(Thethaovanhoa.vn) - Đại tá Nguyễn Đức Dũng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thái Bình cho biết: Bước đầu, lực lượng chức năng đã vô hiệu hóa được quả bom nặng gần 240 kg.
Quả bom do ông Trần Văn Vân (thôn Cao Bình, xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) phát hiện trong quá trình đánh bắt cá trên sông Hồng, đoạn gần bến phà Cồn Nhất (nối hai huyện Kiến Xương tỉnh Thái Bình với huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định).
Ngay sau khi nhận được thông tin, chính quyền xã Hồng Tiến đã khẩn trương cử lực lượng công an viên ra hiện trường trông giữ, đồng thời khẩn trương báo cáo với Ban Chỉ huy quân sự huyện Kiến Xương phối hợp xử lý. Trong quá trình chờ đợi các cơ quan chức năng tổ chức di dời, xử lý quả bom, UBND huyện Kiến Xương đã chỉ đạo bến phà Cồn Nhất tạm ngừng hoạt động, phong tỏa quanh khu vực, không để người dân, phương tiện tiếp cận quả bom.
Ngư dân Trần Văn Vân (áo trắng) phát hiện quả bom trên sông Hồng. Ảnh: báo Thái Bình
Từ 15 h ngày 19/4, bến Phà Cồn Nhất nối hai huyện Kiến Xương (tỉnh Thái Bình) và huyện Giao Thủy (tỉnh Nam Định) đã dừng hoạt động. Kết quả kiểm tra của lực lượng công binh (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thái Bình) xác định quả bom trên có chiều dài 1,6m, đường kính điểm to nhất 30cm, trọng lượng ước tính gần 240kg.
Báo Thái Bình cho biết: Với lượng nổ lớn, bán kính sát thương có thể từ 500 - 800m. Theo nhiều người dân xã Hồng Tiến, quả bom này có thể do không lực Hoa Kỳ thả xuống địa phương vào những năm 1968 - 1972 khi Mỹ đánh phá miền Bắc.
Thông thường khi phát hiện một quả bom từ thời chiến tranh, ta phải làm gì?
Đại tá Nguyễn Đức Dũng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thái Bình cho biết: Trong ngày 24/4, các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Bình đã họp bàn phương án xử lý quả bom. Hiện tại, quả bom bước đầu được vô hiệu hóa, lực lượng công binh (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thái Bình) đã di chuyển quả bom đến vị trí cách bến phà Cồn Nhất hơn 300m về hướng thượng nguồn. Bến phà Cồn Nhất đã hoạt động trở lại.
Lực lượng chức năng đang xây dựng dựng kế hoạch để hủy nổ quả bom.
Hải An (TTXVN)