(Thethaovanhoa.vn) - Để đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo sự hấp dẫn du khách, hướng phát triển du lịch đường sông TP.HCM được thúc đẩy từ năm ngoái. Theo đó, các hạng mục cần đầu tư được định hướng đến năm 2020 dự kiến khoảng 1.000 tỷ đồng vốn ngân sách và 10.000 tỷ đồng vốn xã hội để phát triển du lịch đường sông. Thế nhưng câu chuyện du lịch sông không hề đơn giản.
Thực tế, nhiều tour du lịch trên sông mới đưa vào khai thác đã phải chấp nhận chết “yểu” do không có khách, chi phí tour cao hơn đường bộ, đòi hỏi nguồn nhân lực có tay nghề và chi phí cũng cao hơn…
Kỳ vọng lớn - thất vọng nhiều...
Mới năm ngoái, Sở Du lịch TP. HCM đã khai trương tuyến du lịch đường thủy nội đô trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dài 4,5 km đi qua địa bàn các quận 1, 3, Bình Thạnh và Phú Nhuận. Theo kỳ vọng, chương trình sử dụng thuyền chèo tay, hạn chế sử dụng thuyền có động cơ để tránh ảnh hưởng môi trường sinh thái. Du khách có thể được ngắm thành phố hiện đại hai bên bờ sông, nghe đàn ca tài tử, được kể về những câu chuyện gắn liền với sự hình thành và phát triển của tuyến kênh cũng như lịch sử phát triển của Sài Gòn - TP.HCM.
Năm 2015, Sở Du Lịch TP. HCM đã khai trương tuyến du lịch đường thủy nội đô trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dài 4,5 km
Thế nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, tuyến du lịch này gần như đóng cửa vì không có khách. Ai cũng có thể đoán được cái chết “yểu” với tuyến tour du lịch này vì dòng kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè đang bị ô nhiễm nặng trở lại, có thời điểm cá chết đặc kênh khiến hôi thối vô cùng. Trong khi chưa thể xử lý nước thải một cách triệt để trước khi đổ vài kênh, việc khai thác du lịch trên đoạn kênh này là vô cùng khó khăn. Bến du thuyền này xây dựng ven kênh dự định chuyển qua bán cà phê nhưng cũng không được cấp phép, ai đi qua cũng thấy sự buồn tẻ hắt hiu.
Còn trước đó, Công ty CP Du thuyền Hoàng Gia cũng đã tưng bừng khai trương, với đội tàu gần chục chiếc du thuyền các loại, có bến xuất phát từ khu vực Khu du lịch Tân Cảng, nằm dưới chân cầu Sài Gòn. Vậy nhưng, cũng rất nhanh sau đó, đội tàu du thuyền của Hoàng Gia cũng đã biến mất và trụ bảng hiệu cầu cảng của Du thuyền Hoàng Gia cũng được gỡ đi.
Du thuyền của Hoàng Gia được đầu tư bài bản nhưng cũng phải đóng cửa vì không hiệu quả Trong một nỗ lực rất lớn, cũng vào năm ngoái Tp.HCM đã đưa vào hoạt động 7 tuyến du lịch đường sông xuất phát từ bến Bạch Đằng đến các điểm: Đại lộ Đông Tây, Khu Đô thị mới Phú Mỹ Hưng, Bình Quới, Nhà vườn Long Phước (Quận 9), Địa đạo Củ Chi, Đồng bằng sông Cửu Long - Long An, Cần Giờ. Một trong những điểm đột phá được kỳ vọng của du lịch đường sông Tp.HCM là Cần Giờ. Mặc dù vậy, khả năng khai thác các tuyến tour sông về đây còn hạn chế.
Chi phí cao - chưa hấp dẫn các nhà đầu tư
Vào thời điểm hiện nay, còn đeo bám với tuyền tour du lịch ven sông Sài Gòn là du thuyền King Yacht của Công ty TNHH SX & TMDV Địa Trung Hải. Nữ Tổng Giám đốc Lưu Thị Hồng Diễm, một người gắn bó với ngành du lịch sông nước, đang nỗ lực chèo chống để thu hút khách đến với tour này.
Theo chị, rừng ngập mặn Cần Giờ được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ Sinh quyển của thế giới và là Khu Dự trữ Sinh quyển đầu tiên của Việt Nam (21/01/2000) với diện tích 71.370 ha. Nhiều năm qua, rừng ngập mặn Cần Giờ đã được đầu tư tái tạo, bảo tồn, nên cảnh quan thiên nhiên hoang dã với rất nhiều muông thú, các tầng sinh thái thủy hải sản. Cần Giờ là một trong 20 địa điểm được chọn để xây dựng khu du lịch quốc gia. Nơi đây đã phát triển loại hình du lịch sinh thái đặc trưng gắn với cảnh quan môi trường, sử dụng tài nguyên bền vững.
Nữ Tổng Giám đốc Lưu Thị Hồng Diễm cho biết, chiếc du thuyền King Yacht vẫn đang nỗ lực đưa khách theo tour đường sông tới đây, được nhiều người ưu thích. Mặc dù vậy, chị vẫn tỏ ra lo lắng vì cho phí cho một tour đường sông cao hơn rất nhiều so với tour đường bộ và do vậy rất kén khách.
Du thuyền King Yacht của Công ty TNHH SX & TMDV Địa Trung Hải vẫn đang nỗ lực chèo chống để thu hút khách đến với tour du lịch trên sông.
Tìm hiểu thực tế, chúng tôi biết để vận hành một tour đường sông hoạt động, các chi phí bến bãi, xăng dầu, lương cho nhân công, nước ngọt, rác… cao hơn rất nhiều so với tuyến đường bộ. Chưa kể, du thuyền trên sông đòi hỏi độ an toàn cao nên chi phí đầu tư cao, máy móc thiết bị hiện đại, chi phí bảo trì hàng tháng cũng là những khoản chi phí lớn… Chính vì vậy, để khai thác được tour du lịch sông đòi hỏi khách chịu chi phí cao hơn, chất lượng phục vụ vì thế cũng cao hơn để tương cứng…
Theo một số doanh nghiệp du lịch, để khai thác được các tuyến du lịch sông, TP.HCM cần tiếp tục đầu tư vào hạ tầng theo kế hoạch đã được thông qua như cải tạo và xây 50 bến đỗ, cầu tàu, nhà chờ, tổ chức kết nối đường bộ tới các điểm tham quan; phát triển 65 điểm tham quan du lịch tại các quận, huyện có tuyến du lịch đường sông và xây dựng 3 điểm du lịch cộng đồng tại Củ Chi, Cần Giờ, quận 9; các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch gắn với sông nước hàng năm tại khu vực bến Bạch Đằng - bến Nhà Rồng - cầu Mống và phát triển loại hình du lịch thể thao dưới nước, nghỉ dưỡng, chữa bệnh tại Cần Giờ, Củ Chi và quận 9… Đồng thời, cũng cần những chính sách hỗ trợ cụ thể cho các nhà đầu tư khai thác tour thì mới có thể biến tiềm năng này thành hiện thực.
Phước Ngọc
Thể thao & Văn hóa