loading...
(TT&VH) - “1h sáng ngày 30/10, đê bao nội đồng rạch Giao Khẩu bảo vệ khu phố 3C, phường Thạnh Lộc, quận 12, TP.HCM bị vỡ, nước tràn vào nhà ào ạt, hơn 500 ngôi nhà ở tổ 20, 21 ngập sâu hơn 1 mét. Dân tụi tôi phải đắp đê để tự cứu mình thôi, chờ mấy ổng biết bao giờ mới xong” - ông Nguyễn Văn Gấm, Tổ trưởng tổ 21, khu phố 3C, phường Thạnh Lộc, quận 12 bức xúc.
Chúng tôi có mặt tại khu phố 3C vào lúc 14h ngày 30/10, nước còn lấp xấp trên nền nhà, một số tuyến đường còn ngập sâu đến 0,5 mét, đồ đạc vẫn được “di tản” trên cao, chưa dám đưa về vị trí cũ. Nước ngập không kịp trở tay Tại nhà số 80, tổ 20, KP3C, bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh đang lội bì bõm và quét nước ra khỏi nền nhà, vật dụng gia đình đều được di dời lên trên cao để tránh “lũ”. Chiếc máy giặt được để trên bàn bếp, bàn thờ ông Địa, ông Táo còn ngập đầy nước còn 2 ông đã được “an vị” trên chiếc ghế nhựa... Hàm trăm ngôi nhà bị chìm trong nước ngập hơn nửa mét trở lên
Bà Hạnh bức xúc: “Ở khu phố 3C này, trước đây làm gì có chuyện bị ngập lụt trầm trọng như vậy đâu. Từ khi dự án Bờ hữu sông Sài Gòn triển khai, không hiểu cách thi công kiểu gì mà trong năm nay khu này đã bị ngập nặng 3 lần rồi. Lần này là ngập nặng nhất do bị vỡ đê bao nội đồng rạch Giao Khẩu. Nước vào nhà nhanh không kịp trở tay, nhà tôi ngập hơn nửa mét, máy bơm nước, tivi nhà tôi bị hư hỏng hết”. Chúng tôi đi khảo sát thiệt hại của các người dân nơi đây do nước tràn vào nhà, bà Hồ Ngọc Tuyến, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ khu phố 3C cho biết: “Khu vực này chưa có nước máy, chúng tôi phải xài máy bơm nước giếng. Đợt ngập này nặng quá, hầu hết các máy bơm hơn 500 hộ dân tổ 20, 21 đều bị hư hỏng do ngập nước. Gia đình chị Trần Thị Tuyết Mai, tổ 20 vừa được Hội Phụ nữ tặng 1 chiếc máy bơm trị giá 4 triệu đồng do gia đình quá nghèo, giờ bị “bà thủy” phá hư luôn rồi”. Còn bà Hoàng Thị Mai, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng Thanh Phát số 192, tổ 20, khu phố 3C cho biết: “Đêm qua đang nằm ngủ, nghe tiếng nước chảy vào nhà, tui lao ra ngoài bãi vật liệu xây dựng được để ngoài sân nhà thấy nước ngập cao chưa từng có. 48 bao xi măng, nhiều bao vôi, cát và một số vật liệu xây dựng khác nằm sát đất bị ngập chìm và bị trôi theo dòng nước. Tính sơ sơ, tui bị thiệt hại khoảng 10 triệu đồng”. Đoạn đê bao bị vỡ do người dân tự đắp lại
Đi tìm nguyên nhânTheo các hộ dân tại tổ 20, 21, nguyên nhân ngập nặng là do vỡ đê bao nội đồng rạch Giao Khẩu do áp lực nước từ sông Sài Gòn chảy vào quá mạnh. Ông Nguyễn Văn Gấm, Tổ trưởng tổ 21, khu phố 3C cho biết: “Vào khoảng 16h ngày 29/10, cống Ba Thôn nằm dưới chân cầu mới xây có lệnh mở nhưng không đóng lại, đến đêm nước triều lên và phá vỡ 1 đoạn đê nội đồng. Đây là cây cầu thuộc dự án Bờ hữu sông Sài Gòn, chưa được đặt tên nhưng bà con tụi tui thường gọi là cầu cống Ba Thôn”. Theo chân ông Gấm, chúng tôi đến đoạn đê rạch Giao Khẩu có đoạn gần 2 mét đê bị vỡ đã được người dân chủ động vá lại. Cách đó gần 200 mét, cánh cửa cống Ba Thôn dưới chân cầu vẫn chưa được đóng lại. Ông Gấm nói tiếp: “Theo các công nhân điều khiển đóng mở cống Ba Thôn cho biết, việc mở cống là làm theo lệnh của bà Nguyễn Thị Thu Hà, cán bộ Giao thông - Thủy lợi của phường Thạnh Lộc. Còn nguyên nhân vì sao mở thì tụi tui không biết nhưng chính việc mở cống đã làm vỡ đoạn đê bao này và người dân tụi tui phải lãnh đủ”. Trao đổi với một công nhân tên Đăng có mặt tại cống Ba Thôn, anh Đăng cho biết: “Chúng tôi không tự ý mở cống, khi có lệnh từ UBND phường Thạnh Lộc chúng tôi mới tiến hành mở cửa cống. Khoảng 16h ngày 29/10, chính bà Hà đã lệnh cho chúng tôi mở cống và tôi cũng không rõ vì sao lại mở cống này”. Chúng tôi đã liên hệ với bà Nguyễn Thị Thu Hà, cán bộ Giao thông - Thủy lợi phường Thạnh Lộc, quận 12, bà Hà thừa nhận có yêu cầu mở cống Ba Thôn do nước trong rạch nội đồng bị ô nhiễm. “Do hơn 10 ngày không mở cống, nước trong rạch nội đồng bị ô nhiễm và nghĩ là đang trong thời điểm hết triều cường nên chúng tôi ra lệnh mở cống và xảy ra sự cố vỡ đê. Đây là sự cố không mong muốn” - bà Hà nói. Ông Nguyễn Văn Gấm cho biết thêm: “Việc mở cống Ba Thôn gây vỡ đê cũng một phần là do cách thi công của dự án Bờ hữu sông Sài Gòn. Trước đây đoạn đê bao quanh rạch Giao Khẩu rất cao không có tình trạng bị ngập nước và được gia cố giữ đất bằng các gốc cây, nhưng do thi công đã làm thấp chiều cao của bờ đê và các gốc cây bị chặt nên đê tình trạng ngập khi nước lên thường xuyên xảy ra”.Anh Đức
loading...