Dưa vàng nhiễm khuẩn listeria chưa có ở Việt Nam
Ảnh minh họa. |
Cục an toàn Vệ sinh Thực phẩm đang phân tích và theo dõi sát hằng ngày vấn đề này và cập nhật những thông tin mới nhất để cung cấp đến cho người dân.
Về vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân, ông Khẩn cho hay Cục an toàn Vệ sinh Thực phẩm đã liên hệ và phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các ngành khác cảnh báo và thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ vấn đề nhập khẩu các loại thực phẩm nhập từ nước ngoài.
Để người dân hiểu rõ hơn về dịch bệnh này, Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm cung cấp thêm một số thông tin cảnh báo nhanh cùng những biện pháp phòng chống.
Bệnh do Listeria là bệnh gây nhiễm khuẩn rầm rộ với biểu hiện chủ yếu là hội chứng viêm não, màng não hay nhiễm khuẩn huyết, có thể gây viêm mủ ở da, viêm hạch lympho và cơ quan nội tạng.
Thời gian ủ bệnh từ vài ngày tới hàng tháng. Khoảng 10% người nhiễm vi khuẩn nhưng không có triệu chứng bệnh.
Bệnh dịch thường xuất dưới dạng ca bệnh tản phát hay vụ dịch nhỏ hoặc vừa do ăn phải thực phẩm, nước uống hoặc qua bàn tay, dụng cụ ô nhiễm Listeria.
Trực khuẩn Listeria monocytogenes, được phát hiện vào năm 1926. Vi khuẩn này có sức đề kháng cao, tồn tại lâu dài trong động vật, đất, nước, rơm cỏ khô, thực phẩm sống bảo quản đông lạnh, trên da và ở bàn tay con người.
Mọi người đều có thể bị nhiễm và mắc bệnh này. Tỷ lệ mắc cao ở người cao tuổi, do họ có cơ địa suy giảm miễn dịch. Tỷ lệ tử vong ở trẻ (30-50%) và tới 63% ở những người mắc bệnh trên 60 tuổi. Người mắc bệnh hoặc mang khuẩn có thể thải Listeria theo phân và nước tiểu từ vài ngày tới hàng tháng.
Những người mắc dịch bệnh trên được điều trị đặc hiệu dùng kháng sinh nhóm Beta lactam, cephalosporin, ofloxacin… Hiện Listeria đã kháng với một số kháng sinh thông thường, vậy nên việc điều trị phải theo kháng sinh đồ.
Hiện nay, những thực phẩm có nguồn gốc động vật như thịt, sữa tươi, sản phẩm sữa, trứng và các loại rau quả có nguy cơ ô nhiễm Listeria. Hiện chưa có vắcxin phòng bệnh do các Listeria.
Để dự phòng bệnh cần thực hiện các biện pháp như: bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm ở các khâu chế biến, vận chuyển, phân phối, tiêu dùng thịt tươi, sữa tươi và sản phẩm sữa, trứng, các loại rau quả tươi sống.
Thực hiện ăn chín, uống chín, sử dụng nước sạch và nguyên liệu thực phẩm an toàn để chế biến thức ăn. Rửa sạch tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh bằng xà phòng ít nhất 20 giây.
Giữ vệ sinh dụng cụ chế biến, chứa đựng và tủ lạnh bảo quản thức ăn ăn ngay; để riêng thực phẩm sống và chín, thực phẩm cũ và mới; bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ an toàn.
Trường hợp nào khi có những biểu hiện của bệnh trên cần đến các cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị sớm.
Theo công bố của Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC), đến ngày 29/9 đã phát hiện 72 trường hợp bệnh nhân nhiễm khuẩn Listeria tại 18 bang của nước Mỹ trong đó có 13 người bị chết, và còn 3 trường hợp tử vong khác có liên quan đến vi khuẩn Listeria. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) thông báo hiện chỉ xác định được số dưa vàng Cantaloupe nhiễm khuẩn listeria được thu hồi có dán nhãn “Colorado Grown” của trang trại Jensen, ở bang Colorado. FDA vẫn đang tiếp tục điều tra để xác định nguồn gốc thực phẩm nhiễm khuẩn Listeria khác trong vụ dịch. |