A+ A A- Kiểu đọc sách

Du khách đến làng cổ Đường Lâm tăng mạnh

09:37 27/03/2013
loading...

Ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội khẳng định di tích làng cổ Đường Lâm hiện là địa chỉ du lịch hấp dẫn, lượng khách du lịch đến làng tăng trưởng mạnh theo từng năm.

Năm 2008, khách du lịch đến thăm làng cổ Đường Lâm là 3 vạn lượt người, năm 2009 tăng lên 4,5 vạn lượt người và đến năm 2012 tăng lên 9.000 lượt người. Năm nay, làng cổ Đường Lâm dự kiến đón 15.000 lượt người. Riêng lượng khách nước ngoài chiếm từ 10-20% trong năm 2008 thì đến nay tăng lên gần 40%.

Ngoài tham quan các di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, khi đến Đường Lâm, du khách còn được thưởng thức ẩm thực, tìm hiểu cuộc sống sinh hoạt người nông dân, tham gia làm bánh kẹo và trải nghiệm nông nghiệp đồng quê.

Hiện, Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm phối hợp với chính quyền địa phương và người dân làng cổ phát triển mạnh tour du lịch cộng đồng, xây dựng tour du lịch học đường, xây dựng các chợ quê phục vụ du lịch, sản phẩm du lịch đặc trưng làm từ rơm...

Theo thống kê, hiện có khoảng 10% gia đình trong làng cổ Đường Lâm tham gia làm du lịch; đến năm 2015, Đường Lâm phấn đấu có 40% gia đình làm du lịch và đến năm 2020 con số này là 70%.

Để khuyến khích người dân tham gia làm du lịch, Ban quản lý làng cổ Đường Lâm hỗ trợ 12 ngôi nhà cổ đón khách tham quan với mức 450.000 đồng/tháng; 200 ngôi nhà cổ khác và các di tích 150.000 đồng/tháng.

Từ nhiều năm nay, di tích làng cổ Đường Lâm đã nhận được sự hợp tác, giúp đỡ của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA) trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch. Các chuyên gia và tình nguyện viên Nhật Bản đã tổ chức điều tra, nghiên cứu, vận động và giúp đỡ người dân làm du lịch, hỗ trợ phát triển nghề phụ, tư vấn tu bổ 16 ngôi nhà cổ, chùa Ón, cổng làng, nhà thờ Giang Văn Minh.

Đường Lâm là ngôi làng cổ hiếm hoi ở nông thôn Bắc Bộ cũng như cả nước còn giữ nguyên vẹn các giá trị truyền thống từ lịch sử, kiến trúc, giá trị nhân văn, lễ hội, văn hóa ẩm thực, không gian cảnh quan môi trường... Tại đây, có trên 50 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật các loại, cùng hàng chục lễ hội. Giá trị tạo nên hồn cốt cho làng cổ Đường Lâm chính là hệ thống 117 ngôi nhà cổ trong đó 37 ngôi nhà loại một có niên đại từ 100 năm đến gần 400 năm.

Đường Lâm cũng là vùng đất cổ địa linh nhân kiệt bởi nơi này là đất hai Vua - quê hương của Bố cái Đại vương Phùng Hưng thế kỷ thứ VIII và Tiền Ngô vương Ngô Quyền thế kỷ thứ X. Nơi đây còn có nhiều dòng họ “trâm anh thế phiệt,” sinh ra các bậc nhân tài. Các nghề gia truyền, các món ăn truyền thống ở Đường Lâm tạo nên nét văn hóa ẩm thực đặc sắc hút thực khách đến với làng cổ như: tương, chè lam, chè kho, gà Mía, kẹo các loại.

Theo Đinh Thị Thuận
TTXVN
loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...