loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 9/9, tiếp tục phần thẩm vấn tại phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Hà Văn Thắm và các đồng phạm trong vụ án sai phạm xảy ra tại OceanBank, Hội đồng xét xử đã yêu cầu triệu tập 4 vị lãnh đạo của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn đến phiên tòa vào thứ hai tuần tới.
Triệu tập người liên quan để thẩm vấn, đối chất với các bị cáo
Bốn vị lãnh đạo của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn được yêu cầu triệu tập đến Tòa gồm: Ông Nguyễn Hoài Giang (Chủ tịch Hội đồng thành viên), ông Đinh Văn Ngọc (nguyên Tổng Giám đốc), ông Vũ Mạnh Tùng (Phó Tổng Giám đốc), ông Phạm Xuân Quang (Kế toán trưởng).
Việc triệu tập này xuất phát từ lời khai của bị cáo Nguyễn Minh Thu khai đưa tiền cho bị cáo Phan Thị Tú Anh (Giám đốc OceanBank chi nhánh Quảng Ngãi) để chi chăm sóc khách hàng cho 4 vị lãnh đạo của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn.
Cụ thể, liên quan đến việc chi lãi ngoài, bị cáo Nguyễn Minh Thu khai, giai đoạn bị cáo là Phó Tổng Giám đốc OceanBank thì không thực hiện chi lãi ngoài.
Giai đoạn tháng 1/2011 khi lên giữ chức Tổng Giám đốc OceanBank, bị cáo chi trực tiếp cho 3 khách hàng quan trọng, gồm: Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng Công ty Dầu Việt Nam và Vietsovpetro.
Đối với Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, bị cáo Thu cho biết tổng số tiền đã chi gần 19 tỷ đồng. Cụ thể bị cáo chi chăm sóc khách hàng cho Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, kế toán trưởng. Các lần đi, bị cáo đều nhờ bị cáo Phan Thị Tú Anh (nguyên Giám đốc Chi nhánh Quảng Ngãi) đặt lịch gặp gỡ.
Ngoài ra, Thu còn thay Nguyễn Thị Minh Phương (nguyên Phó Tổng Giám đốc OceanBank) chuyển cho các chi nhánh số tiền 11 tỷ đồng. Trong đó có chi khoảng 2-3 tỷ đồng cho Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn. Số còn lại chia hai phần chuyển cho bị cáo Tú Anh chi chăm sóc khách hàng.
Đối chất lời khai của Thu, đại diện Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết không nhận chi lãi suất ngoài và khẳng định đây chỉ là lời khai một chiều của Thu.
Ngay lập tức, thẩm phán chủ tọa Trần Nam Hà đã yêu cầu thư ký phiên tòa triệu tập 4 lãnh đạo nói trên của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn tới phiên xử vào ngày thứ hai (11/9) để tiến hành thẩm vấn và đối chất.
Phân tích căn cứ xác định thiệt hại của OceanBank
Cũng trong phiên xử sáng 9/9, các luật sư đã tập trung hỏi đoàn giám định Ngân hàng Nhà nước, đại diện Ngân hàng Nhà nước và đại diện OceanBank về căn cứ xác định thiệt hại khoản tiền cố ý làm trái 1.576 tỷ đồng.
Các luật sư đã đặt câu hỏi cho ông Đỗ Anh Quân, trưởng Đoàn giám định Ngân hàng Nhà nước xoay quanh quyết định thành lập đoàn giám định, mục đích, đối tượng, quá trình giám định, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm của các giám định viên…; đồng thời, tập trung hỏi, làm rõ về các nội dung giám định: Số tiền 1.576 tỷ đồng chi lãi ngoài có trái quy định của pháp luật không? Nếu có thiệt hại thì gây thiệt hại cho OceanBank là bao nhiêu?… Giải đáp những câu hỏi này, ông Đỗ Anh Quân cho biết: Toàn bộ nội dung trưng cầu giám định, cơ quan giám định đã trả lời chính xác, đầy đủ theo yêu cầu của cơ quan điều tra. Một số câu trả lời của ông Quân, luật sư cho rằng chưa thỏa đáng và ông Quân chưa thể là đại diện giám định của Ngân hàng Nhà nước tại phiên tòa. Vì vậy, nếu cần thiết, các luật sư sẽ đề nghị Hội đồng xét xử triệu tập các giám định viên còn lại trong Đoàn giám định của Ngân hàng Nhà nước.
Ngày 6/9, ngày thứ 7 phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm và các đồng phạm trong vụ án sai phạm xảy ra tại OceanBank được tiếp tục với phần thẩm vấn của các luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo.
Liên quan tới vấn đề này, các luật sư đã quay sang hỏi ông Trần Anh Hùng (đại diện Ngân hàng Nhà nước) về quy trình lập tổ giám định của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, ông Hùng không trả lời câu hỏi này và cho biết sẽ thông tin lại sau.
Trả lời câu hỏi của luật sư về số tiền cố ý làm trái 1.576 tỷ đồng, bị cáo Hà Văn Thắm cho rằng cần làm rõ tên gọi của các loại tiền. Tiền vốn điều lệ của OceanBank là 4.000 tỷ đồng, để dành cho việc trang bị, đầu tư cơ sở vật chất (40%), đầu tư chứng khoán, mở công ty con (40%) và lập quỹ (20%). Số tiền chi lãi ngoài hoàn toàn không lấy từ vốn điều lệ của OceanBanh mà được lấy từ tiền ngân hàng kinh doanh được. Nghĩa là từ phần lãi của hoạt động cho vay để chi cho hoạt động huy động vốn. Do đó, không thể nói OceanBank thiệt hại như vậy. Nếu chỉ nhìn vào số tiền chi lãi để huy động vốn mà không nhìn đến số tiền thu về từ hoạt động cho vay, rồi kết luận là thiệt hại là không chính xác.
Đại diện OceanBank cho rằng, việc xác định thiệt hại của OceanBank được căn cứ vào kết luận của cơ quan điều tra và hành vi làm trái của các bị cáo, đồng thời căn cứ vào giám định kết luận cho rằng không có cơ sở thu hồi. Về vấn đề này, luật sư xác định: OceanBank phải có trách nhiệm xác định thiệt hại, chứng minh hậu quả chứ không phải dựa vào cáo trạng hay hành vi làm trái của các bị cáo.
Trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Nguyễn Thị Nga (nguyên Trưởng ban kế toán OceanBank) trình bày: Số tiền từ hoạt động cho vay và huy động vốn phải được giám định cùng nhau, phải dựa vào dòng chảy của đồng tiền. Bằng chứng là sau khi Ngân hàng Nhà nước mua OceanBank với giá 0 đồng vào đầu năm thì cuối năm OceanBank đã lãi ngay 1.000 tỷ đồng, đồng thời thu hồi được 5.000 tỷ đồng.
Về nội dung này, đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa cho rằng: OceanBank cũng như nhiều tổ chức tín dụng khác, phải hoạt động theo quy định của pháp luật, chứ không phải là một cái chợ cóc tự phát thích mua hay thích bán tùy ý.
Chiều 9/9, Tòa nghỉ. Sáng thứ hai (11/9), phiên tòa tiếp tục với phần thẩm vấn.
TTXVN/Kim Anh – Nguyễn Cúc
loading...