loading...
Tiếp nối đà giảm mạnh đêm trước của thị trường vàng New York, giá vàng châu Á trong phiên 7/9 đã giảm 2% (tương đương gần 100 USD) từ mức cao kỷ lục 1.920 USD/ounce ghi ngay phiên trước đó.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Theo nhận định của giới phân tích, giá vàng sở dĩ "lao dốc" không phanh như vậy là do hoạt động bán ra mang tính kỹ thuật trên thị trường giao dịch vàng chủ chốt của châu Á là Singapore và Hong Kong.
Mở đầu phiên giao dịch 7/9 tại Hong Kong, giá vàng giao ngay giảm khá mạnh 20,46 USD xuống 1.878,06 USD/ounce, tính theo tỷ giá mới nhất là 1 USD đổi 7,795 đôla Hong Kong (HKD), theo đà giảm đêm trước tại thị trường phương Tây.
Vào lúc 5 giờ 59 phút GMT tại Singapore (gần 1 giờ chiều tính theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay đã giảm gần 40 USD chỉ trong vòng hai phút sau khi giá vàng Mỹ kỳ hạn giao dịch điện tử tại đây để tuột mất khoảng 50 USD trên mỗi ounce chỉ trong ba phút.
Một nhà kinh doanh tại Sydney cho rằng sự tuột dốc của giá vàng trong phiên 7/9 hoàn toàn là do yếu tố kỹ thuật chứ không phản ánh bất kỳ một thay đổi nào về những vấn đề chủ chốt đang chi phối thị trường vàng hiện nay, như cuộc khủng hoảng nợ trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) hay yếu tố cung-cầu trên thị trường.
Chốt phiên 6/9 tại sàn giao dịch kim loại thuộc Thị trường hàng hóa New York (COMEX), giá vàng giao tháng 12/2011 đã giảm 3,6 USD (tương đương 0,2%) xuống 1.873,3 USD/ounce, sau khi trong phiên có lúc chạm mức cao kỷ lục 1.923,70 USD/ounce, do đồng USD tăng giá làm giá vàng trở nên đắt đỏ, kém hấp dẫn giới đầu tư.
Giới kinh doanh đang nói đến khả năng có 4.000 lô vàng đã được bán tháo tại COMEX.
Hiện cũng xuất hiện những dấu hiệu cho thấy giới đầu tư ngày càng lo lắng hơn khi đã tham gia hoạt động mua vàng ồ ạt trong thời gian gần đây.
Các chuyên gia phân tích thị trường cho rằng mặc dù giá vàng tăng mạnh lúc đầu phiên 6/9, khi Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ thông báo áp đặt tỷ giá hối đoái tối thiểu giữa đồng franc Thụy Sĩ với đồng euro, khiến đồng franc mất vị thế là "thiên đường đầu tư" và dồn hết nguồn vốn vào vàng, song sự mạnh lên của đồng USD sau đó đã thúc đẩy hoạt động bán ra vàng để chốt lời.
Thêm vào đó, giá vàng còn chịu áp lực bởi số liệu lạc quan từ Viện Quản lý Nguồn cung Mỹ (ISM). Theo đó, chỉ số của lĩnh vực dịch vụ của nước này đã tăng từ 52,7% tháng 7/2011 lên 53,3% tháng 8/2011, trái ngược với dự báo giảm trước đó của giới chuyên gia kinh tế.
SPDR Gold Trust, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới, vừa cho biết lượng vàng quỹ này nắm giữ vẫn không thay đổi kể từ cuối tháng 8/2011, với 1.232.314 tấn.
Trong tháng 8/2011, lượng vàng mà SPDR nắm giữ đã giảm mạnh nhất kể từ tháng 1/2011.
Theo TTXVN
loading...