loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Thông tin từ Bộ Y tế cho biết: Tính đến 6 giờ ngày 16/3, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 1.596 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước. Số ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 903 ca.
Thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết: Tính đến 6 giờ ngày 8/3, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 1.585 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước. Số ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 892 ca.
Tính từ 18 giờ ngày 15/3 đến 6 giờ ngày 16/3, nước ta ghi nhận thêm 2 ca mắc mới COVID-19 do lây nhiễm trong nước tại Hải Dương (bệnh nhân 2.558 -2.559).
Cả 2 ca bệnh này đều ở tại xã Kim Đính, huyện Kim Thành, đã được cách ly trước đó. Trong đó, bệnh nhân 2.558 là F1 của ca bệnh 2.484 và 2.471. Bệnh nhân 2.559 là F1 của ca bệnh 2.467.
Ngày 14/3, cả 2 bệnh nhân trên được lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm ngày 15/3 của cả 2 bệnh nhân là dương tính với SARS-CoV-2. Hiện 2 bệnh nhân đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 3 - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương cơ sở 2.
Đến thời điểm này, nước ta còn 39.613 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly). Trong đó có 503 người cách ly tập trung tại bệnh viện; 16.056 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 23.054 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này nước ta đã chữa khỏi 2.115 bệnh nhân COVID-19.
Trong số các bệnh nhân còn lại đang điều trị tại cơ sở y tế, có 42 trường hợp đã âm tính lần 1 với SARS-CoV-2; có 22 người âm tính lần 2 và 110 người âm tính lần 3. Hiện các y bác sĩ vẫn luôn nỗ lực, cố gắng để điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Theo thông tin từ Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, đã có thêm 4.260 người được tiêm chủng an toàn vaccine COVID-19 trong ngày 15/3.
Như vậy, sau một tuần triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, có tổng cộng 15.865 người đã được tiêm ở 12 tỉnh, thành phố là: Hải Dương, Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Gia Lai, Long An, Đà Nẵng, Hoà Bình và Khánh Hoà.
Đối tượng được tiêm là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19; nhân viên y tế thực hiện nhiệm lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết; thành viên các tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch.
Trong ngày 15/3, Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia đã ghi nhận các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng thông thường với các dấu hiệu như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, phát ban, đau cơ, đau đầu, tiêu chảy… tương tự như thông báo của nhà sản xuất vaccine AstraZeneca.
Các thông điệp tư vấn và hướng dẫn theo dõi phản ứng sau tiêm của loại vaccine xin mới này được các cán bộ y tế truyền tải đến từng người đi tiêm. Vì vậy, các dấu hiệu bất thường về sức khỏe sau tiêm vaccine COVID-19 đều được người đi thông báo ngay cho các cơ sở y tế để kịp thời xử lý theo đúng quy định, giúp những trường hợp có phản vệ độ 2 và 3 sớm ổn định sức khoẻ.
Để sống chung an toàn với đại dịch COVID-19, người dân cần tuân thủ thực hiện nguyên tắc 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang -Khử khuẩn -Khoảng cách –Không tập trung - Khai báo y tế.
TTXVN
loading...