loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h sáng 27/8 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận hơn 215,42 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có hơn 4,48 triệu bệnh nhân đã tử vong. Hiện số bệnh nhân phục hồi là hơn 192,61 triệu người.
Ngày 26/8, số ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng ở Australia đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.000 ca, trong bối cảnh biến thể Delta lây lan nhanh ở thành phố Sydney.
Trong 24 giờ qua, toàn thế giới có hơn 703.000 ca mới và gần 10.650 ca tử vong. Trong đó, Mỹ cao nhất khi chiếm tới gần 164.764 ca mới, tiếp sau là Ấn Độ (44.558 ca), Anh (38.281 ca), Iran (36.758 ca),.... Về số ca tử vong do COVID-19, trong 24 giờ qua, Mỹ cũng là quốc gia có số bệnh nhân không qua khỏi cao nhất, 1.183 ca.
Tính trên toàn thế giới, số ca mắc COVID-19 mới trong 7 ngày qua đã tăng 0,4% so với tuần trước đó, trong đó, khu vực Bắc Mỹ tăng tới 9%, châu Âu tăng 3%, còn châu Á giảm 3%, Nam Mỹ giảm 10%, châu Phi giảm 9% và châu Đại Dương giảm 2%.
Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp tại Mỹ, Thống đốc bang Illinois J.B. Pritzker đã ban hành quy định bắt buộc tiêm vaccine đối với toàn bộ người làm trong ngành giáo dục từ bậc mẫu giáo đến trung học và đại học, cũng như với đội ngũ nhân viên y tế của bang.
Cùng với đó, bang Illinois siết chặt quy định phòng chống dịch, bắt buộc mọi người từ 2 tuổi trở lên đều phải đeo khẩu trang trong không gian kín. Trong khi đó, nhiều cơ quan bộ ngành của Mỹ cũng đã ban hành quy định bắt buộc nhân viên tiêm chủng để tăng tỷ lệ người tiêm chủng trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Mỹ hiện là quốc gia có số ca mắc và tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới với 39,33 triệu ca mắc và gần 652.000 ca tử vong. Trong 7 ngày qua, nước này ghi nhận thêm 1,07 triệu ca nhiễm, tăng 9% so với tuần trước đó.
Cũng trong nỗ lực ngăn chặn các nguồn lây nhiễm, chính quyền vùng England (Anh) thông báo sẽ bổ sung Thái Lan và Montenegro vào "danh sách đỏ" buộc những người từ hai nước này khi trở về England phải cách ly trong khách sạn. Trong khi đó, "danh sách Xanh" không phải cách ly bắt buộc sẽ được bổ sung Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Lítva, Thụy Sĩ, Liechtenstein.... Quyết định này có hiệu lực từ 0300 GMT ngày 30/8.
Tại Pháp, Bộ trưởng Y tế Olivier Veran cho rằng làn sóng dịch bệnh thứ 4 tại nước này vẫn chưa qua đi. Ông hối thúc người dân nâng cao cảnh giác, đồng thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch tại thời điểm học sinh tựu trường đón năm học mới.
Tại thời điểm dịch bệnh tái bùng phát tại nước có tỷ lệ tiêm chủng cao như Mỹ và Israel, các cơ quan nghiên cứu liên tục đưa các số liệu báo cáo thực tế nhằm thuyết phục thêm nhiều người đi tiêm chủng để phòng dịch và các biến chứng nặng có khả năng dẫn tới tử vong.
Số liệu của Cơ quan Y tế Công cộng England (PHE) công bố ngày 26/8 cho thấy chương trình tiêm chủng của Anh đã ngăn ngừa hơn 100.000 ca tử vong do COVID-19 tại nước này. PHE ước tính chương trình tiêm chủng đã trực tiếp ngăn chặn từ 102.500 đến 109.500 ca tử vong, cao hơn con số ước tính từ 91.700 đến 98.700 ca trước đó. Khoảng 82.100 ca nhập viện cũng đã được ngăn chặn nhờ tiêm chủng. Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết dữ liệu mới là minh chứng cho hiệu quả của chương trình tiêm chủng.
Hệ thống Y tế Quốc gia Anh (NHS) đã lên kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em 12 tuổi trở lên sau khi học sinh tựu trường vào tuần đầu tháng 9. Tuy nhiên, Bộ Y tế Anh ngày 25/8 cho biết việc triển khai này vẫn chưa được quyết định bởi các cố vấn khoa học của chính phủ chưa có đủ bằng chứng về sự an toàn của vaccine đối với lứa tuổi này.
TTXVN
loading...