Điểm 10 sự kiện tiêu biểu của Hà Nội năm 2017
(Thethaovanhoa.vn) - Với cách làm sáng tạo, nghiêm túc, Đảng bộ và nhân dân thành phố đã vượt qua nhiều thách thức để xây dựng Hà Nội giàu mạnh, văn minh, an toàn. Thành phố Hà Nội đã bình chọn 10 sự kiện tiêu biểu của thành phố năm 2017. Thông tấn xã Việt Nam xin trân trọng giới thiệu 10 sự kiện tiêu biểu này.
- Quy hoạch khu vực Ga Hà Nội: Cần cân nhắc xây nhà chiều cao 200m
- Từ ngày 1/1/2018, Hà Nội tăng phí trông giữ ô tô, xe máy
1. Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020.
Ngày 7/11/2017, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 22-KL/TW về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020. Theo đó, Bộ Chính trị ghi nhận Hà Nội đã nỗ lực, quyết tâm, với cách làm sáng tạo, nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 11 đạt nhiều kết quả nổi bật: Kinh tế tăng trưởng khá cao, gấp 1,5 lần so với mức tăng bình quân chung cả nước, GRDP bình quân đầu người năm 2016 đạt gấp 1,7 lần so với năm 2011.
Diện mạo Thủ đô nhiều thay đổi, ngày càng khang trang; văn hóa giáo dục, an sinh xã hội cải thiện rõ rệt; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng an ninh tiếp tục được củng cố, trật tự, an toàn xã hội có chuyển biến tốt hơn.
Bộ Chính trị đồng ý để Hà Nội được áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát triển Thủ đô nhanh và bền vững; tăng cường phân cấp, ủy quyền cho thành phố trong một số lĩnh vực và cho phép triển khai thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị trong khu vực các quận...
2. Tích cực thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) của Đảng về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Năm 2017, Hà Nội tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện toàn diện các nội dung Nghị quyết 39-NQ/TW gắn với trển khai Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII); đẩy mạnh sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan trong toàn hệ thống chính trị phù hợp với mô hình tổ chức mới theo hướng tinh gọn, giảm chồng chéo, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Thành phố đã sắp xếp xong tổ chức bộ máy 22 sở và tương đương; các phòng chuyên môn tại 30 quận, huyện, thị xã; chấm dứt tổ chức hoạt động của Hội nông dân cấp quận, phường tại 7 quận. Giảm số đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các cơ quan thành phố và quận, huyện, thị xã từ 401 đơn vị xuống 280 đơn vị (giảm 30,2%). Hoàn thành sắp xếp 70 ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành 41 ban quản lý dự án (giảm 41,4%). Tinh giản được 1.267 biên chế. Các cơ quan, đơn vị sau sắp xếp đều hoạt động chất lượng, hiệu quả.
3. Hoàn thành toàn diện 20 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, trong đó có 7 chỉ tiêu vượt kế hoạch.
Với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Thành ủy, HĐND-UBND thành phố, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng nhanh. Năm 2017 Hà Nội hoàn thành 20/20 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó 7 chỉ tiêu vượt kế hoạch.
Tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 7,3% - cao nhất trong 7 năm trở lại đây. Xuất khẩu đạt 11,8 tỷ USD, tăng 10,3%; Giá trị gia tăng dịch vụ tăng 8,7%. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 208.000 tỷ đồng, vượt 1,6% nhiệm vụ thu, tăng 16% so với năm 2016; đóng góp quan trọng vào kết quả thu ngân sách cả nước.
4. Du lịch phát triển mạnh mẽ, đứng trong Nhóm 10 thành phố tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới.
Nhờ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch tới các thị trường trong nước, quốc tế và phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo (đưa Phố sách 19-12 vào hoạt động, tiếp tục duy trì hiệu quả không gian Phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm…), năm 2017, du lịch Thủ đô tiếp tục tăng trưởng khá. Ước cả năm 2017 đón 23,83 triệu lượt khách du lịch (tăng 9%); trong đó, khách quốc tế 4,95 triệu lượt (tăng 23%).
Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 70,96 nghìn tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2016. Hà Nội được một số tạp chí du lịch uy tín hàng đầu thế giới như tờ Business Insider, Discovery, CNN, TripAdvisor... đánh giá: Thủ đô Hà Nội được xếp hạng thứ 3 trong tổng số 20 điểm được nhiều người mơ ước đến thăm, tốp 10 thành phố tăng trưởng du lịch nhanh và là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới.
5. Đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.
Việc thực hiện “Năm Kỷ cương hành chính” gắn với việc tổ chức triển khai 2 bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và quy tắc ứng xử nơi công cộng đã tạo ra những chuyển biến và kết quả rõ nét. Chỉ số Cải cách hành chính (Parindex) tăng 6 bậc, xếp thứ 3 cả nước. Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 10 bậc (năm thứ 4 liên tiếp tăng hạng), xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố, đưa Hà Nội lần đầu tiên bước vào nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai đồng bộ với kết quả có 611 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (đạt tỷ lệ 32%); kê khai thuế điện tử 98%; hải quan điện tử 100% và là địa phương dẫn đầu cả nước trong giải quyết thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng với tỷ lệ đạt 100%.
Hà Nội đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp và tiếp tục là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư, thu hút vốn đầu tư FDI đạt 3,435 tỷ USD.
6. Dẫn đầu về kết quả xây dựng nông thôn mới và công tác giảm nghèo.
Công tác xây dựng nông thôn mới tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực: Có thêm 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 285/386 xã (chiếm 73,8%); thêm 02 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số huyện đạt chuẩn nông thôn mới lên 04 đơn vị (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức). Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả để phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, tạo nên sự thay đổi sâu sắc và toàn diện về kinh tế, chính trị, xã hội, chất lượng cuộc sống và môi trường ở khu vực nông thôn.
Thành phố, tập trung đầu tư và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phục vụ hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn, đưa tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 25%.
Thành phố đã triển khai đồng bộ các chính sách, giải pháp giảm nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều; đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo toàn thành phố giảm 0,68% so với năm trước, còn 1,69% (theo chuẩn nghèo của thành phố).
7. Hoàn thành việc hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho người có công
Hà Nội là một trong những địa phương có số lượng người có công lớn chiếm gần 10% số người có công toàn quốc. Công tác đền ơn, đáp nghĩa được các cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố Hà Nội quan tâm chỉ đạo và được các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia, hưởng ứng, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công; nhất là trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017).
Thành phố đã vận động Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” được 68,13 tỷ đồng; tặng 9.163 sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá 12,46 tỷ đồng; tổ chức thăm hỏi, tặng 481.824 suất quà với tổng số tiền 199,2 tỷ đồng; đầu tư 194,9 tỷ đồng tu sửa, nâng cấp 269 công trình ghi công liệt sĩ; hỗ trợ 955 tỷ đồng để xây dựng và sửa chữa nhà ở cho 8.211 hộ gia đình người có công, hoàn thành việc hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng thành phố Hà Nội theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
8. Giáo dục đào tạo và Thể dục thể thao được quan tâm phát triển và tiếp tục đạt được những kết quả tích cực về mọi mặt
Năm 2017, Hà Nội có thêm 108 trường đạt Chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường công lập đạt Chuẩn lên 1.313, chiếm 61%. Học sinh Thủ đô giành nhiều thành tích ấn tượng trong các cuộc thi quốc gia và quốc tế: Hà Nội tiếp tục dẫn đầu toàn quốc tại kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia về số lượng và chất lượng giải với 146 giải (trong đó có 11 giải Nhất). Trong các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực, học sinh Hà Nội giành được 138 huy chương (39 HCV, 42 HCB, 44 HCĐ, 13 Bằng khen).
Năm 2017, đoàn thể thao Hà Nội giành được 2.063 huy chương các loại. Trong đó, đạt 1.610 huy chương trong nước (613 HCV, 493 HCB, 504 HCĐ), vượt 14,21% so với mục tiêu đặt ra; 453 huy chương quốc tế (170HCV, 141 HCB và 142 HCĐ), vượt 14,18% mục tiêu đặt ra. Đặc biệt, tham gia Seagames 29, đoàn Hà Nội có 107 vận động viên đã giành 50 huy chương (chiếm 30% tổng số huy chương của toàn Đoàn).
9. Kỷ niệm 45 năm chiến thắng lịch sử "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" với nhiều hoạt động thiết thực, sâu sắc và có ý nghĩa lớn về giáo dục truyền thống, lòng yêu nước
Kỷ niệm 45 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" (12/1972 - 12/2017), thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, tạo ấn tượng sâu sắc, lan tỏa sâu rộng. Qua đó tôn vinh những chiến công oanh liệt, lòng quả cảm và ý chí quật cường của quân dân Thủ đô và cả nước, khẳng định tầm cao trí tuệ, bản lĩnh và sức mạnh Việt Nam.
Đồng thời tăng cường giáo dục truyền thống, lịch sử, bồi dưỡng tình cảm yêu nước và tinh thần cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là với thế hệ trẻ; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
10. Xuất bản Bộ bách khoa thư Hà Nội giai đoạn 2 - giai đoạn Hà Nội mở rộng
Bộ Bách khoa thư giai đoạn 2 được biên soạn, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn Thủ đô Hà Nội sau hợp nhất. Đây là bộ sách nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực và là kho tư liệu quý về con người, tự nhiên và xã hội của vùng mở rộng gồm tỉnh Hà Tây cũ, huyện Mê Linh trước đây thuộc tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Bộ sách gồm 14 tập, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng: Địa lý, lịch sử - chính trị - pháp luật, khoa học - công nghệ, kinh tế, khoa học - xã hội và nhân văn, giáo dục, văn học, nghệ thuật, du lịch, tín ngưỡng - tôn giáo, phong tục - lễ hội, di tích - bảo tàng, y tế, thể dục - thể thao, với độ dài khoảng 6.000 trang.
Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN)