Di dời toàn bộ nhà nổi để cải tạo Hồ Tây
(Thethaovanhoa.vn) - Trước việc hầu như các Doanh nghiệp đang hoạt động tai khu vực Hồ Tây chưa tháo dỡ, di dời, sáng 16/2, UBND phường Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội) đã có cuộc làm việc với các chủ du thuyền, nhà nổi ở khu vực bến thủy Hồ Tây (từ số 2 đến số 10 đường Nguyễn Đình Thi).
- Hồ Tây - Linh Đàm ngập rác ngày tiễn Táo quân về trời
- Vụ cá chết Hồ Tây: Công an vào cuộc điều tra nguyên nhân
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó trưởng ban quản lý Hồ Tây, kết quả cuộc kiểm tra của đoàn liên ngành mới đây cho thấy, giấy phép hoạt động bến thủy nội địa của tất cả các công trình từ số 2 đến số 10 Nguyễn Đình Thi đã hết hạn; đăng kiểm của một số phương tiện cũng đã hết hạn.
Tàu nạo vét bùn tại Hồ Tây
Về kiến nghị của các DN việc bồi thường cho chi phí, lãnh đạo phường Thụy Khuê cho rằng, đây là xử lý vi phạm chứ không phải giải phóng mặt bằng nên sẽ không có chuyện bồi thường.
Thực hiện chủ trương cải tạo khu vực Hồ Tây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung giao UBND quận Tây Hồ chấm dứt hoàn toàn hoạt động của các doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ, văn hóa, thể thao du lịch, vui chơi giải trí, nuôi trồng, khai thác thủy sản trong phạm vi quản lý Hồ Tây; đồng thời, xác định vị trí tập kết và tổ chức di chuyển các tàu thuyền, phương tiện nổi về một vị trí tập kết; xây dựng kế hoạch tháo dỡ, di dời triệt để các phương tiện này khỏi Hồ Tây; tháo dỡ các cầu dẫn, sàn nổi... trên Hồ Tây. Chủ tịch TP cũng yêu cầu các công việc nói trên phải hoàn thành ngay trong quý I/2017.
Theo quan sát của phóng viên, các phương tiện thủy (bao gồm các tàu thuyền, nhà nổi, sàn nổi thương mại...) tập trung chủ yếu tại các khu vực như đầu đường Nguyễn Đình Thi, đường Thanh Niên. Còn tại khu vực Đầm Bẩy, Tây Hồ (khu vực dự kiến các thuyền được cấp phép hoạt động sẽ di dời về đây), có 3 du thuyền đang hoạt động từ trước đến nay, cộng thêm du thuyền Tây Long mới di dời về từ ngày 7/2, thì đến nay có 4 du thuyền.
Theo quyết định của UBND thành phố Hà Nội, những DN đang hoạt động tại khu vực Hồ Tây, nếu có giấy phép hoạt động thì chủ trương của TP là sẽ di dời cho DN về bến mới để hoạt động (dự kiến bến mới sẽ là khu vực Đầm Bẩy).
Trong thông báo của UBND thành phố Hà Nội, việc di chuyển về bến Đầm Bảy, Nhật Tân được giao cho Sở Giao thông vận tải Hà Nội thiết kế mẫu cầu, phê duyệt; sau đó giao cho các DN để tự thực hiện. Nhưng đến nay, các DN chưa di chuyển được theo thông báo của UBND thành phố Hà Nội vì chưa được bàn giao địa điểm cụ thể để di chuyển, chưa nhận được thiết kế cầu bến được phê duyệt.
Chỉ đạo mới nhất của UBND Thành phố Hà Nội đã giao cho UBND quận Tây Hồ nhiệm vụ thiết kế, sắp xếp các du thuyền Hồ Tây về Đầm Bảy.
Thông báo mới đây của UBND thành phố, do ông Phạm Quý Tiên, Chánh Văn phòng UBND thành phố ký, đã ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp, yêu cầu doanh nghiệp có báo cáo gửi UBND thành phố trong tháng 2/2017 (qua Văn phòng UBND thành phố hoặc UBND quận Tây Hồ) về quá trình hoạt động, kinh doanh của doanh nghiệp tại khu vực Hồ Tây, nguồn gốc xuất xứ của tàu, thuyền, phương tiện nổi, bao gồm thời gian đống, thời gian đưa vào sử dụng, vận hành...; nguyện vọng của doanh nghiệp đối với kế hoạch đầu tư, xây dựng, cải tạo, chỉnh trang, quản lý, khi thác khu vực Hồ Tây, trong đó có kế hoạch đóng tàu thuyền đạt tiêu chuẩn quốc tế để đề nghị UBND Thành phố xem xét, lựa chọn. |
Theo XC - Tin tức