A+ A A- Kiểu đọc sách

Đất nền tại TP.HCM 'sốt ảo' do 'hiệu ứng đám đông'

17:06 17/05/2017
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Giá đất nền tại các quận huyện vùng ven đang bị bóp méo, “hét giá” từng ngày, làm sai lệch giá trị đất, gây tâm lý hoang mang cho người dân, đặc biệt những người lao động nhập cư với thu nhập ít ỏi, mong mỏi tìm được chỗ an cư.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, giá bán đất nền được “hét” từ 1,5 – 2 lần là giá được đưa ra bởi môi giới, đầu nậu, theo sau các thông tin về quy hoạch hạ tầng hay các dự án bất động sản quy mô lớn. Đây là kiểu “cầm đèn chạy trước ô tô” nhằm đẩy giá bán, thu lợi.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Tiến Vũ, Phó Tổng Giám đốc Điều hành Công ty CP Tập đoàn Địa ốc Cát Tường cho rằng, giá đất nền tại vùng ven thành phố như quận 9, Thủ Đức, quận 12, huyện Hóc Môn, Củ Chi “sốt” do đây là những khu vực đón nhận nhiều tin tốt về hạ tầng, quy hoạch, có những dự án cầu, đường được triển khai xây dựng và đi vào hoạt động, giúp kết nối trung tâm thuận tiện, dễ dàng hơn.

Cùng chung nhận định trên, theo Hiệp hội Bất động sản Tp. Hồ Chí Minh, một trong những nguyên dân dẫn tới cơn sốt giá đất nền ở các quận ven và huyện ngoại thành là do sự phát triển mạnh hệ thống hạ tầng đô thị như các tuyến metro, đường cao tốc, đường vành đai, tuyến đường kết nối, liền theo đó là thông tin về các dự án cầu Cát Lái, cầu Bình Khánh, cầu Phước Khánh...

Chú thích ảnh
Ảnh: TTXVN

Những thông tin này kích thích, làm tăng mặt bằng giá bất động sản, đặc biệt là ở khu Đông, khu Nam , khu Tây của thành phố. Điều này bị giới đầu nậu và cò đất lợi dụng để thổi giá, đẩy giá đất nền ở các khu vực này lên cao.

Hiện một số dự án giao thông đã và đang xây dựng có tác động lên thị trường bất động sản như dự án tại khu vực đường cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Long Thành – Dầu Giây. Dự án đoạn đường song hành cao tốc từ Mai Chí Thọ đến Vành đai 2, đưa vào khai thác toàn tuyến đại lộ Phạm Văn Đồng, đang xây dựng tuyến metro số 1, đường Liên Phường – Đỗ Xuân Hợp (quận 9). Dự án cầu vượt Ngã 6 Gò Vấp, hầm chui An Sương đã khởi công, cầu qua sông Vàm Thuật kết nối An Phú Đông (quận 12) với quận Gò Vấp…

Tại các khu vực này xuất hiện nhiều dự án chất lượng do những chủ đầu tư có tên tuổi trên thị trường triển khai như Khang Điền, M.I.K Corp, Novaland, Vingroup, Tiến Phước…. Cùng với đó, thị trường bất động sản đang phát triển sau thời gian dài đóng băng. Vì vậy, “hiệu ứng đám đông” đã hình thành khi có nhiều cá nhân hay những nhà đầu tư nhỏ mạnh dạn đầu tư, sẵn sàng bỏ ra một lượng vốn lớn từ tiền nhàn rỗi để “gom đất” vùng ven “đón sóng”, nhất là khi thông tin quy hoạch đô thị nhiều khu vực đang được công khai, tiếp cận dễ dàng hơn.

Theo ông Lê Tiến Vũ, đầu tư đất nền luôn an toàn và ít rủi ro hơn so với những kênh đầu tư khác, lợi nhuận cũng tốt hơn so với sản phẩm căn hộ, trong khi nguồn vốn đầu tư thấp, hình thức đầu tư dễ. Mặt khác, còn không ít “cò đất” và một bộ phận nhà đầu tư thứ cấp đã tung hứng đẩy giá lên cao, khiến thị trường đất nền sốt lên từng ngày.

Cùng với những tín hiệu tốt về cơ sở hạ tầng, tại nhiều khu vực vùng ven xuất hiện các tin đồn không chính thống, truyền miệng như. Cụ thể như việc loan tin về khả năng chuyển huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn thành quận hoặc hình thành mô hình thành phố trong thành phố ở phía Đông, phía Tây, phía Nam Tp. Hồ Chí Minh… đã khiến giá đất càng thêm “sốt”.

Ngoài ra, một số tập đoàn lớn công bố thông tin đề xuất các dự án rất lớn mà nếu được thực hiện sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo Tp. Hồ Chí Minh, nhất là khu vực các huyện ngoại thành. Điển hình Tập đoàn Vingroup được giao đầu tư dự án Công viên Safari tại Củ Chi, thực hiện dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ. Tập đoàn Tuần Châu đề xuất đầu tư dự án Đại lộ ven sông Sài Gòn nối dài từ Bến Súc huyện Củ Chi qua huyện Hóc Môn, quận 12, quận Gò Vấp, quận Bình Thạnh về quận 1. Dự án thành phố mới tại huyện Củ Chi, dự án thành phố ven biển quy mô khoảng 1.000 ha tại huyện Cần Giờ...
 

Giá đất TP.HCM cao nhất vẫn là 81 triệu đồng/m2

Giá đất TP.HCM cao nhất vẫn là 81 triệu đồng/m2

Theo Bảng giá đất năm 2011 UBND TP trình HĐND thành phố xem xét, thông qua, giá đất cao nhất vẫn ở mức 81 triệu đồng/m2 ở một số tuyến đường như Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ...

Đáng quan ngại, giới đầu nậu, cò đất đã lợi dụng việc thực hiện Quyết định 33/2014/QĐ-UBND ngày 15/10/2014 của UBND Tp. Hồ Chí Minh quy định về diện tích đất tối thiểu sau khi tách thửa đối với đất ở tại nông thôn và đô thị trên địa bàn để thực hiện tách thửa, phân lô đất nền tràn lan. Đồng thời, tận dụng nhu cầu chỗ ở bức bí của người lao động nhập cư, đã nhanh chóng “thổi giá” đất nền ở các khu vực này.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp. Hồ Chí Minh, thời gian gần đây, giới đầu nậu và “cò đất” làm giá, thổi giá đất nền tại các quận huyện ngoại thành. Thủ đoạn được đưa ra là tung hỏa mù, thực thực hư hư, lợi dụng các thành quả phát triển hạ tầng giao thông của thành phố, các thông tin chính thống, tung tin thất thiệt, kể cả lợi dụng các tin đồn để kích giá, thổi giá, đẩy giá, “tạo sóng lướt sóng” để thủ lợi.

“Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp lướt sóng “theo tâm lý đám đông” có thể bị sập bẫy, bị thiệt hại nặng khi thị trường “hạ nhiệt”. Hoạt động của giới đầu nậu và cò đất bất chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến “sốt giá ảo” đất nền hiện nay và cần phải có biện pháp ngăn chặn kịp thời”, ông Lê Hoàng Châu nhận định.

Bài 3: Cần sớm "hạ nhiệt"

Xuân Tình – Tiến Lực

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...