loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Dù có nhiều khó khăn, nhưng hình thức học trên internet phù hợp trong bối cảnh hiện nay, giáo viên, học sinh, phụ huynh buộc phải thích nghi với hình thức này.
Trong lúc học trực tuyến tại nhà, bé trai 10 tuổi ở phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) không may bị điện giật tử vong.
Bên cạnh thiết bị, đường truyền, sự nỗ lực của giáo viên trong đổi mới phương pháp dạy học, sự đồng hành của phụ huynh có vai trò quyết định sự thành công của hình thức dạy và học trên internet.
Thích ứng với dạy và học trên internet
Trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, trong học kỳ I năm học này, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức học trên môi trường internet cho học sinh phổ thông. Từ thực tế ở cả nước nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, các chuyên gia đã chỉ ra hàng loạt khó khăn, thách thức đối với nhà trường và phụ huynh khi học sinh học trên internet.
Trước tiên, đó là khó khăn về mặt tâm lý, phụ huynh chưa chuẩn bị tốt tâm lý cho bản thân và cho con em mình. Các trường học chưa thống nhất các phần mềm học trên internet; còn thiếu phương pháp, kỹ năng, tài liệu dạy và học trực tuyến. Trong khi đó, học sinh khó tập trung và tiếp thu hiệu quả bài học; thiếu các trang thiết bị hỗ trợ dạy và học, đường truyền, kết nối internet không ổn định…
Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc dạy học trên internet không nhằm chạy theo tiến độ chương trình, nội dung kiến thức mà nhằm tạo môi trường học tập cho các em học sinh. Thực tế triển khai ở những năm học trước, việc dạy học qua internet có những hạn chế nhất định, vì thế đây được xem là phương thức dạy học phù hợp trong giai đoạn hiện nay chứ không phải là phương pháp hiệu quả so với dạy học trực tiếp. Trong sự thành công hay thất bại của phương pháp dạy học này có vai trò quyết định của đội ngũ thầy cô giáo, nhà trường và đặc biệt là sự đồng hành của gia đình, phụ huynh học sinh.
Tuy nhiên, theo ông Lê Duy Tân, đặc thù của hình thức học trên internet là kỹ năng tự học, do đó, nếu vượt qua và thích ứng được thì học sinh sẽ học được nhiều kỹ năng bổ ích, từ kỹ năng tự học và học có hướng dẫn, đến kỹ năng về công nghệ…
Tương tự, bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Giám đốc Trung tâm đào tạo ngắn hạn, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhìn nhận, mặc dù đã được làm quen nhưng việc dạy và học trực tuyến trong thời gian dài sẽ đặt ra những thách thức và khó khăn nhất định. Trở ngại lớn nhất đó là về mặt tâm thế đón nhận, ứng phó của cả học sinh, phụ huynh và giáo viên.
Mặt khác, theo bà Nguyễn Thị Phương Hoa, môi trường dạy và học trên internet hoàn toàn khác với môi trường trực tiếp. Trong đó, chủ yếu học tập một chiều, học sinh thụ động, quan sát, lắng nghe nên việc tập trung chú ý trong học tập của các em hoàn toàn phụ thuộc vào cách dạy học của thầy cô. Vì vậy, để việc dạy học hiệu quả đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các thầy cô giáo trong việc đổi mới phương pháp dạy học, cách tổ chức giờ học phù hợp với đối tượng, lứa tuổi học sinh. Bên cạnh yêu cầu về thiết bị, đường truyền, để tổ chức dạy học trên internet thành công, cần có phải có kho học liệu dạy học học đa dạng, phong phú, bám sát chương trình sách giáo khoa. Trên cơ sở đó, thầy cô giáo thuận lợi hơn trong thiết kế bài giảng, phụ huynh có tài liệu tham khảo hướng dẫn, hỗ trợ học sinh.
Cần sự đồng hành của phụ huynh
Việc học trên internet đối với học sinh các bậc học nói chung đều phát sinh những khó khăn nhất định. Với riêng bậc tiểu học, phương pháp dạy học này càng khó khăn khi ở lứa tuổi các em chưa có nhiều kỹ năng tự học, phương pháp dạy học ở bậc học này cũng phù hợp hơn khi được triển khai ở môi trường trực tiếp. Bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc dạy và học trên internet đối với học sinh tiểu học được triển khai đa dạng hình thức chứ không đơn thuần là học trực tuyến tương tác, như xây dựng video hướng dẫn bài học, hình thức giao bài...
Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đã chuẩn bị nhiều giải pháp để triển khai năm học mới, trong đó, đã xây dựng một số video các bài giảng do đội ngũ giáo viên giỏi của thành phố thực hiện, phổ biến trên nhiều kênh để học sinh, phụ huynh thuận tiện theo dõi. Ngoài ra, Sở cũng phối hợp với Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh để ghi hình và phát sóng các bài giảng môn Toán, Tiếng Việt lớp 1, 2; chương trình cũng được đưa lên kênh youtube để học sinh, phụ huynh theo dõi lại. Với những học sinh không có điều kiện tham gia học trên internet, ngoài học tập qua truyền hình, giáo viên cũng xây dựng các phiếu học tập, giao bài để hướng dẫn các em học tập.
“Về mặt chuyên môn, Sở cũng hướng dẫn giáo viên kéo giãn chương trình, dạy chậm hơn và điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp với tình hình thực tế học sinh để không quá tải cho các em. Phụ huynh cũng không nên quá lo lắng, tạo áp lực cho con em, mà nên thường xuyên đồng hành, theo dõi việc học của các em, từ đó trao đổi với giáo viên để có điều chỉnh phù hợp. Bởi, trong triển khai dạy và học trên internet với bậc tiểu học, nhất là học sinh lớp 1, rất cần sự đồng hành của phụ huynh trong quá trình học của các em học sinh” - bà Lâm Hồng Lãm Thúy chia sẻ.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Phương Hoa cho rằng, để học trên internet hiệu quả, với các lớp càng nhỏ càng cần sự hỗ trợ, hướng dẫn, đồng hành của phụ huynh. Tùy theo điều kiện thực tế, phụ huynh dành thời gian nghiên cứu chương trình và bài học của con, tìm phương pháp giúp con hứng thú trong học tập, nhất là trong thời gian đầu năm học để việc học trực tuyến của con vào nền nếp. Đặc biệt, phụ huynh cần kết nối chặt chẽ với giáo viên, để có cách giúp con học tập tốt nhất.
Năm học 2021-2022 Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 1,71 triệu học sinh. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, có hơn 70.000 học sinh các bậc học ở thành phố khó khăn trong việc học tập trên internet do thiếu thiết bị, đường truyền… Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đã trình UBND thành phố về việc hỗ trợ trang thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh khó khăn. Trong đó, Sở đề xuất thực hiện các giải pháp như huy động nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; vận động doanh nghiệp viễn thông tài trợ hoặc cung cấp gói cước viễn thông giá rẻ để ổn định đường truyền, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh; thông qua các chương trình ưu đãi trả góp để hỗ trợ phụ huynh trang bị thiết bị cho học sinh…
T.Hoài - TTXVN
loading...