Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu có lộ trình, tránh gây sốc thị trường lao động và ổn định xã hội
(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 12/6, Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Đây là Bộ luật lớn, có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội. Một trong những nội dung được nhiều người quan tâm trong dự thảo là việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu.
Tờ trình của Chính phủ đề xuất mức tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với nam, 60 tuổi đối với nữ và có lộ trình cụ thể. Hai phương án được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến gồm: Phương án 1, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: Cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Phương án 2, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: Cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Cân bằng quỹ bảo hiểm xã hội
Theo một số chuyên gia về tiền lương, khi tuổi nghỉ hưu của người lao động được nâng lên đồng nghĩa với việc kéo dài thời gian làm việc cũng như thời gian đóng bảo hiểm xã hội, tăng nguồn thu của quỹ bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, tăng tuổi nghỉ hưu có thể làm giảm gánh nặng chi trả cho quỹ bảo hiểm xã hội do giảm tốc độ tăng số người hưởng lương hưu và giảm thời gian hưởng lương hưu của người ra khỏi độ tuổi lao động.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho rằng, với lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu hợp lý cùng với sự phản ứng linh hoạt của thị trường lao động, tăng tuổi nghỉ hưu có thể làm ổn định cân bằng quỹ bảo hiểm xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển cầu lao động và nâng cao năng suất lao động.
“Chúng ta đang chuẩn bị chính sách cho 10 đến 20 năm thì đây là cả một quá trình cân đối quỹ. Qua 3 lần dự báo, mô hình bảo hiểm xã hội hiện tại đang xảy ra tình trạng đóng ít nhưng hưởng nhiều, dẫn đến mất cân đối. Vì vậy, các chính sách phải làm sao để điều chỉnh quá trình này đỡ bị ảnh hưởng”, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nêu ý kiến.
Đồng tình với quan điểm này, nhưng đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, nâng tuổi nghỉ hưu không phải hoàn toàn để chống đỡ mất cân bằng quỹ bảo hiểm xã hội. Việc này có tác động nhưng đó không phải là nguyên nhân. Theo ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên nhân cơ bản của vấn đề cân bằng tuổi nghỉ hưu, cân bằng quỹ bảo hiểm xã hội của Việt Nam là số lượng người đóng để cho số lượng người hưởng hiện có xu hướng giảm dần, đang là một nguy cơ cần xem xét.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, tăng tuổi nghỉ hưu là vấn đề tất yếu bởi Việt Nam đang trong quá trình già hóa dân số mạnh. Do vậy, việc xây dựng lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu với mục đích “đi trước, đón đầu”, bởi nếu không chuẩn bị tốt sẽ tạo áp lực, gây phản ứng mạnh của người dân. Ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định, vấn đề quan trọng là phải đảm bảo an sinh xã hội tốt nhất, toàn dân phải tham gia vào hệ thống an sinh xã hội mà bảo hiểm xã hội chính là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội.
Cần quan tâm đến lao động trực tiếp
Một số ý kiến khác cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu sẽ ảnh hưởng đến khả năng việc làm của nhóm lao động trẻ, gây xáo trộn đối với thị trường lao động và có ảnh hưởng tiêu cực khác đến mối quan hệ cung cầu lao động. Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Tạ Văn Hạ phân tích, việc tăng tuổi nghỉ hưu không chỉ có tác động đến quỹ bảo hiểm xã hội, vấn đề già hóa dân số mà còn tác động không nhỏ tới cơ hội việc làm của giới trẻ. “Bên cạnh lý do tuổi thọ tăng lên và quỹ bảo hiểm xã hội không cân đối, chúng ta phải chú ý đến cơ hội, nghề nghiệp của thế hệ trẻ vì hiện nay, nhiều sinh viên ra trường mà không có việc làm", ông Tạ Văn Hạ nêu quan điểm.
Đánh giá với tư cách là lãnh đạo của tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp với những quốc gia thiếu lao động, trong khi ở Việt Nam, mỗi năm có hơn 1 triệu lao động thất nghiệp, lại đang trong thời kỳ giảm biên chế.
Ông Ngọ Duy Hiểu phân tích, tại Việt Nam, lao động nặng nhọc chiếm tỷ lệ rất cao trên thị trường lao động, không phù hợp để làm việc khi đã lớn tuổi. Chủ doanh nghiệp cũng không muốn sử dụng người lớn tuổi làm việc trực tiếp, người lao động cũng vậy nên nếu tăng tuổi hưu, năng suất lao động sẽ không cao. Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định, việc này sẽ càng khiến cho một lượng lớn lao động trẻ thiếu việc làm, gây hậu quả rất lớn cho xã hội.
Tuy nhiên, nếu cần thiết phải tăng tuổi về hưu thì Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đồng ý với Phương án 1 trong dự thảo là kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là 60 tuổi 3 tháng đối với nam và 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Sở dĩ chọn phương án 1 là nhằm đảm bảo có lộ trình, giảm tác động không tốt đến các chính sách kinh tế xã hội tổng thể. Kinh nghiệm của một số nước tăng tuổi nghỉ hưu vừa qua cho thấy, tăng tuổi nghỉ hưu nhanh có thể tạo nên “cú sốc”, ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách kinh tế - xã hội của đất nước, sau đó, để khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực này sẽ rất khó khăn. Theo lãnh đạo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, khi triển khai thực hiện, cần xem xét đối với đối tượng là công nhân lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù. Thực tế, hiện nay rất nhiều lao động nữ đang làm việc trong các ngành dệt may, da giày, chế biến thủy sản, lắp ráp điện tử bị người sử dụng lao động cho nghỉ việc ở tuổi 30-35 với lý do sức khỏe không đáp ứng yêu cầu sản xuất. Bên cạnh đó, những lao động làm việc chân tay còn phải đối mặt với một nguy cơ nữa là bị mất việc trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Nhiều công nhân viên chức, người lao động đang làm việc cho rằng nghị tuổi nghỉ hưu cần được tính toán dựa trên nguyên tắc hợp lý: nguyên tắc đóng hưởng, bình đẳng giới và công bằng giới. Nhà nước nên đưa ra trần nghỉ hưu và trao quyền quyết định nghỉ hưu cho người lao động.
Theo bà Hà Thị Thanh Vân (Học viện Phụ nữ Việt Nam), tuổi nghỉ hưu không thể dựa trên giới tính mà phải căn cứ vào lĩnh vực, ngành nghề. Các nhà làm luật cần tính toán tuổi nghỉ hưu trên nguyên tắc hợp lý, phù hợp từng giai đoạn, điều kiện. Nhiều người đề xuất, việc xem xét tuổi nghỉ hưu cũng phải dựa theo ngành nghề, lĩnh vực và có tính đến những ngành đặc thù như công nhân may, cơ khí, hầm lò, giáo viên mầm non... "Phải tính toán để mọi người làm đủ thời gian được hưởng tối đa lương hưu, bảo đảm an sinh xã hội", bà Hà Thị Thanh Vân cho hay.
- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Tăng tuổi nghỉ hưu không phải chuyện người già 'tranh' chỗ của người trẻ
- Quốc hội làm rõ việc xóa tư cách chức vụ đối với cán bộ nghỉ hưu
Trước những ý kiến về việc tăng tuổi nghỉ hưu, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Hà Đình Bốn, thành viên Ban Soạn thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) cho biết, khi xây dựng chính sách, cơ quan soạn thảo rất khó chọn được một giải pháp tuổi hưu có thể làm hài lòng được tất cả nhóm lao động.
Việc nâng dần tuổi nghỉ hưu mỗi năm 3 tháng cho nam và 4 tháng cho nữ cho đến khi nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi là tránh việc phải điều chỉnh đột ngột lên mức quá cao trong tương lai, tránh gây "sốc" cho thị trường lao động và có tác động tốt hơn đến tâm lý xã hội của người lao động và doanh nghiệp.
Liên quan đến đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, Chính phủ đã trình 2 phương án để Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Theo đó, Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án 1. Theo nhiều đại biểu Quốc hội, đây là phương án có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đỗ Bình/TTXVN