Điện thoại thông minh bị ‘xóa sổ’ trong 5 năm nữa?
(Thethaovanhoa.vn) - Thiết kế, tính năng không đột phá trong các mẫu điện thoại thông minh những năm gần đây dường như báo trước một kết cục không mấy khả quan cho thiết bị này.
- 'Sói đơn độc' sắp biến mất vì điện thoại thông minh
- Hà Nội thí điểm trang bị máy tính bảng, điện thoại thông minh cho cán bộ
Dường như đây là thời kỳ bão hòa của loại thiết bị này khi chỉ cần 200 USD, phần lớn mọi người cũng đã tự sắm cho bản thân một chiếc điện thoại thông minh với đầy đủ tính năng. Hơn nữa, các thiết kế đời sau của tập đoàn công nghệ lớn như Apple, Samsung trông không khác mấy so với mẫu đời trước.
Đến ngay cả Triển lãm Di động Thế giới – nơi chuyên trình làng các mẫu điện thoại đột phá mới nhất - đang được tổ chức tại Barcelona (Tây Ban Nha) – năm nay cũng có vẻ “im ắng”. Ông lớn Samsung hoãn ra mắt Galaxy S8, sau sự cố nổ pin Note 7, và tin đồn thiết kế về mẫu sản phẩm cũng không đem lại sự bất ngờ nào.
Hai người đi bộ sử dụng iPhones trên quảng trường San Francisco, California.
Phải chăng thế giới di động đã cạn kiệt ý tưởng?
Trong một cuộc khảo sát toàn cầu với 100.000 người của hãng Ericsson công bố cuối năm 2015, có đến 50% người tham gia nghĩ rằng điện thoại di động sẽ biến mất trong 5 năm tới.
Hiện tại, chúng ta sử dụng điện thoại để gửi tin nhắn, gọi điện, lướt web và xem mọi thứ khác. Tuy nhiên, phát minh đột phá trong tương lai sẽ đến từ một loại phần mềm mà có thể khiến thiết bị của chúng ta thông minh hơn và cá nhân hơn.
Dự án này đang được tiến hành và một số tính năng trí tuệ nhân tạo (AI) như "Trợ lý ảo" Siri của Apple, Alexa của Amazone, hay Assistant của Google sẽ là nền tảng của phát minh.
Theo kết quả khả sát 2.000 người sử dụng điện thoại tại Mỹ trong tháng 1 của công ty tư vấn Higher Visibility, có đến 21,6% người sử dụng tìm kiếm giọng nói từ các thiết bị ít nhất một lần một ngày, và 26,7 % sử dụng ứng dụng ít nhất một lần một tuần.
Ưu điểm lớn nhất của các phần mềm AI là sử dụng giọng nói dễ và nhanh hơn việc đánh chữ. Bên cạnh đó, giọng nói cũng là phương pháp tốt nhất để con người có thể tương tác với hàng tỷ vật dụng kết nối với Internet được dự đoán sẽ phát triển trong một vài năm tới, từ tủ lạnh cho tới thiết bị đeo theo người.
Tuy nhiên, bùng nổ phần mềm nhận dạng giọng nói không đồng nghĩa với việc điện thoại di động biến mất hoàn toàn trong cuộc sống. Điện thoại thông minh sẽ vẫn giữ được giá trị cốt lõi trong cuộc sống hiện đại, nhưng với một vai trò mới.
Rất có thể trong 5 năm tới, chiếc điện thoại của bạn vẫn hình chữ nhật như cũ, nhưng bỗng nhiên bạn "nói chuyện" với chúng nhiều hơn, và bên cạnh các tính năng cũ, chúng được thêm chức năng điều khiển các vật dụng kết nối với Internet.
Theo Hồng Hạnh - Tin tức/ CNBC