A+ A A- Kiểu đọc sách

Dịch Covid-19 tối 21/8: Đề xuất hơn 2.500 tỷ đồng hỗ trợ lao động tự do gặp khó khăn ở TP.HCM

22:00 21/08/2021
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 21/8, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết đã có tờ trình khẩn gửi UBND TP.HCM về việc bổ sung số lượng đối tượng được hỗ trợ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phức tạp kéo dài.

Chính phủ đồng ý mua bổ sung gần 20 triệu liều vaccine Pfizer

Chính phủ đồng ý mua bổ sung gần 20 triệu liều vaccine Pfizer

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 90/NQ-CP về mua bổ sung vaccine phòng COVID-19 BNT162 của Pfizer.

(Tiếp tục cập nhật)

Các trường hợp được chính sách hỗ trợ (đợt 2) gồm hộ lao động nghèo đang sinh sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu vực lao động nghèo, xóm nghèo, khu vực bị phong tỏa và lao động tự do đang gặp khó khăn do dịch bệnh trên địa bàn thành phố.

Dự kiến bổ sung lần này hơn 1 triệu trường hợp hộ lao động nghèo, có hoàn cảnh khó khăn với kinh phí dự toán hơn 1.570 tỷ đồng. Đồng thời, bổ sung hỗ trợ gần 670.000 lượt người (1,5 triệu đồng/người) lao động tự do với dự toán kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng kinh phí dự kiến bổ sung cho đợt này là hơn 2.576 tỷ đồng.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố cũng đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức chỉ đạo Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn đến tổ dân phố, tổ nhân dân, khu phố, ấp… khẩn trương rà soát kỹ và tổng hợp bổ sung hộ lao động nghèo và lao động tự do đang gặp khó khăn do thời gian giãn cách kéo dài để thực hiện chi hỗ trợ, đảm bảo độ phủ và đúng đối tượng.

Chú thích ảnh
Đông đúc các loại phương tiện giao thông trên đường Nguyễn Văn Cừ Quận 5 - TP.HCM chiều 20/8. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN

Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Lê Minh Tấn, trong trường hợp hộ nghèo, cận nghèo, hộ lao động nghèo có thành viên trong hộ hưởng chính sách hỗ trợ lao động tự do theo Nghị quyết 09 của Hội đồng nhân dân thành phố thì không hưởng tiếp chính sách hỗ trợ lần này. Việc hỗ trợ lao động tự do (đợt 2) phải đảm bảo đủ các điều kiện hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết 09 của Hội đồng nhân dân thành phố.

Việc chi hỗ trợ lần này không phân biệt số người trong hộ, không phân biệt thường trú hay tạm trú, thành phần nghề nghiệp là công nhân, lao động nghèo hay sinh viên học sinh khu ở trọ, khu lưu trú công nhân, khu vực lao động nghèo, xóm nghèo, khu vực phong tỏa… Tuy nhiên, việc chi hỗ trợ phải đảm bảo không trùng lắp, nhưng cũng không bỏ sót người, không để người dân bị thiếu đói, không để hộ đang có khó khăn mà không được hỗ trợ.

Trước đó, nhiều trường hợp công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, người lao động lao động nghèo đang sinh sống ở các khu lưu trú, nhà trọ, xóm nghèo phản ảnh tình trạng không được lập danh sách hỗ trợ theo Nghị quyết 09 của Hội đồng nhân dân thành phố; hoặc lập danh sách từ đợt hỗ trợ lần thứ nhất nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được nhận hỗ trợ khiến cuộc sống thêm khó khăn nên nhiều người có ý định về quê...

Chú thích ảnh
Bộ Thông tin và Truyền thông dành 160 tỷ đồng cho người lao động tự do tại Thành phố Hồ Chí Minh

Từ thực tiễn này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố đã tổng hợp ý kiến của Ủy ban nhân dân 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức và ghi nhận phát sinh nhiều đối tượng hơn so với dự kiến ban đầu cần được hỗ trợ do ảnh hưởng dịch COVID-19 phức tạp và kéo dài. Trong đó, phần nhiều là công nhân, lao động, sinh viên học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn đang sinh sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu vực lao động nghèo, xóm nghèo, khu vực bị phong tỏa và lao động tự do không có giao kết hợp đồng lao động có hoàn cảnh thật sự khó khăn do dịch bệnh phải ngừng việc, mất việc..

Thêm 11.321 ca F0, Bình Dương nhiều nhất với 4.505 ca

Bản tin dịch Covid-19 tối 21/8 của Bộ Y tế cho biết có 11.321 ca mắc mới, Bình Dương tiếp tục là địa phương có số ca mắc nhiều nhất với 4.505 ca.

Thông tin các ca mắc COVID-19 mới : Tính từ 18h30 ngày 20/8 đến 18h ngày 21/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 11.321 ca nhiễm mới, trong đó 22 ca nhập cảnh và 11.299 ca ghi nhận trong nước tại Bình Dương (4.505), TP. Hồ Chí Minh (4.084), Tiền Giang (589), Đồng Nai (551), Long An (393), Đà Nẵng (197), Đồng Tháp (109), Cần Thơ (100), Tây Ninh (83), Hà Nội (76), Khánh Hòa (76), An Giang (71), Nghệ An (60), Bà Rịa - Vũng Tàu (57), Phú Yên (45), Kiên Giang (43), Bình Thuận (43), Bến Tre (42), Đắk Lắk (32), Quảng Nam (32), Trà Vinh (24), Hậu Giang (12), Gia Lai (11), Lâm Đồng (10), Bình Phước (8 ), Lạng Sơn (7), Cà Mau (6), Thừa Thiên Huế (6), Quảng Bình (4), Ninh Thuận (4), Bắc Ninh (3), Quảng Ngãi (3), Thanh Hóa (3), Hà Tĩnh (3), Ninh Bình (2), Bắc Giang (2), Nam Định (1), Hải Dương (1), Phú Thọ (1) trong đó có 7.428 ca trong cộng đồng.

Ngày 21/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Dương đăng ký bổ sung 2.118 ca được lấy mẫu từ các ngày trước trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19.

Như vậy trong 24h giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 2.767 ca. Tại Bình Dương tăng 2.400 ca, TP Hồ Chí Minh tăng 709 ca, Tiền Giang tăng 222 ca, Đồng Nai giảm 135 ca, Long An tăng 26 ca.

Chú thích ảnh
Xét nghiệm sàng lọc Covid-19 tại Phú Yên

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 336.707 ca nhiễm, đứng thứ 72/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 170/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.425 ca nhiễm).

Riêng từ đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 332.626 ca, trong đó có 137.313 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Có 7/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Hải Phòng, Yên Bái. Có 3 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Kon Tum, Hà Giang, Thái Bình. 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (171.801), Bình Dương (66.447), Long An (17.440), Đồng Nai (16.839), Tiền Giang (6.575).

Về tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19: 7.272 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 21/8; Tổng số ca được điều trị khỏi: 140.087 ca; số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 687 ca; Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 24 ca.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến 20/8 là 7.540 ca, chiếm tỷ lệ 2,3% so với tổng số ca mắc và tương đương với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới. Số ca tử vong trong ngày hôm nay chưa cập nhật do Tiểu ban điều trị chưa chuyển số liệu về

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 212.537 xét nghiệm cho 905.353 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 9.268.865 mẫu cho 27.043.618 lượt người.

Trong ngày 20/8 có 190.681 liều vaccine COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 16.494.665 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 14.787.599 liều, tiêm mũi 2 là 1.707.066 liều.

Chú thích ảnh

TP.HCM: Tăng cường biện pháp phòng, chống dịch từ 0 giờ ngày 23/8

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản về việc tăng cường một số biện pháp thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19, áp dụng từ 0 giờ ngày 23/8 đến hết ngày 6/9. Trong đó, người dân “vùng xanh” được phép đi chợ 1 lần/tuần; thành lập các Tổ công tác đặc biệt ở phường, xã, thị trấn, đi chợ thay cho người dân vùng nguy cơ cao và rất cao, đảm bảo an sinh xã hội.

Theo đó, nhằm đảm bảo đạt mục tiêu kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố trước ngày 15/9, Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường thực hiện một số biện pháp giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ với phương châm “xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn; mỗi cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài phòng, chống dịch”. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố yêu cầu các sở ban ngành, quận huyện và thành phố Thủ Đức tăng cường thực hiện các biện pháp cụ thể.

Về thực hiện triệt để giãn cách xã hội, thực hiện nghiêm nhà cách ly nhà; tổ dân phố cách ly tổ dân phố; khu phố cách ly khu phố; phường, xã, thị trấn cách ly phường, xã, thị trấn. Thành lập Tổ công tác đặc biệt tại các phường, xã, thị trấn, trong đó tập trung tại những vùng có nguy cơ cao và rất cao (“vùng cam”, “vùng đỏ”). Tổ công tác tham gia công tác kiểm tra, nhắc nhở, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt giãn cách xã hội; duy trì các tổ tự quản bảo vệ “vùng xanh”; đi chợ thay cho người dân, thực hiện an sinh xã hội... Tổ hoạt động gắn với địa bàn phường, xã, thị trấn, do UBND phường, xã, thị trấn quản lý.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh ra mắt trạm y tế lưu động đầu tiên chăm sóc sức khỏe người mắc COVID-19 tại nhà

Tiếp tục kiểm soát việc di chuyển của người dân (khung giờ, đối tượng được di chuyển); hướng dẫn các cơ quan, đơn vị xác định các dấu hiệu nhận diện đối với cán bộ, công chức, người lao động của cơ quan, đơn vị mình khi tham gia lưu thông. Thống nhất triển khai từ 0 giờ ngày 23/8 (hoặc có thể sớm hơn).

Áp dụng các phương thức làm việc theo hướng cán bộ, công chức, người lao động các cơ quan nhà nước làm việc tại nhà; riêng lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch và giải quyết các công việc khẩn cấp có thể áp dụng “3 tại chỗ” hoặc theo phân công luân phiên. Quản lý hoạt động của đội ngũ người giao hàng (shipper) trong việc tổ chức phân phối hàng hóa đến các hộ dân; Chủ tịch UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức nghiên cứu, thực hiện các biện pháp bố trí để người dân đi chợ 1 lần/tuần (đối với “vùng xanh”). 

Đối với vấn đề chăm lo tốt an sinh xã hội, hỗ trợ bổ sung đầy đủ cho các đối tượng còn thiếu trong gói hỗ trợ an sinh số 2, thực hiện các biện pháp hỗ trợ chủ nhà trọ (miễn, giảm tiền điện nước); chuẩn bị 2 triệu túi an sinh, đảm bảo nguyên tắc không bỏ sót những trường hợp khó khăn; chuẩn bị các suất ăn dinh dưỡng cung cấp cho các trường hợp F0 có hoàn cảnh khó khăn.

Cùng với đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố cũng yêu cầu tăng cường biện pháp để kiểm soát, khống chế dịch bệnh, hạn chế tối đa tử vong. Về xét nghiệm, giao Sở Y tế phối hợp với UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức tăng cường xét nghiệm toàn bộ các hộ dân trong “vùng đỏ” bằng phương thức test nhanh, mẫu gộp. Bổ sung xét nghiệm một số đối tượng: nhân viên siêu thị, lái xe vận chuyển hàng hóa, nhân viên của cửa hàng thuốc, công ty môi trường đô thị, công ty dịch vụ công ích thu gom rác, lực lượng tại chốt, lực lượng hỗ trợ phòng, chống dịch, nhân viên cửa hàng xăng dầu (7 ngày/ lần).

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine cho người nước ngoài tại TP.HCM

Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu theo kế hoạch. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin kịp thời, định hướng dư luận xã hội đối với việc tiêm vaccine. Thành lập thêm 400 trạm y tế lưu tại các khu vực có nhiều F0, có chức năng tham gia sơ cấp cứu, theo dõi F0 đang điều trị tại nhà. Trạm y tế được trang bị các túi thuốc, 3-5 bình oxy, máy đo SpO2, dụng cụ test nhanh... Chuẩn bị 100.000 túi thuốc điều trị F0 tại nhà.

Ngoài ra, Sở Công Thương trên cơ sở hệ thống phân phối sẵn có của thành phố, phối hợp với Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương điều phối đảm bảo cung cấp đầy đủ hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu cho thành phố. Cùng với đó, các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp, chỉ được tiếp tục hoạt động nếu đảm bảo các tiêu chí quy định.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện của từng địa phương, bao gồm đầy đủ các nội dung, biện pháp thực hiện giãn cách, đảm bảo an ninh trật tự, cung ứng lương thực, thực phẩm cho các hộ dân; theo dõi, chăm sóc các F0 tại nhà, đảm bảo an sinh cho các trường hợp khó khăn, điều phối, bố trí lực lượng và trang thiết bị hợp lý.

Chú thích ảnh
Trung tâm Hồi sức tích cực của Bệnh viện Việt Đức tại TP Hồ Chí Minh tích cực điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng

TP.HCM: Dừng giao hàng tại TP Thủ Đức và 7 quận, huyện từ 0h ngày 23/8

Chiều 21/8, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức họp báo thông tin về công tác phòng, chống dịch những ngày tới. Trưởng Ban Tuyên giáo TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê thông tin, sáng nay, mật độ lưu thông đông hơn bình thường, tiến độ giãn cách hết sức lo lắng, các siêu thị, trung tâm thương mại người dân tập đông hơn...

Trước đó ngày 20/8, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM có văn bản về tăng cường một số biện pháp thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19. Thành phố tăng cường thực hiện một số biện pháp giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 với phương châm “xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn; mỗi cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài phòng chống dịch" kể từ 0h ngày 23/8 đến hết ngày 6/9.

Chú thích ảnh
Người dân TP.HCM đổ xô mua hàng hoá, thực phẩm 

Đà Nẵng tiếp tục yêu cầu 'ai ở đâu ở yên đó' đến 8 giờ ngày 26/8

Trưa 21/8, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định 2836/QĐ-UBND về việc tiếp tục thực hiện Quyết định số 2788/QĐ-UBND ngày 14/8/2021 của Chủ tịch UBND thành phố trên toàn địa bàn thành phố từ 8 giờ ngày 23/8 đến 8 giờ ngày 26/8.

Quyết định nêu rõ, cho phép những người tham gia hoạt động giao nhận hàng hóa thuộc các đơn vị cung ứng hàng hóa và những người giao hàng công nghệ (gọi chung là shipper) được giao hàng cho các hộ có nhu cầu (đối với các hộ ở trong khu vực cách ly y tế thì giao hàng tại các chốt kiểm soát, lực lượng tại các chốt chuyển cho các hộ đặt hàng), kèm theo các quy định cụ thể như: Hàng hóa được phép giao nhận, vận chuyển gồm lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu từ các trung tâm thương mại, các siêu thị, các chuỗi cửa hàng tiện lợi (siêu thị mini), công ty thương mại đầu mối được phép hoạt động theo Quyết định 2788/QĐ-UBND; thời gian hoạt động ngày 23/8, từ 8 giờ 30 phút đến 20 giờ; các ngày còn lại bắt đầu từ 6 giờ đến 20 giờ.

Bên cạnh đó, các shipper phải đảm bảo các điều kiện gồm: đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine phòng COVID-19, xét nghiệm SARS-CoV-2 định kỳ 3 ngày 1 lần bằng phương pháp RT-PCR, đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 thực hiện 5K, phải mặc trang phục bảo hộ của ngành y tế, mang khẩu trang đạt chuẩn, đeo kính chống giọt bắn, găng tay và phải khử khuẩn tay bằng nước sát khuẩn theo quy định.

Ngoài ra, các shipper phải có thẻ nhận diện tham gia giao thông do Công an thành phố cấp kèm theo giấy tờ tùy thân và các giấy tờ xác nhận người đã tiêm vaccine, xét nghiệm.

Chú thích ảnh

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh yêu cầu Sở Y tế tiếp tục thực hiện kế hoạch và tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 phù hợp với từng mức độ nguy cơ, từng đối tượng, đánh giá sát tình hình dịch và đề xuất các giải pháp phòng, chống dịch có hiệu quả; Sở Công Thương tổ chức thực hiện phương án đảm bảo cung ứng kịp thời lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu đến người dân thành phố; rà soát, lập danh sách shipper đủ điều kiện tham gia hoạt động theo quy định; Công an thành phố cấp thẻ nhận diện tham gia giao thông cho shipper, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố và các địa phương liên quan tổ chức tiếp nhận và cấp phát gạo đến người dân kịp thời, đúng quy định; các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, đảm bảo công tác phòng, chống dịch trên địa bàn xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

Thủ tướng Phạm Minh Chính điện đàm với Chủ tịch, Giám đốc điều hành Công ty Pfizer

Tối 20/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc điện đàm với Chủ tịch, Giám đốc điều hành Công ty Pfizer, ông Albert Bourla.

Trước đó, ngày 9/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có thư gửi ông Albert Bourla về hợp tác vaccine.

Tại cuộc điện đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò và những đóng góp của Công ty Pfizer trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc sức khỏe toàn cầu trong suốt bề dày hoạt động của mình, đặc biệt là trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 hiện nay, thông qua việc phát triển thành công vaccine Pfizer/BioNTech với triết lý "Những đột phá sẽ thay đổi cuộc sống của bệnh nhân".

Thủ tướng Chính phủ cũng bày tỏ cảm ơn Công ty Pfizer đã có những đóng góp thiết thực vào quá trình phát triển ngành y tế tại Việt Nam, cũng như đã hợp tác tích cực để chuyển giao vaccine cho Việt Nam theo hợp đồng cung cấp 31 triệu liều giữa Pfizer với Chính phủ Việt Nam. Vừa qua, Chính phủ Việt Nam cũng đã thông qua việc mua bổ sung gần 20 triệu liều vaccine từ Công ty.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Dương Giang – TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam đang quyết liệt thực hiện Chiến lược vaccine, tích cực triển khai chiến dịch tiêm chủng toàn quốc để có thể đạt mục tiêu đến đầu năm 2022 tiêm chủng cho 70% dân số, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.

Do vậy, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Pfizer ưu tiên, quan tâm và đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giao vaccine cho Việt Nam theo các hợp đồng, thỏa thuận, trước mắt là hoàn thành cam kết số lượng vaccine giao trong tháng 8, tháng 9 và quý IV năm 2021, sớm bàn giao vaccine cho trẻ em và người dưới 18 tuổi.

Đồng thời, Thủ tướng mong muốn Pfizer hỗ trợ để Việt Nam được vay, nhượng lại số vaccine hiện chưa có nhu cầu sử dụng từ nước khác; đề xuất tăng cường và thiết lập các hình thức hợp tác mới như chuyển giao công nghệ về vaccine và nhất là thuốc điều trị COVID-19.

Thủ tướng Chính phủ cũng bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác chiến lược, lâu dài với Pfizer trong lĩnh vực dược phẩm, nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực y tế cho Việt Nam; khẳng định Chính phủ Việt Nam đặt quan tâm hàng đầu là an sinh xã hội, chăm lo sức khoẻ cho nhân dân.

Chủ tịch, Giám đốc điều hành Pfizer Albert Bourla khẳng định Pfizer cũng như cá nhân ông ghi nhận và đánh giá rất cao những nỗ lực, các biện pháp của Chính phủ Việt Nam trong ứng phó dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe người dân, tin tưởng Việt Nam sẽ sớm kiểm soát được dịch bệnh.

Ông Albert Bourla chia sẻ, sự xuất hiện của chủng virus Delta đã và đang làm tăng mạnh số ca lây nhiễm trên toàn cầu, gây nhiều khó khăn cho Công ty trong việc đáp ứng nhu cầu rất lớn của thế giới về vaccine hiện nay.

Tuy nhiên, trước đề nghị của Thủ tướng, Chủ tịch Pfizer cam kết sẽ nỗ lực hết sức, tìm mọi phương án để đẩy nhanh tiến độ giao vaccine cho Việt Nam trong tháng 8, tháng 9 và quý IV năm 2021; sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ Việt Nam được nhận chuyển nhượng và các hình thức chuyển giao vaccine khác từ các quốc gia; tích cực ủng hộ Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam về vaccine. Đồng thời, Chủ tịch Pfizer hoan nghênh và sẵn sàng hợp tác chiến lược, lâu dài với Việt Nam theo đề nghị của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Trước thông tin từ Chủ tịch Pfizer về tiến độ nghiên cứu, sản xuất các loại thuốc điều trị COVID-19, Thủ tướng cho biết sẽ giao Bộ Y tế và cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Hoa Kỳ sớm liên hệ với đại diện Công ty để thúc đẩy hợp tác cụ thể trong lĩnh vực này.

Ngày 20/8, tại sân bay Warsaw Chopin, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ba Lan Nguyễn Hùng cùng cán bộ Đại sứ quán đã tham dự buổi lễ bàn giao 501.600 liều vaccine ngừa COVID-19 do Chính phủ Ba Lan viện trợ Việt Nam.

Lô vaccine này sẽ về Việt Nam trong ngày 21/8. Dự lễ bàn giao về phía Ba Lan có Thứ trưởng Ngoại giao Paweł Jabłoński, Thứ trưởng Y tế Anna Goławska, Cục trưởng Cục Dự trữ Chiến lược Quốc gia Michał Kuczmierowski - các bên liên quan trực tiếp trong quá trình đàm phán viện trợ và chuyển nhượng vaccine cho Việt Nam. 

Việt Nam là quốc gia ngoài châu Âu đầu tiên mà Ba Lan viện trợ vaccine và trang thiết bị y tế. Hơn thế, quốc gia Đông Âu này còn là nước đầu tiên nhượng lại cho Việt Nam số lượng vaccine lớn như vậy. 

Thảo Nhi - P.V/TTXVN. Ảnh: TTXVN phát

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...