ECCC phán quyết các cựu lãnh đạo Khmer Đỏ phạm tội diệt chủng
(Thethaovanhoa.vn) - Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, sáng 16/11, Tòa án đặc biệt tại Tòa án Campuchia (ECCC) đã ra phán quyết các cựu lãnh đạo Khmer Đỏ Khieu Samphan và Nuon Chea phạm tội ác diệt chủng trong Vụ án 002/02 và kết án tù chung thân.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử tòa kết án các cựu lãnh đạo Khmer Đỏ tội danh này. Dự kiến tòa cũng sẽ ra phán quyết về các tội danh Tội ác Chống nhân loại và Tội ác Chiến tranh đối với hai nhân vật này.
Phát biểu tại họp báo, phát ngôn viên Tòa sơ thẩm của ECCC, ông Neth Pheaktra cho biết phiên tòa có sự tham gia chứng kiến của các quan chức Liên hợp quốc, đại diện chính phủ và đại diện các đại sứ quán, cùng khoảng 500 người dân Campuchia.
Ông Neth Pheaktra khẳng định: “Phán quyết trên là một sự kiện lịch sử đối với ECCC, Campuchia, thế giới và cho cả công lý quốc tế. Nếu không có khiếu nại nào, bản án sẽ lập tức có hiệu lực. Trong trường hợp ngược lại, đơn khiếu kiện sẽ được nộp lên Toà án Tối cao."
Theo quan chức trên, để có thể đưa ra kết quả và kết thúc vụ án, tòa đã mất 283 ngày điều tra, xét hỏi, trong khoảng thời gian từ ngày 17/10/2014-11/1/2017.
Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã lấy lời khai của 185 người, trong đó 114 nhân chứng, 63 người thuộc diện dân sự, 8 chuyên gia.
Ông cho biết vụ án 002/02 đã phải trả qua thời gian dài để điều tra xét xử vì tính chất phức tạp, có nhiều cá nhân có liên quan, và nhiều nạn nhân, nhiều tài liệu và phiên tòa phải tiến hành việc chuyển ngữ bằng ba thứ tiếng.
Giám đốc Trung tâm Tài liệu của Campuchia (DC-Cam), ông Youk Chhang (Giúc Chang) bày tỏ hy vọng phán quyết sẽ kết thúc "câu chuyện buồn ở đất nước chúng tôi, dù vết thương rất sâu, nhưng nó đã kết thúc.”
ECCC là tòa án đặc biệt tại Campuchia do Liên hợp quốc và Chính phủ Campuchia lập ra từ năm 2006, nhằm xét xử tội ác của các lãnh đạo Khmer Đỏ gây ra dưới thời diệt chủng.
Theo một báo cáo của ECCC, tổng chi phí cho tòa kể từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 2006-2017 là 318,9 triệu USD, trong đó Nhật Bản đóng góp nhiều nhất với 29%, tiếp đó là các nước như Mỹ và Australia.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ECCC đã nhiều lần phải tạm ngưng hoạt động do thiếu hụt nguồn ngân quỹ hoạt động, đặc biệt là chi phí trả lương cho đội ngũ nhân viên pháp lý Campuchia.
TTXVN