Đoạn trường tìm lại chữ viết cho đồng bào Cơ Tu
(Thethaovanhoa.vn) - Dân tộc Cơ Tu ở miền núi Quảng Nam có khoảng 45.715 người, chiếm 74,2% tổng số người Cơ Tu tại Việt Nam. Chiếm số đông, nhưng nhiều năm qua, điều đáng lo ngại là chữ viết của người Cơ Tu đang đứng trước nguy cơ mai một. Bên cạnh việc gìn giữ con chữ cho người Cơ Tu, từ tháng 9 năm 2015, tỉnh Quảng Nam đã có cách làm hay khi mở những lớp học chữ viết Cơ Tu cho giáo viên và cán bộ người Kinh đang công tác tại đây.
Bắt đầu từ tháng 9/2015 cho đến nay, cứ đến 18 giờ 30, mỗi tuần đều đặn từ thứ Hai đến thứ Năm, lớp học đặc biệt tại Trung tâm giáo dục thường xuyên hướng dẫn dạy nghề huyện Tây Giang lại mở cửa chào đón những học sinh đặc biệt. Các học sinh đều là những cán bộ, giáo viên người Kinh đang công tác tại các huyện miền núi Quảng Nam, do chính những người con của đồng bào Cơ Tu giảng dạy.
Gian nan tìm lại con chữ
Chữ viết của người Cơ Tu có nền tảng tên gọi chữ viết Latinh của tiếng Cơ Tu, được quốc tế ghi nhận là một chữ viết của cộng đồng dân tộc Cơ Tu, ra đời vào năm 1955. Tuy nhiên, có một giai đoạn từ năm 1975 cho đến 1995, chữ Cơ Tu bị mai một và không còn được tổ chức truyền giảng.
Hiện UBND huyện Tây Giang, Quảng Nam đang mở 2 lớp học chữ viết Cơ Tu cho 191 học viên là cán bộ, giáo viên người Kinh đang công tác tại đây.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn như chữ viết Cơ Tu đã thay đổi quá nhiều và không còn sự thống nhất giữa các vùng miền đồng bào, giáo viên giảng dạy chữ Cơ Tu chưa được đào tạo bài bản, tài liệu truyền giảng chưa thực sự phong phú và đầy đủ; cơ sở vật chất cũng chưa đáp ứng được nhu cầu dạy và học, nhưng trong cái lạnh khắc nghiệt của miền núi Tây Giang, vượt qua tất cả, họ, những học viên đặc biệt vẫn miệt mài sách vở cùng với ngôn ngữ thứ 2 của mình.
Một lớp học chữ viết Cơ Tu tại huyện Tây Giang (Quảng Nam) do ông Clâu Nghi - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Tây Giang - giảng dạy. Ảnh: H.Y
Anh Lưu Văn Dân, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi, đang tham gia lớp học chữ viết Cơ Tu, chia sẻ: “Học tiếng Cơ Tu cũng như học một ngôn ngữ thứ 2 khác đều gặp rất nhiều khó khăn, tiếng nói thì mình có thể học được dễ dàng nhưng để học được chữ viết phải đòi hỏi một quá trình học tập nghiêm túc và lâu dài. Tuy nhiên, may mắn vì chúng tôi là những giáo viên cắm bản đã lâu năm và khi từ miền xuôi lên đây thì đều có tâm huyết với đồng bào nên ai cũng hứng thú với việc học chữ. Tin rằng những cố gắng của chúng tôi sẽ mang lại kết quả tốt đẹp”.
Một trong trong cuốn sách "Tài liệu giảng dạy tiếng dân tộc Cơ Tu” được ấn hành vào năm 2010.
Ông Clâu Nghi – Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam Huyện Tây Giang, người trực tiếp giảng dạy chữ viết Cơ Tu, cho biết: “Từ khi được quốc tế ghi nhận sự tồn tại của chữ viết dân tộc Cơ Tu (1955), chính quyền đã tổ chức dạy học tiếng Cơ Tu cùng với tiếng Việt cho tất cả cán bộ người Kinh lên miền núi hoạt động cách mạng và người dân Cơ Tu cũng tham gia học nhằm xóa mù chữ thời kháng chiến. Nhờ vậy, nhiều cụ ngày xưa nay còn sống có sự thông thạo về chữ viết, tiếng nói của người Cơ Tu đã làm nền tảng cho việc khôi phục lại chữ viết Cơ Tu.
Từ năm 1995, khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa VII, những người con của đồng bào Cơ Tu mới bắt tay vào tìm kiếm những cuốn sách bản quyền cũ, các bài vở của các cụ già làng trước đây theo học để nghiên cứu thành sách mới về chữ viết Cơ Tu.
Cần sự đồng bộ
Sau quá trình tìm tòi, nghiên cứu của nhiều tác giả từ Viện ngôn ngữ học Việt Nam, Sở khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Nam, nhóm tác giả người con của đồng bào Cơ Tu như ông Arất Hơn, ông Hồ Xuân Nhuận, ông Bh’riu Liếc,… là những người đã dày công nghiên cứu và nhiều lần trình hội thảo phê duyệt sách đưa vào dạy học, thì cuốn sách đầu tiên về giảng dạy chữ viết Cơ Tu cho đồng bào Cơ Tu ở Quảng Nam cũng ra đời.
Cuốn sách mang tên “Tài liệu giảng dạy tiếng dân tộc Cơ Tu” được ấn hành vào năm 2010, tập trung ở 10 chuyên đề xoay quanh cuộc sống, sinh hoạt, giao tiếp của đồng bào Cơ Tu.
Không chỉ nuôi hi vọng khôi phục lại chữ viết cho đồng bào, các tác giả còn mong muốn giúp cho những người Kinh đang công tác tại các huyện miền núi có đồng bào Cơ Tu sinh sống có thể gần gũi hơn và hiểu hơn về con người, văn hóa của đồng bào.
Chị Đặng Thị Ngọc Thuyết, giáo viên Trường phổ thông Dân tộc Nội trú Tây Giang, người đang theo học chữ viết Cơ Tu, tâm sự: “Mặc dù tôi sinh hoạt trong môi trường nội trú, hàng ngày đều tiếp xúc với học sinh nhưng chữ viết Cơ Tu thì trước khi tham gia lớp học tôi chưa được tiếp xúc lần nào. Với những giáo viên người Kinh cắm bản tại đây, chúng tôi rất vinh dự khi là những người đầu tiên tham gia vào lớp học chữ viết Cơ Tu. Ngoài việc phục vụ giảng dạy cho các em thật tốt, chúng tôi cũng hi vọng khi biết được chữ Cơ Tu có thể giúp các em hiểu và giữ được chữ viết của đồng bào mình trước nguy cơ mai một”.
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng cán bộ, giáo viên người Kinh đang công tác tại huyện Tây Giang vẫn tích cực theo đuổi con chữ của đồng báo Cơ Tu.
Không chỉ tổ chức giảng dạy ở Tây Giang, chính quyền tỉnh Quảng Nam còn tổ chức đưa chữ Cơ Tu vào giảng dạy cho nhiều lớp khác ở các huyện miền núi Nam Giang, Đông Giang. Với hi vọng có thể nhân rộng chữ viết Cơ Tu đến nhiều thế hệ, tầng lớp đồng bào Cơ Tu cũng như những người đang công tác, sinh sống trên địa bàn.
“Khi những khóa học này hoàn thành, chúng tôi mong muốn việc truyền giảng chữ Cơ Tu sẽ được nhân rộng hơn nữa, đặc biệt UBND huyện sẽ chỉ đạo ngành Giáo dục, Trung tâm Giáo dục thường xuyên – Hướng dẫn dạy nghề sẽ tổ chức nhiều lớp học khác nữa. Đặc biệt tập trung vào giảng dạy ở học đường từ các lớp mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT và dạy cho các cán bộ địa phương. Có như vậy mới mong tìm lại được vị trí cho chữ viết Cơ Tu trước nhiều nguy cơ mai một như hiện nay”.
Trong bối cảnh khó khăn trong việc tìm lại chữ viết cho đồng bào mình, những lớp học đặc biệt về chữ viết Cơ Tu sẽ như những ngọn lửa bừng sáng, tiếp thêm niềm tin cho đồng bào Cơ Tu về một tương lai có thể sử dụng chính tiếng nói, chữ viết của đồng bào mình.
Hoàng Yến