A+ A A- Kiểu đọc sách

Dịch Covid-19 chưa thể kết thúc trong 6 tháng đầu năm 2021

14:11 19/02/2021
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 19/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến về phòng, chống dịch Covid-19 với 63 Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các đơn vị trực thuộc, các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19.

Dịch Covid-19 đến sáng 19/2: Thế giới có 110,81 triệu ca bệnh, 2,45 triệu người đã tử vong

Dịch Covid-19 đến sáng 19/2: Thế giới có 110,81 triệu ca bệnh, 2,45 triệu người đã tử vong

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h sáng 19/2 theo giờ Việt Nam, toàn thế giới có 110,81 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó 2,45 triệu người đã tử vong. Số người nhiễm đã phục hồi trên toàn cầu đến nay là 85,75 triệu người, trong khi số người cần điều trị tích cực chiếm 0,4% trong tổng số 22,60 triệu ca nhiễm còn lại. 

Theo nhận định của Bộ Y tế, trong đợt dịch mới này (tính từ ngày 25-1 đến nay), tại Việt Nam đã ghi nhận 3 chủng biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2. Dịch Covid-19 chưa thể kết thúc trong 6 tháng đầu năm 2021, do đó, nước ta cần xác định công tác phòng dịch là nhiệm vụ trọng tâm và lâu dài.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến về phòng, chống dịch Covid-19.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến về phòng, chống dịch Covid-19.

5 ổ dịch lớn tại tỉnh Hải Dương

Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện Việt Nam đứng thứ 172 trên thế giới, thứ 41 châu Á và thứ 7 Đông Nam Á về số ca mắc Covid-19. Thế giới tiếp tục ghi nhận các biến chủng mới. Tại Việt Nam, ngoài chủng biến thể ghi nhận tại đợt dịch ở thành phố Đà Nẵng, trong đợt dịch từ ngày 25-1 đến nay, Việt Nam ghi nhận thêm 3 biến chủng mới từ Anh, Nam Phi, Rwanda (châu Phi). Trong đó biến chủng Anh B.1.1.7 được xác định có khả năng lây lan nhanh. Hiện biến chủng B.1.1.7 đã xuất hiện ở hơn 90 quốc gia trên thế giới.

Theo ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), các ổ dịch lớn tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh cơ bản đã được kiểm soát. Các ổ dịch khác như ở Hải Phòng, Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang và Gia Lai không ghi nhận ca mắc trong vòng 7-20 ngày qua. Riêng tình hình dịch tại Hải Dương vẫn còn diễn biến phức tạp.

Từ ca bệnh đầu tiên vào ngày 25-1 cho đến nay, tại Hải Dương đã có 575 trường hợp mắc tại tất cả 12/12 huyện, thị xã, thành phố. Mỗi ngày, tại địa phương này ghi nhận trung bình 24 ca bệnh, ngày nhiều nhất ghi nhận 45 ca bệnh. Có 5 ổ dịch lớn tại đây, gồm: Thành phố Chí Linh, huyện Cẩm Giàng, thị xã Kinh Môn, huyện Nam Sách và thành phố Hải Dương. Ngoài ra, tại địa phương này cũng đã ghi nhận các ca bệnh ngoài cộng đồng. Riêng 3 ngày gần đây, tại Hải Dương ghi nhận 74 trường hợp mắc. Các ca bệnh chủ yếu được ghi nhận tại khu vực cách ly.

So sánh đặc điểm ổ dịch tại tỉnh Hải Dương và thành phố Đà Nẵng, theo ông Đặng Quang Tấn, số ca mắc tại Hải Dương là 575 ca đã vượt xa số mắc tại Đà Nẵng (389 ca). Riêng số mắc trung bình trong 20 ngày đầu tiên của Hải Dương (20 ca/ngày) cao hơn so với Đà Nẵng (15 ca/ngày). Dịch tại Hải Dương xảy ra tại những cụm công nghiệp với lượng công nhân lớn.

"Trong 2 tuần đầu tiên, số ca mắc tại Đà Nẵng đã có xu hướng giảm trong khi tại Hải Dương vẫn chưa rõ xu hướng. Ngoài ra, tại Hải Dương đã xuất hiện các ổ dịch trong cộng đồng. Số lượng còn lại phải cách ly tập trung rất lớn. Đặc biệt, biến chủng vi rút tại Hải Dương (biến thể tại Anh B.1.1.7 có khả năng lây lan nhanh hơn vi rút gây dịch tại Đà Nẵng (biến thể châu Âu D614G)", ông Đặng Quang Tấn nói.

Nâng mức cảnh giác cao nhất với Covid-19 trong quý I-2021

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, về nhiệm vụ trọng tâm quý I-2021, Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy Đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo mọi điều kiện, phương tiện, mọi biện pháp kiểm soát đại dịch Covid-19, không để ảnh hưởng tới cuộc sống người dân và phát triển kinh tế, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu, vừa cấp bách, vừa lâu dài. Ngay từ những ngày đầu năm 2021 phải nâng mức cảnh giác cao nhất đối với Covid-19; huy động toàn thể hệ thống chính trị tham gia công tác phòng, chống dịch; tuyệt đối không chủ quan, lơ là.

Quang cảnh cuộc họp trực tuyến tại các điểm cầu.
Quang cảnh cuộc họp trực tuyến tại các điểm cầu.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, dịch Covid-19 sẽ không thể kết thúc trong 6 tháng đầu năm và cả năm 2021. Theo quan điểm và yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, người đứng đầu cấp ủy phải chịu trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn của mình, đồng thời chỉ đạo trực tiếp công tác này.

"Như đã nhận định ban đầu, đợt dịch lần này tương đối phức tạp do vi rút gây nên là biến chủng vi rút của Anh, tốc độ lây nhiễm tăng hơn 70%. Do đó, trong thời gian ngắn chúng ta phát hiện nhiều ca bệnh. Thêm vào đó, ổ dịch xảy ra ở khu công nghiệp, trong khi các tỉnh, thành phố đều có các khu công nghiệp nên đây là nguy cơ cao. Đồng thời, dịch xảy ra ngay trước và trong dịp Tết nên mức độ phức tạp càng cao hơn", ông Nguyễn Thanh Long nói.

Cũng theo người đứng đầu ngành Y tế, thực tế cho thấy, dịch có thể xảy ra bất cứ nơi nào, địa điểm nào. Đơn cử như ở tỉnh Gia Lai, tưởng chừng như không có nhưng vẫn xuất hiện ca bệnh, nên một số tỉnh khác cũng vậy. "Các địa phương phải chủ động lên phương án, kịch bản để sẵn sàng đối phó khi dịch xảy ra. Trong đó, quan tâm đến vấn đề bố trí khu vực cách ly để không bị động... Khi bố trí khu vực cách ly, bảo đảm cách ly những trường hợp F1 thì mới tách mầm bệnh ra khỏi cộng đồng, có thể ngăn chặn được dịch", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị, các địa phương cần có phương án xét nghiệm và lấy mẫu, nhất là xét nghiệm trên diện rộng, do đó, phải tập huấn nhân lực lấy mẫu, xét nghiệm và sẵn sàng trang thiết bị cho tình huống dịch bùng phát.

Đề cập nguy cơ dịch Covid-19 luôn hiện hữu, ông Đặng Quang Tấn cho rằng, hiện đã ghi nhận các trường hợp dương tính chưa rõ nguồn lây. Thời gian sau kỳ nghỉ Tết, người dân từ các địa phương quay trở lại làm việc, nguy cơ phát hiện ca bệnh mới trong cộng đồng luôn thường trực, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. "Thậm chí, ngay các cơ quan, xí nghiệp cũng cần rà soát công tác bảo đảm an toàn phòng dịch...", ông Đặng Quang Tấn nhấn mạnh.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

Theo Hà Nội mới

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...