loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Bệnh ung thư mỗi năm khiến 70.000 người chết và hơn 200.000 ca phát hiện mới ở Việt Nam.
Trong đó, có một phần nguyên nhân từ sử dụng thực phẩm không an toàn. Theo các đại biểu Quốc hội: Mất an toàn thực phẩm đang là vấn đề “nhức nhối”. Sáng 5/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016.
Theo báo cáo, tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm ở Việt Nam diễn ra khá nghiêm trọng ở một số địa phương. Trung bình mỗi năm có 167,8 vụ với hơn 5.000 người mắc và 27,3 người chết do ngộ độc thực phẩm. Giai đoạn 2011 – 2016 đã ghi nhận 7 bệnh truyền qua thực phẩm, làm hơn 4 triệu người mắc bệnh khiến 123 người chết.
Bệnh ung thư mỗi năm khiến 70.000 người chết và hơn 200.000 ca phát hiện mới. Trong đó, có một phần nguyên nhân từ sử dụng thực phẩm không an toàn. Theo điều tra của Hiệp hội Ung thư thế giới, có 35% ca mắc bệnh ung thư có nguồn gốc từ thực phẩm không an toàn và có thể phòng được.
Tỉ lệ tồn dư hóa chất vượt ngưỡng cho phép ở rau là 8,47%, qua kiểm tra 54.000 hộ nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đã phát hiện hơn 9.000 người sử dụng vi phạm. Kiểm tra 63.000 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phát hiện và xử lý trên 7.400 cơ sở vi phạm. Phần lớn lượng gia súc, gia cầm trong nước được giết mổ tại các cơ sở nhỏ lẻ, chiếm 97%, gây ô nhiễm mô trường và không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Việc bày bán thịt gia súc, gia cầm đường bày bán tươi ngoài chợ, dụng cụ chứa đựng không đảm bảo vệ sinh, chưa được kiểm soát chặt nguồn gốc thực phẩm. Số lượng cơ sở đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm chỉ chiếm 33,6% trong tổng số 408.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Sáng 27/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo Thành phố Hà Nội. Tại buổi làm việc này, Thủ tướng đã đồng ý với đề xuất thành lập lực lượng phản ứng nhanh của Hà Nội trong xử lý vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, trong lĩnh vực rượu bia, nước giải khát có nhiều cơ sở vi phạm, các cơ sở nấu rượu thu công, thô sơ chưa đảm bảo an toàn thực phẩm, rượu chưa đăng ký chất lượng, không nhãn mác xảy ra ở nhiều địa phương, gây ngộ độc cho người tiêu dùng….
Thảo luận về vấn đề này, đa số các đại biểu Quốc hội đều cho rằng, mất an toàn thực phẩm đang là vấn đề “nhức nhối” và khiến nhiều người dân lo lắng. Trong khi đó, chế tài xử lý chưa nghiêm, khiến việc vi phạm xảy ra tràn lan.
Đặc biệt, các đại biểu Quốc hội cho biết, khi xảy ra tình trạng mất an toàn thực phẩm, người dân không biết phải báo ở đâu hoặc có biết thì thủ tục cũng rất phức tạp. Do vậy, cần tăng cường mở các đường dây nóng để tiếp nhận thông tin về mất an toàn thực phẩm và có khen thưởng cho người báo tin. Đồng thời xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, bảo đảm tính khả thi của pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) cho rằng, tỉ lệ các cơ sở đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm được cấp giấy chức nhận còn thấp. Thực tế, thực phẩm an toàn hay không an toàn đều được lưu thông, không kiểm soát được. Vi phạm vẫn diễn ra hàng ngày, ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền nhiễm, ung thư.. gia tăng. Ảnh hưởng lớn tới niềm tin người dân.
“Hơn 680.000 cơ sở vi phạm, nhưng mới chỉ có hơn 20% cơ sở bị xử lý với mức xử phạt 200.000 đồng/vụ. Nhận thức của người sản xuất chưa đầy đủ, phụ gia tràn lan, làm ăn mang tính chộp giật, không tính tới quyền lợi của người tiêu dung… nguyên nhân chính tính hiệu lực và hiệu quả, chưa nghiêm, chế tài chưa đủ răn đe”, đại biểu Toàn nói thêm.
Để giải quyết vấn đề này, đại biểu Toàn cho rằng, Chính phủ cần đặt ra các chỉ tiêu mang tính định lượng cụ thể, quy định cụ thể tỉ lệ giảm mỗi năm. Phấn đấu đạt chỉ tiêu giết mổ tập trung, chợ được quy hoạch kiểm soát an toàn thực phẩm… cụ thể. Đồng thời, phân định rõ trách nhiệm của người đứng đầu từ trung ương tới địa phương, tránh đùn đẩy trách nhiệm. Chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe và xử lý cán bộ bao che cho thực phẩm bẩn. Kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia, nhập lậu các mặt hàng này…
Ngoài ra, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) cho biết, việc quản lý thức ăn đường phố còn nhiều bất cập, khó kiểm soát. Trong khi đó, số lượng kinh doanh theo kiểu này chiếm số lượng không nhỏ, ở khắp mọi nơi nhưng công tác thanh tra kiểm tra và xử lý không thường xuyên, tái phạm nhiều. Thiếu lực lượng kiểm tra thường xuyên. Do vậy, cần quy hoạch các khu vực kinh doanh tập trung để kiểm soát.
Về việc sản xuất, kinh doanh rượu, bia nước giải khát. đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) cho rằng, các nơi sản xuất rượu lậu, rượu kém chất lượng…có rất nhiều ở các địa phương. Gây ra nhiều vụ ngộ độc, hô mê sâu. Trong 3 tháng qua, tại bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận hơn 30 trường hợp và 9 người đã tử vong vì rượu kém chất lượng.
Các cơ quan chức năng cũng đã tiêu hủy hơn 70.000 lít rượu không rõ xuất xứ, gồm nhiều chai rượu ngoại giả…ngộ độc rượu đã trở thành ám ảnh người dân trong thời gian qua. Do vậy, cử tri yêu cầu các cơ quan quản lý siết chặt về việc sản xuất và kinh doanh rượu. Nâng mức xử phạt và xử lý hình sự.
Theo Báo Tin Tức
loading...