A+ A A- Kiểu đọc sách

Dịch COVID-19: Muốn chiến thắng dịch cần sự đồng lòng của toàn dân

21:09 08/03/2020
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 8/3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (COVID-19) đã họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo.

Cập nhật dịch COVID-19: Công bố ca bệnh thứ 30 tại Việt Nam

Cập nhật dịch COVID-19: Công bố ca bệnh thứ 30 tại Việt Nam

Tới 19 giờ 30 ngày 8/3/2020 đã phát hiện thêm một ca mới nhiễm virus SARS-COV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam lên 30.

* Kiểm soát tốt các ca nhiễm mới

Tính đến 17 giờ 30 chiều nay (8/3), Việt Nam đã phát hiện thêm 8 ca nhiễm COVID-19, gồm: 4 ca ở Quảng Ninh, 2 ca ở Lào Cai, 2 ca ở Đà Nẵng. Tất cả những ca bệnh này đều là hành khách nước ngoài bay trên chuyến bay VN54 từ London tới Nội Bài sáng 2/3/2020. Như vậy, tới thời điểm này, tổng số ca bệnh COVID - 19 tại Việt Nam là 29, trong đó 16 ca đã được điều trị khỏi hoàn toàn; 13 ca đang được điều trị cách ly, tình trạng sức khoẻ ổn định.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo phát biểu. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Trước đây, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona đã chỉ đạo tất cả các địa phương tăng cường sự giám sát đối với các trường hợp lây bệnh. Sau khi phát hiện được 13 ca bệnh mới (trong hai ngày 7-8/3), các cơ quan chức năng đã tăng cường giám sát, cách ly đối với tất cả hành khách trên máy bay và yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm việc này. Ngày 8/3, đã phát hiện thêm 8 trường hợp là người Anh và Ireland, trong đó có 7 trường hợp là người Anh, vào Việt Nam để du lịch.

Hiện, 8 người này có những triệu chứng sốt, có trường hợp ho. Có thể nói, tiến triển lâm sàng của 8 trường hợp này đang được kiểm soát tốt. Bộ Y tế đã phối hợp với chính quyền các địa phương rà soát lại tất cả những người đã tiếp xúc với 8 ca bệnh này. Đối với người tiếp xúc gần, tiếp xúc trực tiếp sẽ được cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung. Đối với người tiếp xúc với những người tiếp xúc với các ca bệnh này phải tự cách ly và có giám sát về mặt y tế. Hiện, các địa phương đang triển khai rất tích cực việc này.

Liên quan đến thông tin về trường hợp một Bộ trưởng có nghi nhiễm và giám sát y tế, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết: Thời gian qua, mạng xã hội xôn xao về việc Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bị nhiễm COVID-19. Bộ Y tế đã tiến hành lấy mẫu và xét nghiệm ở 2 labo. Kết quả của hai labo đến thời điểm hiện nay là âm tính và sức khỏe của của Bộ trưởng qua giám sát y tế cho thấy vẫn khỏe mạnh. Hiện, Bộ trưởng đang được cách ly và giám sát chặt chẽ y tế. 

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo, chuyên gia y tế đã tập trung thảo luận về các nguồn lây bệnh trên chuyến bay VN54; phương án kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh, nhất là người đến từ các nước đang có dịch. Đồng thời, Ban Chỉ đạo cũng đề nghị các doanh nghiệp công nghệ thông tin khẩn trương hoàn thiện ứng dụng khai báo sức khoẻ dành cho người dân; khuyến cáo người dân hạn chế tối đa việc đi đến các nước có ca nhiễm COVID-19.

* Toàn dân cần thực hiện khai báo y tế 

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Có thể nói Việt Nam đã thắng chiến dịch mở màn trong cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19 nhưng chưa chiến thắng cả cuộc chiến. Nhưng nhất định Việt Nam sẽ chiến thắng.

"Từ hơn 2 ngày nay chúng ta đã chính thức bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 khi ca bệnh thứ 17 xuất hiện. Giai đoạn 2 khó hơn giai đoạn đầu bởi dịch đã lan ra hơn 100 nước. Chúng ta phải ngăn chặn dịch bệnh từ trăm ngả thay vì một vài ngả như trước đây. Thực tế virus này đã xâm nhập vào nước ta, “đang âm thầm mai phục”. Nếu chúng ta không làm tốt sẽ gặp tình huống “trong đánh ra, ngoài đánh vào”. Khó khăn là thế nhưng chúng ta đã lường trước mọi tình huống, có kịch bản sẵn sàng ứng phó với tình huống, ngay cả khi có hàng ngàn ca nhiễm. Những ngày tới đây nếu có vài chục, vài trăm ca nhiễm cũng không có gì bất ngờ. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải tiếp tục kiên trì thực hiện nghiêm nguyên tắc chống dịch, là ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Khi virus đã vào Việt Nam, việc phát hiện sớm để ngăn chặn vô cùng quan trọng” - Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng yêu cầu thời gian tới, cần đề cao kỷ cương, trách nhiệm, thực hiện thật nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia… Thời gian qua, Ban Chỉ đạo chỉ đạo bằng văn bản yêu cầu mọi cơ sở khám chữa bệnh tổ chức cách ly người bệnh ngay từ khi đến khám nếu có các biểu hiện như sốt, ho nhưng rõ ràng mấy ngày qua đã có bệnh viện không thực hiện. Trách nhiệm thuộc về cấp nào, thuộc về ai phải xử lý nghiêm.

Bên cạnh đó, các ngành, các cấp, cơ quan chức năng cần rà soát, hoàn chỉnh lại tất cả các hướng dẫn để có các hướng dẫn chính xác, đơn giản, dễ hiểu nhất giúp người dân hiểu rõ về dịch bệnh, những việc cần làm, những việc không được làm để chống dịch… Ví dụ như thông tin trên các phương tiện từ công nghệ thông tin, cho đến áp phích, truyền thông đại chúng… phải làm đồng bộ để người dân đều biết, được hướng dẫn trong mọi tình huống, từ nhà ra ngoài đường, sử dụng phương tiện giao thông công cộng, chỗ đông người vào nhà hàng, siêu thị, đi làm ở công sở, nhà máy.

Phó Thủ tướng đề nghị phải tăng cường các biện pháp ngăn chặn, khuyến cáo, hạn chế tối đa người Việt Nam đi ra nước ngoài hoặc qua nước đã có người nhiễm COVID-19; chỉ đi khi thực sự cần thiết, và phải được trang bị đầy đủ kiến thức đầy đủ để đảm bảo an toàn trước lúc đi, khi ở nước ngoài, sau khi về Việt Nam.

Về nhập cảnh, Ban Chỉ đạo đã thảo luận, thống nhất kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ tạm dừng miễn thị thực đơn phương với các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Anh; với những nước ngoài EU có trên 500 ca nhiễm hoặc có trên 50 ca nhiễm tăng trong một ngày cũng đề nghị tạm dừng; từ chối cấp thị thực cho người nước ngoài vào Việt Nam nếu có các triệu chứng, yếu tố dịch tễ theo quy định.

"Chúng ta đã thực hiện khai báo y tế bắt buộc với mọi người nhập cảnh vào Việt Nam, tuy nhiên như vậy cũng chưa đủ mà cần triển khai khai báo y tế với mọi người Việt Nam. Đây không chỉ là trách nhiệm chống dịch theo quy định pháp luật, còn là hành động cụ thể để mọi người Việt Nam chung sức, đồng lòng, toàn dân chống dịch. Các thông tin khai báo phải được quản lý chặt chẽ, chỉ phục vụ chống dịch, không sử dụng vào mục đích khác. Các bộ: Thông tin và Truyền thông, Y tế; Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các nhà mạng, các đơn vị công nghệ thông tin khẩn trương hoàn thiện phương án tổ chức, các công cụ công nghệ để chậm nhất là từ sáng 10/3 thực hiện khai báo sức khoẻ toàn dân trên toàn quốc" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cùng các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục thực hiện tốt công tác điều trị, bảo đảm bất cứ ai bị nhiễm COVID-19 đều được chữa khỏi, để "dù có nhiều ca nhiễm, dù con virus COVID-19 ở đâu, có đáng sợ như thế nào, chúng ta cũng sẽ chiến thắng”. Phó Thủ tướng tin tưởng và khẳng định: "Nếu toàn dân đồng lòng chống dịch, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng dịch bệnh COVID-19 như dân tộc Việt Nam đã nhiều lần chiến thắng".

Phúc Hằng - TTXVN

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...