Gần ba triệu người dân Hà Nội đã được làm thủ tục cấp căn cước công dân
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 20/4, Đại tá Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết: "Chiến dịch" cấp căn cước công dân có gắn chíp trên toàn địa bàn thành phố đang được thực hiện khẩn trương, bài bản, khoa học với ý chí quyết tâm cao của toàn lực lượng Công an Thủ đô. Để hoàn thành nhiệm vụ cấp căn cước công dân trên toàn địa bàn thành phố trước ngày 1/7/2021, Công an thành phố Hà Nội rất mong có sự phối hợp, ủng hộ của nhân dân.
Theo Đại tá Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, tính đến nay, toàn bộ lực lượng Công an Thủ đô đã triển khai làm thủ tục hồ sơ cấp căn cước công dân cho khoảng 3 triệu người dân trên địa bàn thành phố.
Theo kế hoạch, đến tháng 6/2021, Công an thành phố Hà Nội sẽ cấp 6,5 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp cho người dân. Để thực hiện thắng lợi "chiến dịch" cấp căn cước công dân, Công an thành phố Hà Nội đang tận dụng và huy động tối đa nhân lực, công suất của máy móc, dây chuyền hiện đại để thực hiện nhiệm vụ này.
Đặc biệt, trong suốt "chiến dịch", Công an thành phố cùng Công an các quận, huyện, thị xã đã có nhiều cách làm mới để đẩy nhanh tiến độ cấp căn cước công dân trên toàn địa bàn, cũng như giảm thời gian, chi phí đi lại, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Cụ thể, trong những ngày qua, với phương châm "đông làm trước, nhỏ lẻ làm sau", các đội làm thủ tục cấp căn cước công dân thuộc Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an thành phố Hà Nội), Công an quận Long Biên... đã tập trung làm thủ tục cho cán bộ, công nhân viên ở ngay trụ sở các bộ, ban, ngành Trung ương và các trường học, cơ quan, xí nghiệp.
Ghi nhận lúc 7 giờ 30 phút sáng 20/4, tại điểm cấp căn cước công dân ở trụ sở cơ quan Thông tấn xã Việt Nam (số 5 Lý Thường Kiệt, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội), công tác làm thủ tục cấp căn cước công dân được thực hiện rất khẩn trương. Các công việc nhập dữ liệu, kiểm tra giấy tờ, lấy dấu vân tay... được lực lượng công an phối hợp nhịp nhàng, tạo thành một quy trình khép kín để tạo thuận lợi nhất cho cán bộ, công nhân viên Thông tấn xã Việt Nam, phù hợp với đặc thù công việc của cơ quan báo chí.
- VIDEO: Gỡ vướng khi làm thẻ căn cước công dân
- Những thay đổi trong thủ tục cấp thẻ căn cước công dân mới
Trên bàn máy tính luôn sáng đèn, tay thoăn thoắt nhập số liệu, Thiếu tá Trần Thị Lệ Quyên, cán bộ Đội 2, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an thành phố Hà Nội) chia sẻ: Những ngày này, mỗi cán bộ, chiến sĩ chúng tôi khi triển khai thủ tục cấp căn cước công dân đều làm việc với ý chí quyết tâm rất cao để thực hiện thắng lợi "chiến dịch" cấp căn cước công dân có gắn chíp mà lãnh đạo Bộ Công an, Ban Giám đốc Công an thành phố Hà Nội giao phó, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đi làm thủ tục, giao dịch, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử.
Xếp hàng đợi đến lượt, anh Trần Công Đạt, phóng viên Báo Ảnh Việt Nam (Thông tấn xã Việt Nam) cho biết, mặc dù lượng người đến làm thủ tục khá đông nhưng các cán bộ công an làm nhiệm vụ tại đây làm việc rất khoa học, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến làm thủ tục. Đặc biệt, một số người cao tuổi là thân nhân cán bộ, công nhân viên Thông tấn xã Việt Nam đến làm thủ tục được các cán bộ công an hướng dẫn tận tình.
Cũng theo Đại tá Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, trong suốt quá trình triển khai "chiến dịch" cấp căn cước công dân (từ ngày 1/1/2021 đến nay), kết thúc mỗi ngày làm việc, các đơn vị đều khẩn trương gửi dữ liệu thu được về Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội) để tập hợp thông tin làm thẻ căn cước công dân gắn chíp kịp thời cho công dân. Đặc biệt, liên quan đến thông tin trên mạng xã hội về việc có thể làm căn cước công dân “số đẹp”, Đại tá Nguyễn Hồng Ky khẳng định, trong dãy 12 chữ số trên căn cước chính là mã số định danh của công dân, 6 số cuối cùng được hệ thống lựa chọn ngẫu nhiên, bởi vậy tuyệt đối không có chuyện chọn “số đẹp”.
Ngoài ra, theo Đại tá Nguyễn Hồng Ky, phần mềm làm căn cước công dân do Bộ Công an triển khai có tính bảo mật cao, số thứ tự căn cước công dân theo trình tự nên không có việc can thiệp hay tác động làm thay đổi. Ngoài ra, số thứ tự trên căn cước công dân đã được định dạng sẵn trong phần mềm, theo thứ tự. Do vậy, người dân không nên tin vào những thông tin không chính thống. Cơ quan công an đang điều tra làm rõ những thông tin trên mạng xã hội đăng tải về việc có thể làm căn cước công dân “số đẹp”, để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật./.
Nguyễn Thắng - TTXVN