A+ A A- Kiểu đọc sách

Để hồi sinh di tích xuống cấp ở Hà Nội: Mỏi mòn chờ đầu tư

08:09 28/05/2019
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Nhắc tới di sản văn hóa vật thể ở Hà Nội là có thể kể tới 5.922 di tích, trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 1 di sản tư liệu thế giới, 16 di tích quốc gia đặc biệt cùng hàng nghìn di tích cấp quốc gia và di tích cấp thành phố. Đó là niềm tự hào của người Hà Nội. Nhưng bên cạnh đó, cũng còn tồn tại hơn 2.000 di tích xuống cấp, trong đó 507 di tích xuống cấp nặng, 220 di tích xuống cấp nghiêm trọng khiến thành phố Hà Nội đang loay hoay tìm nguồn lực để tu bổ, tôn tạo.

Tu bổ, tôn tạo di tích ở Hà Nội: Hàng loạt di tích xuống cấp nghiêm trọng

Tu bổ, tôn tạo di tích ở Hà Nội: Hàng loạt di tích xuống cấp nghiêm trọng

Với gần 6000 di tích lịch sử, văn hóa, Hà Nội là địa phương có nhiều di tích nhất cả nước. Thời gian qua, dù thành phố đã quan tâm, đầu tư kinh phí để tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích, song nhiều công trình vẫn xuống cấp nghiêm trọng.

TTXVN giới thiệu chùm 3 bài viết về thực trạng, nguyên nhân cũng như hướng để "cứu" di tích bị xuống cấp ở Hà Nội.

Cột gỗ mối mọt, ngói xô lệch, thủng  mái, tường bong tróc… là điều thường thấy ở nhiều di tích tại Hà Nội trải qua thời gian dài không được tu bổ, tôn tạo. Thực trạng này không chỉ nguy hại cho số phận của di sản mà còn ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân khi đến hành lễ.

Chông chênh di sản

Đến đình Vĩnh Phệ, xã Chu Minh, huyện Ba Vì mới thấy xót xa cho ngôi đình cổ có tuổi đời 400 năm đang dần bị hủy hoại bởi thời gian. Năm gian đình gần như không đứng vững bởi mái bị võng, ngói xô lệch nhìn thấu trời, các cấu kiện gỗ bong tróc, thậm chí nhiều chân cột gỗ đã bị tiêu tâm, khối xà trung gian bị gãy rơi xuống nền nhà. Người dân trong vùng đã khắc phục bằng cách dùng rất nhiều cột gỗ chống đỡ tránh việc sập đổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nhìn sự chông chênh của các cột gỗ ngổn ngang bên trong mới cảm thấy rõ  sự tồn tại vô cùng mong manh của ngôi đình. Để tránh những hậu quả có thể xảy ra, những người quản lý đình đã đưa các đồ thờ tự ra ngoài để người dân hành lễ.

Ông Trần Viết Xơ, Phó Ban công tác Mặt trận thôn Vĩnh Phệ cho biết, từ 5 – 6 năm nay đình xuống cấp nặng, thôn làng phải cùng nhau gia cố chống đỡ đình tránh việc sập đổ. Nhất là mùa mưa bão, nỗi lo càng nhân lên nhưng người dân không có cách nào khác bằng việc hạn chế bớt người vào trong đình, làm lễ phía ngoài. Vì đình là di tích quốc gia nên việc tu bổ không thể tự ý, hơn nữa nguồn kinh phí thực hiện tu bổ tương đối nhiều nên địa phương không có đủ nguồn lực.

Chú thích ảnh
Di tích đình Vĩnh Phệ (xã Chu Minh, huyện Ba Vì) đã xuống cấp cần được tu tạo. Ảnh: Hiếu Trần/HNMO

Tương tự như vậy, di tích đình Thần Quy, xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên có tuổi đời gần 1.000 năm cũng đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Từ năm 2012, mái ngói chính giữa đình bị sụp đổ do mưa bão, tiếp đó đến mái ngói phía Bắc và phía Nam lần lượt bị sập xuống. Rui, kèo trên mái mục, các cột gỗ chống ở các góc đình cũng bị bở bục. Đặc biệt, các gian thờ tan hoang, những mảnh gạch gói vương khắp nơi. Sân đình mỗi khi mưa xuống là ngập nước, cỏ dại đua nhau mọc. Lo ngại đình sập ảnh hưởng đến tính mạng, từ 6 – 7 năm nay, người dân trong làng không dám vào trong làm lễ. Ngay cả khi tổ chức hội làng hay giỗ Thánh, dân làng chỉ tổ chức ngoài sân đình vì khu thờ tự không còn đảm bảo an toàn. Người dân thôn Thần Quy đang xót xa khi di tích ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, đình không còn là nơi thờ tự đúng nghĩa. Dù huyện Phú Xuyên cùng Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội quan tâm đến thực trạng ngôi đình nhưng đến nay do thủ tục tu bổ và nguồn vốn hỗ trợ còn nhiều vướng mắc nên di tích vẫn chưa được trùng tu.

Trên địa bàn huyện Quốc Oai có hơn 220 di tích các loại, trong đó 2 di tích quốc gia đặc biệt, 29 di tích được xếp hạng quốc gia, 61 di tích được xếp hạng cấp thành phố. Nhiều công trình kiến trúc và điêu khắc nổi tiếng từ thời Lê, thời Lý với hàng nghìn di vật, cổ vật có niên đại cách đây hàng nghìn năm đang được lưu giữ, trùng tu như chùa Thầy, đình So, đình Cấn, đình Ngọc Than, đình Phú Mỹ, chùa Lâm, chùa Cấn Thượng… Tuy nhiên, ông Nguyễn Vũ Hán, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Quốc Oai cho biết, nhiều di tích trên địa bàn huyện xuống cấp nghiêm trọng. Ngay cả với di tích quốc gia cũng có tới gần 10 di tích xuống cấp. Dù người dân mong muốn được trùng tu, huyện đã cố gắng nhưng do nhiều yếu tố khách quan nên các di tích xuống cấp chưa được tu bổ kịp thời.

Nhiều hiện vật quý đang bị hủy hoại

Nằm ẩn trong khu vực dân cư đông đúc, chùa Báo Ân, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai được biết tới là ngôi chùa cổ được khởi dựng từ thế kỷ 17 cùng hệ thống 49 pho tượng làm bằng đất. Với những giá trị độc đáo này, chùa được xếp hạng di tích cấp quốc gia từ năm 1990. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay ngôi chùa dường như bị lãng quên khi chính điện bị xuống cấp nghiêm trọng, tường vỡ lở, nứt toác, rễ cây xuyên từ ngoài vào bám chằng chịt phía trong tường, nền nhà ẩm thấp vì nước ứ đọng sau những trận mưa lớn. Đáng nói, hệ thống tượng đất trong chùa đang bị hủy hoại bởi thời tiết và không được bảo quản tốt. Hầu hết các tượng bị bong tróc, có những pho tượng rụng cả đầu và tay chân trông nham nhở đến thảm hại. Sư trụ trì phải nhặt từng bộ phận rơi gãy cất đựng vào túi ny lon để cất giữ tránh thất lạc. Tuy vậy, việc phục hồi nguyên trạng hoặc gần với nguyên trạng là điều vô cùng khó khăn bởi chất liệu đất khi vỡ vụn sẽ bị hao hụt, hơn nữa chất liệu gắn kết cũng không dễ tìm. Vào trong chính điện, không ai tránh khỏi sự xót xa bởi sự lạnh lẽo, hưu quạnh và xuống cấp nghiêm trọng của ngôi chùa.

Sư trụ trì Thích Đàm Trọng Nghĩa cho biết, di tích này bị xuống cấp gần 10 năm nay. Sư trụ trì và người dân "kêu cứu" mãi, đến cuối năm 2018, UBND thành phố có quyết định đầu tư tu bổ cấp thiết cho di tích nhưng tháng 4 vừa qua, chính quyền xã mới triển khai. Tuy vậy, việc thi công gián đoạn và công tác bảo vệ di vật sơ sài khiến người dân lo lắng. Với tiến độ này, có thể mất thời gian rất lâu công trình mới hoàn thành. Còn việc tu bổ, tôn tạo tổng thể di tích sẽ là chặng đường rất gian nan. Trong khi đó, nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của người dân vẫn rất cần, hơn nữa họ cũng mong muốn giữ được di sản và các hiện vật bên trong.

Tại nhiều di tích khác ở Hà Nội cũng tồn tại tình trạng di tích xuống cấp, hiện vật cũng ảnh hưởng theo. Bởi thực tế, mái, tường di tích dột nát, bong tróc nên nắng mưa xối vào, hiện vật không được bảo quản tốt nên cũng bị xuống cấp theo. Đó là chưa kể tới việc mất trộm, thất lạc hiện vật quý trong các di tích khi hệ thống cửa, tường bao lỏng lẻo.

Đánh giá về công tác bảo quản các hiện vật trong di tích, nhất là di tích xuống cấp, ông Vũ Hồng Hải, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phúc Thọ nói vui nhưng đúng với thực trạng ở nhiều nơi: “Lên chùa thấy Phật đội nón, sang đình thấy Thánh chống gậy”.

Dù người dân mong chờ, dù ngành Văn hóa và chính quyền địa phương đều biết rõ thực trạng này nhưng hàng chục năm qua, các di tích vẫn tiếp tục xuống cấp. Khả năng đầu tư chưa có thời gian cụ thể!

(Bài 2: Bài toán khó về nguồn lực)

Đinh Thuận

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...