A+ A A- Kiểu đọc sách

Dịch bệnh do virus corona: Dự báo khách quốc tế đến Việt Nam quý I/2020 giảm mạnh

14:30 11/02/2020
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Trước diễn biến dịch viêm đường hô hấp cấp (Virus Corona), Tổng cục Thống kê dự báo kết thúc quý I/2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 644.000 lượt khách, giảm khoảng 800.000 lượt khách so với trường hợp không có dịch bệnh xảy ra.

Đón 18 triệu khách quốc tế, du lịch Việt Nam đạt kỳ tích 'vàng' trong năm 2019

Đón 18 triệu khách quốc tế, du lịch Việt Nam đạt kỳ tích 'vàng' trong năm 2019

Du lịch Việt Nam trong năm 2019 đã đạt kỷ lục về lượng khách quốc tế, đồng thời thương hiệu, hình ảnh du lịch Việt Nam được tôn vinh với nhiều giải thưởng danh giá trên thế giới.

Dựa vào kết quả điều tra chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam, bình quân mỗi khách Trung Quốc chi tiêu khoảng 743,6 USD, các khách đến từ các quốc gia khác chi tiêu bình quân 1.141,5 USD/khách. Chi tiêu này gồm: thuê phòng, ăn uống, đi lại, tham quan, mua hàng hóa, vui chơi giải trí, y tế và chi khác. Theo tính toán, nếu dịch kéo dài hết quý I/2020, thiệt hại về doanh thu từ khách quốc tế năm 2020 là khoảng 2,3 tỷ USD.

Tổng cục Thống kê cho biết, trong giai đoạn dịch bệnh thì không có khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam và số lượng khách từ các quốc gia khác nhập cảnh vào nước ta cũng giảm mạnh do Việt Nam tiếp giáp với Trung Quốc. Dự kiến số lượng khách sẽ giảm từ 50 - 60% trong giai đoạn có dịch.

Thông tin từ Cục Thống kê tỉnh Khánh Hòa cho thấy, Nha Trang dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do khách Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng số khách quốc tế đến du lịch, với hơn 70% tổng lượt khách quốc tế trong năm 2019.

Chú thích ảnh
Khách du lịch nước ngoài tham quan, chụp ảnh các danh thắng trong thành phố Nha Trang. Ảnh: Phan Sáu - TTXVN

Hiện nay, nhiều cuộc họp, hội nghị cũng bị trì hoãn để phòng, chống sự lây lan của dịch bệnh khiến sụt giảm đáng kể lượng khách du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo và khách doanh nghiệp tại các thành phố lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh...

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, vận tải hàng không chắc chắn bị ảnh hưởng nặng nề do những tác động của dịch bệnh gây ra. Hiện tại, Cục Hàng không Việt Nam đã dừng cấp phép đối với các chuyến bay thường lệ từ Việt Nam đến Trung Quốc và ngược lại cho đến khi có chỉ đạo của Chính phủ.

Cụ thể, có 11 hãng hàng không Trung Quốc đang khai thác 32 đường bay từ 14 điểm tại Trung Quốc đến 5 điểm tại Việt Nam gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cam Ranh và Phú Quốc với tần suất khai thác 240 chuyến/tuần. Việt Nam cũng có 3 hãng hàng không gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines và Vietjet Air đang khai thác 72 đường bay thường lệ và không thường lệ (thuê chuyến) đến 48 điểm tại Trung Quốc với tần suất 401 chuyến/tuần. Như vậy, trước lệnh ngừng bay toàn bộ các chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc từ chiều 1/2, trung bình mỗi ngày có trên 80 chuyến bay qua lại giữa Việt Nam và Trung Quốc bị hủy chuyến.

Chú thích ảnh
Khách quốc tế chủ động sử dụng khẩu trang để phòng chống dịch nCoV khi đến tham quan các điểm du lịch công cộng tại Đà Nẵng. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

Vận tải đường bộ và đường sắt cũng ảnh hưởng do lượng khách đi du lịch, lễ hội giảm kéo theo các dịch vụ hỗ trợ vận tải cũng sụt giảm, đặc biệt là dịch vụ hỗ trợ vận tải ngành hàng không như: dịch vụ quản lý bay, dịch vụ cảng hàng không...

Theo đánh giá kịch bản tăng trưởng, giá trị sản xuất ngành vận tải chỉ tăng khoảng 5% theo giá so sánh trong quý I và chỉ tăng 3,5% trong quý II theo giá so sánh trong trường hợp dịch kéo dài hết quý II/2020.

Để nâng cao hiệu quả từ các dịch vụ du lịch, Tổng cục Thống kê đề xuất kéo dài việc hạn chế hoạt động của các điểm giao dịch, chợ đầu mối, trung tâm phân phối hàng hóa nông sản tại nhiều địa phương của Trung Quốc nhằm tránh tập trung đông người và tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan; kéo dài việc đóng cửa giao dịch mua bán tại các cặp chợ thuộc địa bàn giáp biên.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, địa phương cần duy trì hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch đối với các thị trường đang có tốc độ tăng trưởng tốt trong năm 2019 và các thị trường mới, thị trường có tiềm năng khai thác, trước mắt là Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Anh, Australia; đồng thời thực hiện thí điểm thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở các thị trường trọng điểm để tăng cường thu hút khách du lịch.

Tổng cục Thống kê cho biết, tháng 1 là kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nên doanh thu từ du lịch lữ hành ước tính đạt 4.200 tỷ đồng, giảm 2% so với tháng trước và tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, doanh thu của Đà Nẵng tăng 16,6%; Cần Thơ tăng 9,2%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 7,2%; Hải Phòng tăng 6,2%; Hà Nội tăng 5,6%.

Thúy Hiền/TTXVN

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...