loading...
Theo quy hoạch tổng thể giao thông, TP Hà Nội đã đề ra kế hoạch xây dựng các tuyến đường sắt đô thị. Theo dự kiến, tuyến metro thí điểm sẽ đi vào hoạt động vào năm 2016, tiếp sau đó là tuyến số 2 (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, theo hướng nối với sân bay quốc tế Nội Bài).
Tuy nhiên, với tốc độ như hiện nay, dù vốn đã được tính toán đủ, được tạo nhiều cơ chế đặc thù ưu tiên nhưng việc triển khai thi công các tuyến này đều chậm tiến độ.
“Đụng đâu vướng đấy”
Năm 2010, khi phát lệnh khởi công dự án xây dựng tuyến đường sắt đoạn Nhổn - Ga Hà Nội dài 12,5km, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên với tổng số tiền đầu tư hơn 1 tỷ USD, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh, đẩy mạnh giao thông công cộng là yêu cầu bức xúc, sự trông đợi hàng ngày của nhân dân. Song song với dự án này, Hà Nội cần tìm mọi cách để khởi công các dự án giao thông công cộng khác.
“Chính phủ đã phê duyệt 5 tuyến đường sắt đô thị nhưng hiện mới chỉ có một tuyến được khởi công. Lãnh đạo TP Hà Nội phải chỉ đạo Ban quản lý dự án thực hiện đúng yêu cầu về kiểm tra, giám sát để dự án được xây dựng đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, an toàn, không xảy ra sự cố để đến năm 2015 đưa tuyến đường sắt đầu tiên của Thủ đô đi vào hoạt động”, Thủ tướng yêu cầu.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, kế hoạch đưa tuyến đường sắt đầu tiên đi vào hoạt động năm 2015 đã chính thức “lỡ hẹn” và được dự định lùi đến năm 2016. Nhưng, với tốc độ liên tục chậm so với mốc kế hoạch đặt ra, khó có thể hy vọng, tuyến đường mỗi km dài tốn đến 100 triệu USD này hoàn thành theo đúng yêu cầu. Công tác thi công đang gặp hàng loạt khó khăn, “đụng đâu vướng đó” - không chỉ về hành lang pháp lý mà còn vướng cả về vốn, nhân lực…
Ông Nguyễn Quang Mạnh, Giám đốc Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, quá trình thực hiện xây dựng tuyến đường sắt đô thị gặp nhiều khó khăn. Cụ thể như việc thiếu những hành lang pháp lý liên quan đến việc xây dựng; thành phố chưa có quy hoạch về không gian ngầm dẫn đến khó khăn trong quá trình tiến hành kết nối với hệ thống giao thông trên mặt đất trong giai đoạn hoàn thiện.
Việc thiếu nhân lực có chuyên môn giỏi, đặc biệt là chuyên môn trong vận hành và khai thác đường sắt đô thị trên cao, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thi công dự án. Vốn cho dự án cũng đang sử dụng nhiều nguồn vốn vay ODA khác nhau như Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản… nên phải tuân thủ theo nguyên tắc của nhiều nhà tài trợ khác nhau, rắc rối và phức tạp hơn, nếu chỉ sử dụng vốn của một nhà tài trợ.
Ông Mạnh cũng phân tích thêm những khó khăn dẫn đến việc công đoạn nào cũng chậm tiến độ: “Trong các Luật và văn bản của hành lang pháp lý liên quan đến đường sắt đô thị, đặc biệt là không gian ngầm vẫn chưa được đề cập tới. Hơn nữa, khi xây dựng ngầm sẽ khó lồng tuyến với đô thị và kết nối với tuyến trên mặt đất. Trong công tác quản lý dự án hệ thống đường sắt đô thị, Việt Nam vẫn chưa có hệ quy chuẩn, nguồn nhân lực chuyên môn về xây dựng, vận hành hệ thống. Tuyến đường sắt nội đô vay vốn từ nhiều chính phủ, nên chỉ đạo trong việc khớp nối đồng bộ hệ thống sẽ rất nhạy cảm. Thêm nữa, chúng ta vẫn chưa xây dựng được công nghệ thống nhất, chính sách giá vé trong tương lai, cơ quan quản lý bảo hành các tuyến đường sắt đô thị”.
Thay nhà thầu vẫn chậm
Đơn cử của việc chậm tiến độ là Dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có tổng mức đầu tư khoảng 550 triệu USD, đây là dự án trọng điểm của Thủ đô Hà Nội. Theo dự kiến, tuyến đường này sẽ được chạy thử vào quý I-2015.
Tuy nhiên, sau gần 1 năm thi công, tiến độ triển khai của nhà thầu - Công ty trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc đã chậm gần 1 quý so với kế hoạch. Vẫn là những lý do được trình bày ở hầu hết các cuộc họp giao ban giữa lãnh đạo UBND TP Hà Nội với Ban Quản lý Dự án đường sắt đô thị như thi công kỹ thuật chậm. Mặt khác, nhà thầu Trung Quốc cũng chưa hoàn thiện hợp đồng với các nhà thầu phụ, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhà thầu thi công tại nhiều điểm thi công đã có giấy phép.
Nếu hoàn thành đúng tiến độ, đường sắt đô thị sẽ giúp cải thiện bộ mặt đô thị Hà Nội cũng như giảm ùn tắc giao thông.
|
Đến nay, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông mới hoàn thành 90% công tác khảo sát địa chất toàn bộ địa hình. Quy hoạch tổng thể mặt bằng và phương án kiến trúc 11 nhà ga đã được chấp thuận, trừ ga Cát Linh dự kiến sẽ được xây dựng thành tổ hợp văn phòng kết hợp nhà ga. 116 trụ cầu và thiết kế bản vẽ thi công 73 trụ cũng đã được cơ quan chức năng phê duyệt. Theo thiết kế, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được xây dựng với chiều dài 13 km, gồm 12 nhà ga, có năng lực vận chuyển tối đa 28.000 khách/giờ/hướng.
Một dự án nữa là tuyến đường sắt đô thị thí điểm số 3 (Nhổn – Ga Hà Nội). Dự án tuyến số 3 chia làm 9 gói thầu thì mới tổ chức thi công 2 gói Depo, 1 gói trên cao đang trong thời gian chấm thầu, 1 gói đi ngầm đang được nộp hồ sơ thầu. Để đốc thúc đẩy nhanh tiến độ, việc thay nhà thầu cho dự án này cũng đã được đặt ra.
UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Ban Quản lý Đường sắt đô thị làm văn bản đề nghị thay thế ngay nhà thầu Vinaconex tại gói thầu 4 và đề xuất nhà thầu khác để TP báo cáo Chính phủ: “Gói 3 phải thi công ngay trong quý II - 2013 chứ không thể để chậm tới tháng 8-2013 như đề xuất của Ban”. Riêng với công tác GPMB và di chuyển các công trình ngầm nổi, quan điểm của TP là đi trước một bước và phải làm ngay. TP giao UBND huyện Từ Liêm chủ động về địa điểm bố trí tái định cư cho các hộ dân trong diện GPMB hạng mục depot và đường dẫn…
Được biết, Hà Nội đã có hàng chục văn bản đốc thúc, tháo gỡ những vướng mắc mà các đơn vị thi công đang gặp phải. Tuy nhiên, “vỡ tiến độ” vẫn đang là nguy cơ chưa có biện pháp giải quyết triệt để.
8 tuyến đường sắt đô thị dự kiến được xây dựng tại Hà Nội:
- Tuyến số 1: Ngọc Hồi - Ga trung tâm Hà Nội - Yên Viên, Như Quỳnh.
- Tuyến số 2: Nội Bài - Nam Thăng Long - Thượng Đình - Vành đai 2,5 - Hoàng Quốc Việt; và Tuyến số 2A: Cát Linh - Ngã tư Sở - Hà Đông.
- Tuyến số 3: Trôi - Nhổn - ga Hà Nội - Hoàng Mai.
- Tuyến số 4: Mê Linh - Đông Anh - Sài Đồng - Vĩnh Tuy/Hoàng Mai – VĐ2,5 - Cổ Nhuế - Liên Hà.
- Tuyến số 5: Nam Hồ Tây - Ngọc Khánh - Đại lộ Thăng Long - Vành đai 4.
- Tuyến số 6: Nội Bài - Phú Diễn - Hà Đông - Ngọc Hồi.
- Tuyến số 7: Mê Linh - Đô thị mới Nhổn, Vân Canh, Dương Nội với chiều dài 27.63km, tuyến đi cao với tổng số 23 ga và 1 đề pô.
- Tuyến số 8: Sơn Đồng - Mai Dịch - Vành đai 3 - Lĩnh Nam - Dương Xá.
Theo Chi Linh
Công An Nhân Dân
loading...