù, chúng tôi có số tiền lớn, nhưng tiền sử dụng rồi cũng hết. Gia đình tôi có 4 người, 2 vợ chồng đều trên 40 tuổi, các con đang trẻ, nhưng trình độ văn hoá thấp, đang làm nông nghiệp cùng bố mẹ. Mong rằng khi về khu tái định cư, các cấp chính quyền quan tâm, giúp người lớn tuổi có việc làm phù hợp, người trẻ thì được đào tạo nghề để có công việc ổn định.
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, trước đây Đồng Nai đã thống kê sơ bộ về tình trạng dân cư của người dân vùng dự án Sân bay Long Thành. Tuy nhiên, để có những số liệu chính xác, thực chất nhất, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Đồng Nai đang phối hợp cùng các đơn vị trong tỉnh thực hiện công tác điều tra, khảo sát, thu thập thông tin về số hộ, độ tuổi, nhu cầu việc làm của người dân vùng dự án; thống kê nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp tại các khu vực lân cận.
Đến nay, ngành chức năng đã thống kê được hơn 2.500 hộ chịu ảnh hưởng khi xây sân bay, các hộ này có gần 6.000 người từ 15 tuổi trở lên, hầu hết người dân sống dựa vào nông nghiệp. Các doanh nghiệp ở đây đang tuyển nhiều lao động, chỉ riêng Công ty Chang Shin Việt Nam (Khu công nghiệp Lộc An – Bình Sơn) cần tuyển gần 10.000 người.
Khi hoàn thành công tác điều tra, thu thập thông tin, cơ quan chức năng sẽ liên hệ và cung cấp thông tin cho người dân, doanh nghiệp và các trường, trung tâm đào tạo nghề, từ đó kết nối cung – cầu lao động, đào tạo nghề cho người dân.
Theo Đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm và tổ chức lại cuộc sống của người dân thuộc dự án Sân bay Long Thành, kể từ ngày có quyết định thu hồi đất, mỗi người dân trong vùng dự án khi tham gia học trung cấp và cao đẳng sẽ được tỉnh Đồng Nai hỗ trợ học phí 1 khóa đào tạo, học sơ cấp nghề dưới 3 tháng được hỗ trợ 3 triệu đồng. Sau khoá học, nếu người dân có nhu cầu vay vốn sẽ được hưởng chính sách vay ưu đãi như hộ nghèo. Những trường hợp muốn đi làm việc ở nước ngoài, tỉnh sẽ hỗ trợ chi phí học nghề, học ngoại ngữ và các chi phí liên quan.
Ông Phạm Văn Cộng, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Đồng Nai cho biết: Xác định chăm lo, tạo việc làm cho người dân sau di dời, nhường đất xây Sân bay Long Thành là nhiệm vụ trọng tâm nên Đồng Nai nghiên cứu rất kỹ, quyết định xây dựng Khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn ở vị trí thuận lợi. Đối diện và gần khu tái định cư này có nhiều khu công nghiệp như: Lộc An – Bình Sơn, Long Đức, Long Thành, các doanh nghiệp tại đây đang cần tuyển hàng chục nghìn công nhân. Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng đang bàn bạc vấn đề khó khăn trong việc chuyển đổi nghề nghiệp đối với người dân trong vùng dự án là những người có độ tuổi 40 trở lên, bởi hầu hết doanh nghiệp không tiếp nhận lao động trên 40 tuổi.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh, tạo việc làm cho lao động lớn tuổi khu vực Sân bay Long Thành là vấn đề được các bộ, ngành, lãnh đạo Đồng Nai đặc biệt quan tâm. Để giải quyết, tỉnh Đồng Nai sẽ dành hàng trăm ha đất thành lập hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao, bố trí người lớn tuổi vào hợp tác xã, tiếp tục sản xuất nông nghiệp. Với học sinh chưa đủ tuổi lao động, Đồng Nai sẽ phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các cơ sở giáo dục nhằm tư vấn nghề nghiệp, đặc biệt là những nghề liên quan đến dự án, để khi sân bay đi vào hoạt động, ngành chức năng ưu tiên bố trí việc làm cho các em.
Công Phong/TTXVN
loading...