A+ A A- Kiểu đọc sách

Đơn hàng online cứu cánh cho hàng, quán chay dịp Rằm tháng Giêng

16:08 25/02/2021
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 25/2 (ngày 14 tháng Giêng Âm lịch), ghi nhận thị trường thực phẩm chay dịp Rằm tháng Giêng 2021 tại Tp. Hồ Chí Minh khá trầm lắng và kém sôi động hơn cùng kỳ những năm trước; trong đó, nhiều hàng, quán chay trên địa bàn thành phố phải mở thêm kênh bán hàng online, nhận đơn hàng qua điện thoại, ứng dụng gọi xe công nghệ... để thu hút khách hàng, trong bối cảnh không chủ quan về công tác phòng chống dịch COVID-19.

Văn khấn Rằm tháng Giêng tại nhà, Bài cúng rằm tháng Giêng tại chùa năm Tân Sửu

Văn khấn Rằm tháng Giêng tại nhà, Bài cúng rằm tháng Giêng tại chùa năm Tân Sửu

Theo phong tục của cha ông để lại, thì cúng Rằm tháng Giêng vào ngày chính Rằm tức 15 âm lịch là tốt nhất. Còn nếu với ai không sắp xếp được công việc để cúng vào đúng giờ thì có thể cúng trước đó 1 ngày, tức 14 tháng Giêng.

Theo chị Tâm Chơn, đại diện quán chay trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh, mặc dù tháng Giêng là thời điểm nhiều người dân phổ biến tiêu dùng món chay, nhưng từ khi sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, lượng khách đến quán không tăng mà còn giảm so với ngày thường. Hiện mỗi ngày quán chỉ phục vụ dao động từ 100 - 150 suất ăn, gồm cả điểm tâm sáng và cơm trưa.

Cũng chung tình trạng, quán chay Hoan Hỷ trên đường Bà Huyện Thanh Quan, quận 3, Tp. Hồ Chí Minh thưa thớt thực khách trong dịp Rằm tháng Giêng năm nay. Bên cạnh đó, thực khách đến dùng món chay cũng chủ yếu là khách lẻ hoặc nhóm ít người, chứ không đông đúc như thời điểm bình thường.

Năm nay, các chuỗi nhà hàng, khách sạn... trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh cũng không tung ra những thực đơn buffer chay, mà thay vào đó là giới thiệu những thực đơn ăn tại bàn dành cho nhóm khách ít người. Tùy theo số lượng món ăn được chọn từ khai vị, món chính... đến tráng miệng, mà suất ăn mỗi thực khách có thể giao động từ 350.000 - 1 triệu đồng/người.

Lễ cúng rằng tháng Giêng hàng năm
Lễ cúng rằng tháng Giêng hàng năm 

Lý giải nguyên nhân ít đến các hàng, quán ăn, anh Văn Sơn, cư ngụ tại quận 2, Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, hiện tại công ty triển khai song song làm việc online và offline, nên trong tuần có những ngày nhân viên có thể làm việc ở nhà. Trong khi đó, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên hầu hết người dân đều hạn chế đến các hàng, quán ăn, mà chủ yếu ăn nhà hoặc đặt hàng thông qua ứng dụng gọi xe công nghệ.

Nắm bắt xu hướng mới của người tiêu dùng, các hàng, quán ăn đều chủ động mở kênh bán hàng online và tăng cường các biện pháp bảo quản chất lượng đồ ăn, thức uống khi giao đến tận tay người tiêu dùng; trong đó, những ứng dụng gọi xe công nghệ như Gojek, Be, Grab... đều có phục vụ giao hàng đa dạng thức ăn, món chay... đến thức ăn nhanh, đặc sản, bánh dân gian các loại... của phong phú thương hiệu ẩm thực Việt, cũng như ngoại nhập.

Vì vậy, không chỉ người tiêu dùng được hưởng đa dạng tiện ích trong mua sắm, tiêu dùng, mà nhiều hàng, quán chay đã tận dụng được cơ hội thu hút thêm khách hàng từ những đơn hàng online. Thêm một điểm cộng nữa của kênh bán hàng online là đơn hàng thường có giá trị từ 2 đến 5 phần ăn (tương đương 150.000 - 500.000 đồng) nên giúp nhiều đơn vị kinh doanh cứu vãng doanh số trong mùa chay của Rằm tháng Giêng năm nay.

Khi so sánh thực tế giá cả giữa đơn hàng online và offline tại một số hàng, quán chay trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh cho thấy không chênh lệch bao nhiêu. Bởi ngoài việc giá niêm yết thực đơn ăn uống tại chỗ và đặt hàng thông qua ứng dụng gọi xe công nghệ của đơn vị kinh doanh đều đồng nhất như nhau, thì phí giao hàng thường được tương ứng với giá trị khuyến mãi, giảm giá sản phẩm.

Riêng đối với những khách hàng thường xuyên sử dụng ứng dụng gọi xe công nghệ thì càng được hưởng nhiều tiện ích và chương trình khuyến mãi, giảm giá hơn nữa từ các thương hiệu này. Đồng thời, đặt hàng qua ứng dụng gọi xe công nghệ không chỉ dễ dàng, mà người tiêu dùng còn có cơ hội săn những món ăn ưu đãi lên đến 50%, hoặc mua 1 tặng 1, mua đồ ăn được tặng nước uống...

Hiện tại, nguồn cung lương thực, thực phẩm trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh tại mạng lưới chợ truyền thống và kênh bán lẻ hiện đại đều dồi dào, đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong tháng Giêng, người dân có xu hướng  ăn chay và chưng cúng Lễ, nên những mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau củ, quả, trái cây... được thương nhân, tiểu thương tăng cường nhập hàng về thị trường thành phố.

Về mặt giá cả những mặt hàng này khá ổn định và có một số sản phẩm có giá giảm so với cùng kỳ năm trước. Ở ngành hàng trái cây, mặt hàng xoài cát Hòa Lộc có giá bán dao động ở mức 40.000 - 65.000 đồng/kg; bưởi da xanh 34.000 - 55.000 đồng/kg; mãng cầu tròn 25.000 - 35.000 đồng/kg; táo bi Mỹ 60.000 - 75.000 đồng/kg... Còn ở ngành hàng rau củ, quả, có thể kể đến mặt hàng bông cải xanh có giá bán phổ biến 28.000 đồng/kg; cà rốt 22.000 đồng/kg; cải thảo 17.000 đồng/kg; khổ qua 12.000 đồng/kg.

Mỹ Phương/TTXVN

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...